1. Tiết trời những ngày cuối năm ở vùng cao Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) tê tái lạnh, khó làm ấm cơ thể để chìm vào giấc ngủ. Bên bếp lửa đỏ rực, được nghe câu chuyện của ông Vàng A Lâu về sự tích ra đời của cây khèn mới hiểu tại sao người Mông lại coi trọng và gìn giữ cây khèn đến thế, suốt bao thế hệ.
Xưa, có một nhà cha mẹ mất sớm, để lại sáu anh em trai ở với nhau. Cuộc sống vắng cha, vắng mẹ buồn tẻ, sáu anh em đã nghĩ ra một cây khèn có sáu lỗ và sáu bộ phận để cùng được thổi với nhau, xua tan đi nỗi buồn. Ngày ngày, họ đi làm nương làm rẫy, tối về anh em quây quần cùng nhau thổi khèn. Tiếng khèn trầm bổng, tha thiết, thu hút sự chú ý của mọi người trong bản nên họ đến chơi rất đông vui.
Một ngày kia, chiến tranh xảy ra, quân giặc ở phương Bắc tràn xuống cướp của, giết người, đốt phá nhà cửa, làng bản. Gia đình sáu anh em, người thì bị giặc giết hại, người thì theo nghĩa quân đánh giặc, người phiêu bạt đi nơi khác. Còn lại người em út không nhà không cửa, ở với người chú ruột. Thiếu tiếng khèn của sáu anh em, trong vùng trầm lắng, quạnh hiu hơn nhiều. Vắng năm người anh, chàng út buồn rầu suy nghĩ, muốn làm thế nào để một người có thể thổi được cây khèn sáu ống ấy.
Một buổi sáng, đang cày nương, nghĩ ra điều gì đó, chàng út liền vác dao lên rừng đốn cây gỗ, chặt lấy một đoạn mang về làm bầu khèn. Tiếp đó chàng chặt trúc, lựa lấy sáu đoạn để làm ống khèn. Cả ngày quần quật làm lụng ruộng nương, đến khi mặt trời xuống núi, chàng lại cặm cụi dùng dao nhọn đẽo gọt bầu khèn, khoét các lỗ trên các đoạn trúc, làm thành chiếc khèn cho riêng mình. Chàng đem ra thổi thử, lạ thay, cả vùng rừng núi trầm lặng, quạnh hiu bỗng trở nên xôn xao, da diết, gợi nhớ, gợi thương. Dân bản từ khắp nơi trong vùng tụ tập về bên chàng nghe tiếng khèn và cũng để tận mắt chứng kiến chàng trai đã làm ra thứ nhạc cụ độc đáo ấy.
Sẵn lòng yêu quê hương, căm thù giặc ngoại xâm, tiếng khèn vang lên đã góp phần cổ vũ tinh thần cho đông đảo người con vùng lên đánh tan giặc ngoại xâm. Giặc tan, tiếng khèn được chàng trai truyền lại cho dân bản, họ cùng nhau nhảy múa, âm vang núi rừng. Từ đó, cây khèn gắn bó với cuộc sống của người Mông, có mặt ở mọi nơi trong đời sống cộng đồng, từ các nghi thức trong tang ma, cưới xin, lễ hội dân gian đến các hoạt động vui chơi giải trí truyền thống của người Mông. Thông qua đó, khèn nhắc nhở con cháu về cội nguồn dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống.
2. Cuộc sống ngày một hối hả, các bản làng vùng cao cũng chuyển động theo. Trong cộng đồng của người Mông ở tỉnh Yên Bái hiện nay, nam giới từ thiếu niên đến tuổi trưởng thành đều biết múa khèn, tuy nhiên những người giỏi, xuất sắc thì không nhiều, đặc biệt là những người có thể chế tác khèn giỏi càng ít, mỗi huyện chỉ có 2 - 3 người, có địa phương không có người nào.
Ngôi nhà của nghệ nhân ưu tú Thào Cáng Súa nằm chênh vênh trên một quả đồi ở bản Sáng Nhù, xã Mồ Dề - nơi có những thửa ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Tiếng khèn của ông quen thuộc với đồng bào Mông và du khách đến nỗi ngày nào không thấy cất lên là mọi người hiểu rằng ông vắng nhà. Nghe dân bản kể thì vì khèn hay mà ông Súa lấy được 3 vợ và vì chế tác được những khèn chuẩn mà rất nhiều người từ Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai cũng phải tìm sang tận nơi ông ở để mua.
Khách lạ tới nhà, gần như bao giờ ông Súa cũng cất ngay tiếng khèn chào đón. Ông Súa nói tiếng phổ thông không sõi, nhưng đã đi biểu diễn khèn ở khắp Tây Bắc và lần nào cũng rinh giải vàng, giải nhất về cho huyện. Khi tỉnh Yên Bái xây dựng lý lịch Di sản Văn hóa phi vật thể nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn để đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt thì ông Súa là một trong những người quan trọng nhất, bởi trong số 15 nghệ nhân khèn Mông ở khắp vùng cao Yên Bái, chỉ duy nhất người đàn ông 64 tuổi này là nghệ nhân ưu tú.
Ông Súa kể, bây giờ, đều đặn hàng tuần ông đi đến các trường học, các bản làng vùng cao để truyền dạy thế hệ trẻ người Mông những điệu múa khèn truyền thống và nghệ thuật chế tác khèn: “Hiện nay nhiều người trẻ không còn mặn mà với cây khèn nhưng tôi cũng vui khi có không ít người yêu và muốn bảo tồn tiếng khèn, các trường học cũng đã đưa múa khèn vào dạy ngoại khóa”.
3. Ở Yên Bái, khảo sát thực tế thì thấy chỉ còn có 21 người thuần thục việc chế tác khèn, trong đó, huyện Mù Cang Chải có 18 người, huyện Trạm Tấu có 3 người. Bởi vậy, việc gìn giữ và phát huy điệu Khèn Mông được đặt ra cấp thiết, đặc biệt là khi khèn được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia trong năm 2023. Ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho hay, hiện ở huyện Mù Cang Chải đã thành lập được 14 đội văn nghệ mang bản sắc văn hóa dân tộc Mông; huyện Trạm Tấu đã thành lập được 8 đội văn nghệ ở các xã có số đông người Mông sinh sống; huyện Văn Chấn có đội văn nghệ dân tộc Mông xã Suối Giàng. Tất cả các đội văn nghệ này đều có thể trình diễn nghệ thuật khèn với nhiều bài khèn khác nhau. Bên cạnh đó, Huyện ủy Mù Cang Chải đã tổ chức hai lớp truyền dạy nghệ thuật khèn với trên 20 học viên; huyện Trạm Tấu cũng tổ chức hai lớp truyền dạy với 16 học viên. Từ năm 2019 đến nay, các trường học ở các địa phương nơi có di sản cũng đã bổ sung chương trình dạy múa khèn cho các em học sinh trong chương trình thể dục giờ ra chơi, giờ ngoại khóa. Từ đây khơi dậy ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tại những địa bàn có số đông người Mông sinh sống.
Huyện Mù Cang Chải đã ba lần tổ chức Hội thi khèn Mông. Bắt đầu từ năm 2022, huyện vùng cao này cũng tổ chức các Festival khèn Mông độc đáo. “Nghệ thuật khèn Mông tỉnh Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia càng thúc đẩy trách nhiệm trao truyền di sản giữa các thế hệ và thực hành di sản trong cộng đồng, để di sản tiếp tục được lan tỏa tới mai sau. Các địa phương cũng phải “biến di sản thành tài sản” phục vụ quá trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và chỉ số hạnh phúc của nhân dân các dân tộc trên địa bàn”, ông Tuấn khẳng định.
4. Xuân gõ cửa, hoa tớ dày nở đỏ thắm các sườn đồi, khoác lên vùng cao Yên Bái một màu áo mới rực rỡ với gam màu ấm nóng. Tiết trời giá lạnh như bớt đi phần nào. Trong không gian ấy, 12 chàng trai của Câu lạc bộ khèn Mông xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải say sưa luyện múa khèn trên những dải đất trống dệt sắc cỏ xanh. Người biết nhiều dạy người biết ít, những đôi chân cứ dần thanh thoát hơn, những âm thanh thổi lên từ cây khèn cũng đều nhịp và vang vọng hơn.
Chạm đất sau những vòng xoay đẹp mắt đầy ngẫu hứng, hai thanh niên Lờ A Thông và Sùng A Vàng, bản Xéo Dì Hồ A, xã Lao Chải đều thừa nhận, trước đây có được học khèn nhưng do công việc bận rộn nên ít có cơ hội giao lưu, học hỏi thêm. Nay ở xã thành lập được câu lạc bộ khèn mới có cơ hội hoàn thiện kỹ năng cho mình.
Cụ Lờ A Trừ, cao niên ở bản Xéo Dì Hồ A vừa nhìn các con, các cháu múa khèn, vừa uốn nắn cho các “nghệ nhân” trẻ từng động tác đá chân, lấy trụ, quay vòng, gác chân lên khèn… Từ đôi mắt của người đàn ông miền sơn cước dạn dày sương gió ánh lên sự mãn nguyện, có lẽ cụ không mong chờ gì hơn thế, khi thấy con cháu mình yêu quý và gìn giữ nghệ thuật truyền thống đến như vậy. Cụ biết, rồi đây, tiếng khèn sẽ không mai một mà cất lên vang vọng hơn khắp núi rừng hùng vĩ, thôi thúc, động viên già trẻ, gái trai biết yêu thương nhau, yêu cuộc sống nhiều hơn; gây dựng sự ấm no, giàu đẹp cho mỗi bản làng người Mông.