"Tục thờ cúng ngày tết của đồng bào Thái Tây Bắc"

Lường Hạnh/VOV-Tây Bắc
Chia sẻ

VOV.VN - Tết đến xuân về, đồng bào Thái Tây Bắc thường tổ chức “xên hươn” (tức thờ cúng tổ tiên ) theo ngày Can của lịch của người Thái. Với đồng bào Thái, đây là dịp con cháu tụ hội về cùng nhau chuẩn bị mâm cúng tổ tiên, vui đón năm mới.

Trước khi tổ chức “xên hươn”, gia chủ mang trầu cau đến nhờ ông mo bản về làm lễ cho gia đình. Trước “ngày cúng cơm” (theo lịch của người Thái  cứ 10 ngày sẽ đến ngày cúng cơm), chủ nhà lấy trầu, cau, một bó lá dong, một cái thớt, một cái xiên thịt lên trình trước bàn thờ tổ tiên (gọi là cọ lọ hóng) báo cáo với ông bà, tổ tiên ngày con cháu sẽ tổ chức “xên hươn”, đồng thời mời ông bà về ăn tết với con cháu.

Đến “ngày cúng cơm”, bà con làm thịt con lợn ngay từ sáng sớm, lợn nhỏ, to tuỳ theo điều kiện của gia đình. Người đến giúp gia chủ làm lễ “xên hươn” thường là con cháu trong dòng họ, biết việc. Con lợn sau khi luộc chín đặt ở chính giữa mâm, ngoài thịt lợn còn có 1 con gà luộc chín, xôi nếp đựng trong 2 “ép khảu” (đồ đựng xôi ), 1 chai rượu trắng, 1 đĩa thịt xiên nướng, 1 gói thịt băm, 1 con cá nướng... các món ẩm thực, hoa quả, rau măng, kẹo bánh... Trong đó không thể thiếu măng chua nấu với lòng lợn để ông mo bản cúng mời tổ tiên của gia chủ (gọi là pỏn phi hươn).

“Những người đến giúp ông mo làm lễ “xên hươn” thường là đàn ông hiểu biết về phong tục, nhanh nhẹn, tháo vát và có trách nhiệm với công việc, với gia đình. Biết sắp mâm cỗ cúng và giúp ông mo trong quá trình “ xên hươn” cho đến khi hoàn thành công việc" - Ông Vì Văn Liêm bản Nhả Say, xã Nặm Mằn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết.

Mâm cỗ chuẩn bị xong, ông mo đại diện cúng mời ông bà, tổ tiên của gia chủ đến thưởng thức mâm cỗ của con cháu. Ông mo cầm quyển sổ ghi tên và lần lượt gọi tên của những người đã khuất trong dòng họ đến ăn cỗ, cứ thế lần lượt theo bài cúng cho đến khi kết thúc. Cúng xong nơi thờ ông bà tổ tiên, gia chủ sắp một mâm cỗ khác mang ra chỗ bếp cúng “ma bếp lửa” (gọi là phi chi phay). Đồng bào Thái quan niệm nơi này thường là các cụ, các kỵ đã khuất lâu rồi chuyên ngồi canh lửa cho con cháu, cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu không để xảy ra hoả hoạn.

Gia chủ cũng làm mâm cỗ tri ân các cụ, các kỵ đã khuất lâu đời không lên cầu thang được, phải ở dưới gầm sàn, gọi là phi đin lang, tức là “ma gầm sàn” và thổ công, thổ địa chuyên trông coi trâu, bò lợn gà, cầu mong các cụ phù hộ cho con cháu chăn nuôi phát triển. “Xên hươn” ở dòng tộc lớn, ông mo sẽ mời các ông bà, tổ tiên đến ăn mâm cỗ tết của con cháu, mong các cụ phù hộ cho con cháu năm mới sức khoẻ dồi dào, mùa màng bội thu. Các dòng tộc nhỏ hơn ngoài mời gọi ông bà tổ tiên đến ăn tết còn mời thổ công, thổ địa, thần linh sông suối để tạ ơn” - Ông Lò Văn Hiến, ở bản Mường Pia, xã Chiềng Hoa, huỵên Mường La nói.

Ông mo cúng xong ở gầm sàn cũng là lúc gia chủ sắp bữa cơm mời anh em họ hàng, bà con bản trên, mường dưới nâng chén rượu đầu xuân chúc cho gia chủ năm mới dồi dào sức, làm ăn phát đạt. "Hằng năm đến tết bà con thường hay tổ chức “Xên hươn” là dịp để con cháu nhớ ơn công sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Thứ 2 là dịp để con gái, cháu gái lấy chồng xa có bánh chưng, kẹo bánh, hoa quả về thắp hương và tỏ lòng thành kính đối với ông bà tổ tiên. Bà con quan niệm muốn ăn nên làm ra thì quan tâm đến ông bà, tổ tiên của mình, để tổ tiên phù hộ cho gia đình, cho con cháu” - Ông Vì Văn Liêm cho biết thêm.

“Xên hươn” là phong tục có từ lâu đời và được đồng bào Thái duy trì qua các thế hệ. Đây cũng là dịp để con cháu ở phương xa quây quần về cùng nhau vui xuân đón tết, bày tỏ lòng biết ơn ông bà, tổ tiên đã cho con cháu có cuộc sống ngày hôm nay và cầu cho năm mới sức khoẻ dồi dào, làm ăn phát đạt, cuộc sống luôn bình an./.

Tin cùng chuyên mục