Món quà đặc biệt nơi rẻo cao biên giới Sơn La

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc
Chia sẻ

VOV.VN - Biết đọc, biết viết, có kiến thức để cuộc sống đổi thay... là ước mơ giản dị của biết bao người trên rẻo cao Sơn La. Đây cũng là món quà ý nghĩa mà những người lính quân hàm xanh mang đến qua những lớp học đặc biệt nơi biên cương.

Khi mặt trời khuất sau dãy núi, bóng tối bao trùm khoảng trời vùng cao cũng là lúc ánh đèn pin lấp ló trên con đường đến lớp của bà con bản Sam Quảng, xã Mường Lèo, huyện Sốp Cộp, Sơn La.

Đều đặn từ tối thứ 2 đến thứ 6, nhà văn hóa bản Sam Quảng lại sáng điện. 19h mới vào lớp, nhưng thầy giáo quân hàm xanh Hờ A Thành, đội vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Mường Lèo, Bộ đội biên phòng tỉnh Sơn La đã có mặt từ sớm để chờ đón học viên lớp xóa mù chữ.

Phòng học tạm, bàn ghế cũ, nhưng trên bảng xanh là những nét phấn mới mà các học viên tập viết mỗi ngày. Lần đầu tiên viết được tên mình, chị Lý Thị Dụ - người dân bản Sam Quảng không giấu nổi niềm hạnh phúc, bởi đây là mong ước của chị trong suốt gần 40 năm qua...

"Lần đầu tiên đi học, biết viết... Sau khi học xong mình đi chợ mình biết mua rau, mua thịt; sau này mình biết chữ rồi thì mình dạy các con học nữa; không có điện thoại thì còn viết mấy chữ để nhà cho mấy bố con biết mình đi làm nương hay đi đâu...", chị Lý Thị Dụ nói.

Chiếc cân đồng hồ cùng những chai lọ, bắp ngô, quả bí...  những vật dụng gần gũi nhất với bà con luôn xuất hiện trong bài giảng của thầy giáo Hờ A Thành. Bởi vậy mà kiến thức cũng trở nên dễ hiểu, dễ nhớ hơn với gần 30 học viên đồng bào dân tộc Mông nơi đây.

Đến với lớp học để có kiến thức, biết lao động sản xuất, giao thương hàng hóa... là mong ước của nhiều học viên, từ người trẻ nhất 16 tuổi, đến những đôi vợ chồng đã qua hơn nửa đời người với cuộc sống bấp bênh vì mù chữ.

"Bên cạnh là vợ tôi, còn tôi là Giàng Tồng Lâu, năm nay tôi 51 tuổi, già vậy rồi nhưng chưa được đi học. Bây giờ Đảng, Nhà nước quan tâm mở lớp cho chúng tôi thì vợ chồng tôi cố gắng đi học cho biết chữ, để sau bán gà, bán thóc, bán ngô còn biết tính toán...", anh Giàng Tồng Lâu chia sẻ.

Hành trình chinh phục con chữ của bà con vùng biên giới Sơn La thật nhọc nhằn, nhưng trong mỗi lớp học, là ánh mắt chan chứa niềm vui khi nét chữ dần được nắn nót trên trang vở, cùng những tiếng tập đọc vang lên.

Thiếu tá Hờ A Thành, cán bộ Đồn biên phòng Mường Lèo, BĐBP Sơn La - người đứng lớp cho biết, học viên không thể đi học ban ngày vì còn bận nương rẫy, mưu sinh, nên lớp xóa mù chữ được duy trì vào buổi tối. Các học viên đa độ tuổi, trình độ nhận thức khác nhau, nên bản thân anh phải rất kiên trì, nỗ lực vượt khó để dạy chữ cho bà con sao cho hiệu quả nhất.  

"Mới đầu cũng gặp khó khăn, tôi phải trực tiếp đến nhà từng học viên để tuyên truyền vận động, để bà con hiểu được việc đi học rất quan trọng, để phục vụ cho cuộc sống sau này. Trong quá trình giảng dạy, có người từ nhỏ đến lớn chưa từng cầm bút nên tay cứng, rồi phát âm chưa chuẩn, tôi phải trực tiếp hướng dẫn học viên đọc, viết từng nét chữ một...", Thiếu tá Hờ A Thành chia sẻ.

Từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Mường Lèo đã mở 6 lớp xóa mù chữ tại 6 bản trên địa bàn, với hơn 160 học viên. Mỗi học viên đi học còn được hỗ trợ 10 nghìn đồng/buổi học và sách vở, bút...

Thượng tá Hoàng Văn Giáp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Lèo, BĐBP tỉnh Sơn La cho biết: ngoài duy trì các lớp học xóa mù chữ, đơn vị còn hỗ trợ nhiều cháu học sinh qua chương trình “nâng bước em tới trường”; hỗ trợ các điểm trường, nhà trường, thầy cô giáo một số các công trình phụ trợ cho hoạt động học tập, sinh hoạt; tổ chức ngày chủ nhật xanh, ngày thứ 7 tình nguyện... giúp đỡ bà con vùng biên giới.

"Cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng chúng tôi thường xuyên xa nhà, chúng tôi coi đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt. Cán bộ, chiến sĩ cũng thường xuyên được cảm thông, chia sẻ, thương yêu, đùm bọc của bà con nên cũng ấm lòng người chiến sĩ. Bởi vậy chúng tôi luôn xác định cố gắng làm sao cho dân tin, dân hiểu, dân nghe và cùng tham gia phối hợp với Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn", Thượng tá Hoàng Văn Giáp cho biết.

Mùa xuân mới với sự đồng lòng, đoàn kết, quan tâm, sẻ chia, cùng những món quà đặc biệt có lẽ cũng là khởi đầu cho những ước mơ của bà con về cuộc sống mới tươi sáng hơn. Từ đây, hình ảnh về người lính quân hàm xanh, về nghĩa tình quân dân cũng ngày một lan tỏa, in dấu trên dải đất biên cương của Tổ quốc.

Tin cùng chuyên mục