“Pay tái” – Tết tri ân nhà ngoại của người Tày
VOV.VN - "Pay tái" - tức "Về ngoại" là một trong 2 cái tết quan trọng trong năm của đồng bào Tày, Nùng ở Lục Yên, Yên Bái. Đây là dịp để chàng rể cùng vợ tỏ lòng biết ơn, sự hiếu thảo với gia đình bên ngoại; đồng thời là dịp giáo dục, nhắc nhở con cháu luôn phải khắc ghi công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ dành cho mình.
Khi những cánh đào phai bắt đầu bung nụ, cây rừng đua nhau đâm chồi nảy lộc, cũng là lúc bà con người Tày ở huyện Lục Yên (Yên Bái) chuẩn bị các lễ vật để đi chúc Tết bên nhà ngoại.
Nếu rằm tháng Bảy, đi "Pay tái" cần có đôi vịt bầu, thì dịp này nhất thiết phải có gà trống thiến. Truyền thuyết kể rằng, vịt là sứ giả của trần gian với mường trời; vịt có công cõng gà trống vượt biển đi cống sứ mường trời để cầu cho mùa màng bội thu, vì vậy 2 loài vật này rất quan trọng, có ý nghĩa lớn, phù hợp nhất để mang đi biếu tặng bên ngoại vào những dịp quan trọng.
Anh Hoàng Khí Phách ở xã Tô Mậu, huyện Lục Yên cho biết, “Pay tái” chính là dịp để các chàng rể thể hiện tấm lòng mình đối với gia đình bên vợ, nhất là với cha mẹ vợ - những người đã có công sinh thành, nuôi dưỡng, chăm sóc người vợ của mình từ khi còn nhỏ đến khi trưởng thành về làm dâu nhà mình.
"Hằng năm cứ đến dịp Tết nguyên đán thì tôi rất là vui mừng được tự tay chuẩn bị đồ lễ đi Tết bố mẹ vợ. Đối với dân tộc Tày chúng tôi món quà không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán là gà trống thiến, bánh chưng, mứt tết, quả cam, rượu trắng… để thắp hương bày tỏ lòng thành kính lên tổ tiên bên nhà vợ, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn công lao sinh thành của cha mẹ vợ", anh Hoàng Khí Phách nói.
Đồng bào Tày quan niệm, người con gái sau khi đi lấy chồng, rất ít khi được quan tâm chăm lo việc nhà mình bởi quanh năm phải cùng chồng lo toan công việc phía nhà nội, vì thế, mỗi năm 2 lần - 1 là dịp đầu năm mới, 2 là dịp rằm tháng Bảy sẽ cùng chồng quay về nhà thăm cha mẹ và thắp hương tổ tiên. Đây cũng là dịp người vợ được gặp lại đông đủ nhất những người thân, anh em bên ngoại.
Bà Hoàng Thị Thế ở thôn Nà Lay, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) nhiều năm đi làm dâu, nay đã lên chức bà, nhưng dù bận đến mấy thì hàng năm bà vẫn chuẩn bị chu đáo lễ vật để về chúc tết phía nhà mình; đồng thời cũng dành thời gian chờ đợi đứa con gái yêu thương của mình cùng chồng con trở về tụ họp.
Bà Thế chia sẻ: "Tôi thấy thật hạnh phúc, mỗi dịp tết đến xuân về ngồi trên hiên nhà sàn nhìn ra xa xa thấy đứa con gái yêu thương, bao ngày đêm vất vả chăm lo cho gia đình, nay đã lớn trưởng thành, đang cùng chồng con dìu dắt nhau tung tăng về ngoại, thực sự rất hạnh phúc, niềm vui khó tả hết".
Theo nhà giáo ưu tú Lý Thông Dung ở huyện Lục Yên, Yên Bái - người am hiểu văn hóa dân tộc Tày, sở dĩ đồng bào Tày, Nùng chọn đầu xuân năm mới và rằm tháng 7 "Pay tái" là bởi đây là các giai đoạn vừa thu hoạch xong mùa vụ. Vì thế, các gia đình về tết ngoại sẽ có nhiều sản vật tươi ngon để dâng cúng tổ tiên, kính biếu cha mẹ vợ. Đây cũng là khoảng thời gian nông nhàn để các gia đình có thể quây quần bên nhau được lâu hơn.
Nhà giáo ưu tú Lý Thông Dung cho biết: "Pay tái" chính là dịp để giáo dục truyền thống gia phong, nền nếp, đạo đức tốt đẹp của người Tày, Nùng, và gắn kết các thế hệ với nhau
"Cái ý nghĩa của Pay tái này nó khơi dậy được truyền thống gia phong, nền nếp, bản sắc, đạo đức tốt đẹp của người Tày, Nùng, và thông qua đó nó gắn bó được các thế hệ như cụ, ông bà, con cháu bền vững. Từ những ý nghĩa đó giáo dục các thế hệ con cháu phải biết giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của mình, và tiếp tục phát huy nó để sống lao động, học tập tốt và sống có ích", nhà giáo Lý Thông Dung chia sẻ.
Những năm qua, huyện Lục Yên đã nâng "Pây tái" thành quy mô Lễ hội nhằm quảng bá, giới thiệu nét đẹp văn hóa độc đáo của dân tộc Tày, Nùng đến đông đảo người dân, du khách. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch của huyện Lục Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung.
Bà Phùng Thị Thu Hương, phụ trách phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Huyện Lục Yên đã chỉ đạo xã Lâm Thượng tổ chức Lễ hội “Pay tái” hàng năm. Qua việc tổ chức này nhằm khơi dậy, giữ gìn bản sắc văn hóa Tày, Nùng của vùng đất ngọc, đồng thời giáo dục con người về lòng biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ, tinh thần đoàn kết dân tộc, và cổ vũ nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".
Không ai nhớ "Pay tái” có từ bao giờ, chỉ biết phong tục ý nghĩa ấy đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Tày, Nùng và hiện vẫn đang được tiếp bước lưu giữ. Để rồi mỗi dịp tết đến xuân về, từng đôi vợ chồng từ già đến trẻ lại dìu dắt nhau về ngoại, mang theo những lễ vật tươi ngon nhất để sum vầy, tụ họp, cùng nhau điểm lại những thành quả lao động sản xuất trong năm cũ và cùng chúc nhau một năm mới bình an, nhiều thành công mới.