"Bác sĩ Cuba ăn Tết Việt Nam"

Thanh Hiếu/VOV-Miền Trung
Chia sẻ

VOV.VN - Những bác sĩ từ đất nước Cuba xa xôi đã đến Việt Nam làm việc theo diện chuyên gia hỗ trợ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người ở lại Việt Nam công tác lâu nhất gần 10 năm, người thì 4 năm. Với các bác sĩ người Cuba, những trải nghiệm về tết Việt là những cảm xúc vô cùng thú vị, vừa xa lạ lại vừa gần gũi n

Hơn 50 năm về trước, lãnh tụ vĩ đại của đất nước Cuba - Chủ tịch Fidel Castro đã đến thăm “đất lửa” Quảng Bình (1973). Chủ tịch Fidel Castro chứng kiến cảnh đau thương, mất mát trong chiến tranh đối với những người dân nơi đây. Ông đã quyết định xây tặng một bệnh viện hiện đại để cứu chữa bệnh cho nhân dân địa phương và thương binh từ chiến trường miền Nam ra. Ngày đó, đất nước Cuba cử hàng trăm chuyên gia, kỹ sư và đưa vật tư, vật liệu, trang thiết bị sang xây dựng Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Hiện nay, nước bạn tiếp tục cử nhiều bác sĩ, chuyên gia y tế sang sát cánh với đội ngũ y, bác sĩ Việt Nam làm việc tại bệnh viện này ngày đêm thăm khám, cứu chữa hàng ngàn bệnh nhân…

Bác sĩ Alfredo Garcia Mirete, Chuyên gia Ung bướu có nhiều cảm nhận thú vị về cái Tết Việt. Bác sĩ Alfredo nói rằng, có lẽ Tết là ngày quan trọng nhất của người dân Việt Nam nên không khí rất tất bật và nhộn nhịp. Ông càng thương yêu người phụ nữ Việt Nam vào những ngày này. Bởi trước Tết, ông nhìn thấy nhiều phụ nữ làm việc cả ngày lẫn đêm, vừa lo đi chợ, dọn nhà, vừa đi mua sắm đủ thứ chuẩn bị đón khách ngày Tết.

Bác sĩ Alfredo Garcia Mirete đã có 4 năm công tác tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Vào những ngày cận Tết, ông cùng đồng nghiệp đi chợ, mọi người giúp ông mua bánh chưng, chuẩn bị các món ăn truyền thống như mứt gừng, dưa món và đặc biệt là trang trí không gian Tết Việt có hoa đào, hoa mai, cành quất. Bác sĩ Alfredo Garcia Mirete nhớ năm đầu tiên đón Tết tại Việt Nam, đồng nghiệp ở bệnh viện mua tặng ông những liễn treo trang trí nhiều màu sắc rất thích mắt. Ông hiểu rằng, những liễn này ghi lời chúc của người Việt gửi điều tốt đẹp cho mọi người như chúc sức khỏe, chúc phát tài phát lộc... Sau Tết, các bác sĩ người Cuba đã gỡ các liễn treo xuống rồi cất giữ cẩn thận trong tủ, thỉnh thoảng đem ra ngắm. Các năm sau, các bác sĩ Cuba cũng tự mua cành mai, cành đào, mang các liễn treo này ra trang trí để không khí Tết có nhiều màu sắc tươi vui.

Bác sĩ Alfredo Garcia Mirete thích thú khi nói về văn hóa ngày Tết của người Việt: “Tôi thấy từ bây giờ, người dân đã bắt đầu chuẩn bị cho ngày quan trọng đó và đó là nền văn hóa rất tuyệt vời. Quan trọng nhất là người Việt Nam rất kính trọng, tưởng nhớ ông bà tổ tiên ngày Tết, điều này rất tuyệt vời và không giống văn hóa của người Cuba. Những ngày gần Tết, tôi đi dạo ở nhiều con phố, đi chợ mua sắm và thấy mọi người cũng đi chợ mua sắm rất nhiều”.

Năm đầu tiên khi Giáo sư - Bác sĩ Jesus De Los Santos Reno Cespedes đến Việt Nam làm việc tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, ông đã đi chợ Tết ở Quảng Bình. Khi ông đang đứng trước cổng chợ Đồng Hới, một cô bé người địa phương đã đến tặng ông 1 cây quất nhỏ. Dù không biết tiếng Việt nhưng ông cũng hiểu đây là món quà cô bé tặng ông chơi Tết. Cho đến khi hiểu được ý nghĩa việc chơi cây quất ngày Tết, ông càng thêm cảm kích.

Sau cái Tết năm đó, bác sĩ Jesus De LosSantos RenoCespedes đã mang cây quất này trồng trong khuôn viên bệnh viện và bây giờ đang độ đơm hoa, kết trái. Bác sĩ người Cuba kể rằng, khác với văn hóa Cuba, những ngày đầu năm mới, người Việt Nam tổ chức tiệc ở gia đình, những ngày sau đó mới đi thăm, chúc Tết lẫn nhau. Bác sĩ Jesus De LosSantos RenoCespedes tỏ ra hào hứng khi nói ngày Tết được nhiều đồng nghiệp Việt Nam mời đến nhà ăn Tết.

“Dịp Tết, tôi đều được đồng nghiệp tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới mời về nhà, mời dự tiệc và cảm nhận không khí ấm áp trong ngôi nhà Việt. Tôi nhớ rõ nhất là Tết năm ngoái, tôi cùng gia đình đồng nghiệp đi kiếm cây tre về để trồng cây nêu, rồi sau đó treo thêm cờ của 2 nước Việt Nam - Cuba tại khu nhà ở chuyên gia trong khuôn viên bệnh viện”, bác sĩ Jesus De LosSantos RenoCespedes cho biết.

Trước thềm nhà công vụ của các bác sĩ Cuba, các bác sĩ đặt những chậu cây cảnh được trang trí đẹp mắt với dãy đèn nhiều màu. Mọi người tổ chức bữa tiệc tất niên với các món bánh chưng, dưa hành, thịt nấu đông, giò lụa, thịt gà... Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Phạm Tuấn ở Bệnh viên Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới là người gắn bó nhiều năm với các bác sĩ Cuba làm việc tại bệnh viện này. Tết năm nào, bác sĩ Tuấn cũng đến chúc Tết, mừng tuổi các bạn đồng nghiệp Cuba.

“Những ngày giáp Tết, chúng tôi luôn cố gắng gần gũi với các bác sĩ Cuba hơn bởi vì thời điểm đó nỗi nhớ người thân, nhớ quê hương càng da diết hơn. Anh em cố gắng bù đắp cho các bác sĩ bằng cách tổ chức bữa cơm tất niên, làm mọi người có cảm giác ấm áp gia đình, trang trí phòng và đặt cây mai, cây quất để họ cảm nhận được Tết của Việt Nam. Lãnh đạo Bệnh viện cũng đến đây thăm chúc Tết và lì xì Tết các bác sĩ Cuba. Trong 5-6 năm qua, dường như các bác sĩ Cuba đã hòa nhập cùng với văn hóa người Việt”, bác sĩ Nguyễn Phạm Tuấn cho biết.

Kể từ ngày Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới đón các chuyên gia y tế Cuba qua làm việc, hỗ trợ y tế, hàng ngàn người bệnh ở tỉnh Quảng Bình đã được cứu sống trong những tình huống hiểm nghèo. Công việc của các bác sĩ Cuba là hỗ trợ các bác sĩ tại bệnh viện này cấp cứu bệnh nhân ở những ca bệnh đòi hỏi kỹ thuật cao. Bệnh viện này chính là biểu tượng cao quý về tình hữu nghị sắt son của 2 nước Việt Nam - Cuba trong quá khứ và hiện tại.

Tiến sĩ - Bác sĩ Trần Thị Sơn Trà, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, trước Tết, Ban Giám đốc Bệnh viện luôn gặp gỡ, thăm hỏi và tạo điều kiện cho các bác sĩ Cuba có thêm thời gian trải nghiệm cùng Tết Việt.

“Hàng năm, Bệnh viện chúng tôi thường tổ chức bữa cơm Tất niên ấm ấp cho các chuyên gia Cuba, diễn ra vào những ngày cuối năm, cho nên các chuyên gia Cuba hay chúng tôi rất xúc động. Các chuyên gia Cuba cũng xem tết Việt Nam như là tết của họ vậy. Người Cuba rất thân thiện, do đó khi mình mời họ những món ăn cổ truyền dân tộc thì họ cảm giác rất thích thú và muốn khám phá các món ăn như bánh chưng, thịt đông hay những món giò ngày tết”, bác sĩ Trần Thị Sơn Trà chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục