"Mùa xuân đầu tiên... biết chữ"

Lê Hạnh/VOV-Tây Bắc
Chia sẻ

VOV.VN - Tết năm nay thật đặc biệt với nhiều người dân ở huyện biên giới Sông Mã, tỉnh Sơn La; bởi đây là mùa xuân đầu tiên họ biết đọc, biết viết, biết tính toán…

 

Ánh sáng từ những lớp học xóa mù chữ đã thắp lên niềm tin và mơ ước về một cuộc sống mới trên những vùng đất khó nơi biên cương.

Sớm tinh mơ, hai mẹ con chị Sồng Thị Chư ở xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã (Sơn La) đã tất bật chuẩn bị sách vở, đồ dùng học tập... để cùng nhau đi học. Đều đặn một tuần 5 buổi, khi con gái đến trường Tiểu học Nà Nghịu, cũng là lúc mẹ tới lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại đây. Việc đi học tưởng chừng đơn giản, nhưng lại là mơ ước trong suốt hơn 30 năm qua của người phụ nữ dân tộc Mông này.

Chị Chư tâm sự, ngày trước, cuộc sống gia đình rất khó khăn, chị thường phải theo bố mẹ đi làm nương; cũng không có lớp học tại bản, nên chị không được đi học. Khi lớn lên, rồi kết hôn, chuyện chồng con với cơm, áo, gạo, tiền cuốn đi, khiến chị quên mất mình không biết chữ.

Quyết tâm đi học không chỉ để có kiến thức, để vơi bớt những nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống, mà hơn cả, chị Sồng Thị Chư mong muốn từ nay có thể đồng hành với những đứa con đang trong tuổi đến trường của mình.

“Mình có tuổi rồi mà không biết chữ, biết tính toán thì khó khăn lắm; bán ngô mà không biết bao nhiêu cân, bao nhiêu yến… Năm nay mình đi học, mình đi bán gà, bán ngô, bán sắn sẽ biết tính toán, sẽ thuận tiện hơn, xuân này sẽ vui hơn năm trước rồi. Mình sẽ cố gắng học để bốn mẹ con cùng biết chữ”, chị Chư nói.

Những lớp học xóa mù chữ đã thắp lên niềm tin và mơ ước về một cuộc sống mới trên những vùng đất khó nơi biên cương.

Cũng giống như chị Sồng Thị Chư, việc cầm bút viết chữ đối với chị Lò Thị Thoa ở bản Phòng Sài, xã Nà Nghịu khó khăn hơn nhiều so với cầm cuốc làm nương hay thêu thùa, dệt vải. Hàng chục năm qua, chị Thoa vẫn luôn mong một ngày có thể tự viết tên mình. Khao khát được biết chữ, cùng sự tận tâm của giáo viên ở lớp học xóa mù đã giúp chị Thoa chạm tới ước mơ....

“Không biết chữ đi đâu cũng phải nhờ mọi người viết cho. Bây giờ mình biết chữ rồi thì không phải hỏi ai, nhờ ai nữa. Cô giáo rất là tận tình, chỉ từng chữ một, dạy nhiều lần cho mình hiểu, mình nhớ. Mới học được 2 tuần mà tiến bộ, biết viết tên mình, tên con rồi”, chị Thoa chia sẻ.

Gần 80 học viên, từ thiếu nữ tuổi đôi mươi đến những cô, những bà mái tóc đã điểm bạc đều ngồi chung một lớp. Trong số họ, nhiều người chưa một lần làm quen với con chữ, con số. Cũng có người đã từng học, nhưng lại tái mù chữ.

Trong suốt 3 tháng kể từ ngày khai giảng, cô giáo Lò Thị Phước, Trường Tiểu học Nà Nghịu, huyện Sông Mã đã rất nỗ lực vượt qua rào cản ngôn ngữ, khắc phục khó khăn để giảng dạy cho những học viên đặc biệt.

“Lớp học có nhiều dân tộc như Mông, Thái, Sinh Mun, Khơ Mú, nhiều học viên chưa biết nói tiếng phổ thông nên khi giảng, giáo viên phải dùng tiếng dân tộc để giải thích, hướng dẫn. Học viên đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, bút, sách, vở không có nên chúng tôi cũng hỗ trợ học viên. Trình độ thì gần như là không biết một cái gì cả, chưa biết mặt chữ, cũng chưa biết viết luôn, như trẻ con lớp 1 vậy…”, cô giáo Phước cho hay.

Câu chuyện ở xã Nà Nghịu cũng là bức tranh chung của 4 lớp học xóa mù tại huyện biên giới Sông Mã trong năm học này. Từ nay đến năm 2025, Sông Mã sẽ có 18 lớp học xóa mù chữ cho đồng bào các dân tộc; tổ chức tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, những nơi còn nhiều người chưa biết chữ và muốn được học xóa mù chữ.

Ông Nguyễn Công Viên, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: Không chỉ những người chưa biết chữ, nhiều phụ nữ, trẻ em trong độ tuổi từ 15 – 60 tuổi ở các bản vùng sâu, vùng xa ít được tiếp xúc với văn hóa đọc còn có hiện tượng tái mù chữ. Trước thực trạng đó, phòng đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Hội phụ nữ, Hội nông dân, Đoàn thanh niên… rà soát đối tượng và lập kế hoạch dạy xóa mù chữ cho bà con.

“Công tác xóa mù chữ là một việc làm khó, đối tượng hầu hết trong độ tuổi lao động, Phòng đã phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội vận động học viên ra lớp; bố trí giờ học linh hoạt, vào những giờ người học ít phải tham gia lao động sản xuất. Giáo viên được các đơn vị trường chọn cử dạy xóa mù chữ cũng là người am hiểu ngôn ngữ địa phương, và nhiệt huyết, vì đối tượng này phương pháp dạy học rất khác với học sinh đúng độ tuổi”, ông Viên nói.

Hành trình chinh phục con chữ của bà con vùng biên giới Sơn La thật nhọc nhằn; nhưng trong mỗi lớp học, là những ánh mắt chan chứa niềm vui khi nét chữ dần được nắn nót trên trang vở, cùng những tiếng tập đọc vang lên. Mùa xuân đầu tiên biết chữ có lẽ cũng là khởi đầu cho những ước mơ về cuộc sống mới tươi sáng hơn nơi biên cương tổ quốc./.

Tin cùng chuyên mục