Một số người nhiều năm liền phải ăn Tết trong rừng già. Ăn Tết trong rừng không có người thân bên cạnh nhưng những người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng vẫn tìm thấy niềm vui cho riêng mình.
“Tết này lại là cái Tết xa nhà nữa của anh em, chúc anh em đón xuân, đón Tết ở trong rừng vui vẻ, hạnh phúc. Mời anh em lên đường…”
Anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn, thành viên “Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng” tại huyện vùng cao biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam động viên các thành viên trong Đội trước khi vào rừng làm nhiệm vụ dài ngày.
Ngày giáp Tết, tiết trời ở vùng cao Tây Giang chuyển lạnh, các thành viên Đội tuần tra rừng và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng (gọi tắt là Đội tuần tra rừng) cẩn thận gói ghém đồ đạc, chuẩn bị cho chuyến đi rừng “xuyên Tết” gần 10 ngày. Để chống chọi với mưa rét trong những ngày ăn, ngủ giữa rừng sâu, mỗi người phải gùi trên lưng gần 20kg tư trang, gồm: máy định vị GPS, ống nhòm, tăng, võng, màn, đèn pin, xoong nồi, gạo, mì tôm, mắm muối, cá khô, thuốc men…
Hai năm tham gia Đội tuần tra rừng tại huyện Tây Giang là chừng ấy cái Tết anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn ăn Tết trong rừng già. 25 thành viên Đội tuần tra rừng được phân công trực từ ngày 30 Tết đến Mùng 9 Tết Giáp Thìn 2024. Minh Tuấn là người Kinh duy nhất trong Đội tuần tra rừng.
Ăn Tết trong rừng, không được bên cạnh gia đình, anh Hứa Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ:“Việc đón Tết của mình không thể nào được trọn vẹn, không được sum họp cùng gia đình, nhưng mà vì công việc được phân công nên phải hoàn thành nhiệm vụ”.
Hứa Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Mình cũng tâm sự, động viên vợ con thấu hiểu và thông cảm vì nghề của mình là vậy. Tết này mình buộc phải trực trong rừng còn sau Tết mình được nghỉ bù, mình sẽ dành thời gian ở bên gia đình, bù đắp tình cảm cho vợ con. Trước mắt mình phải hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ rừng trong dịp Tết cho tốt đã”.
Những cánh rừng già ở huyện vùng cao biên giới Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có nhiều loài động, thực vật quý hiếm ghi trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Tây Giang có nhiều loại cây gỗ quý hiếm với 250 héc ta cây lim, 430 héc ta cây đỗ quyên, 300 héc ta cây giổi. Riêng khu rừng di sản pơ mu có hơn 2.000 cây, trong đó 1.146 cây pơ mu được công nhận là Cây di sản Việt Nam, được bảo vệ nghiêm ngặt. “Vương quốc Pơ mu” nằm trên đỉnh núi Zi’liêng cao 1.400 m. Hơn 2.000 cây pơ mu mọc san sát nhau, sừng sững như thành lũy xanh chạy dọc biên giới Việt - Lào ở Tây Giang.
Anh Zơrâm Ngoàn, người Cơ Tu là thành viên Đội tuần tra rừng tại huyện Tây Giang cho biết, tổ tiên anh nhiều đời gắn bó với những cánh rừng pơ mu cổ thụ. Từ nhỏ, Zơrâm Ngoàn được nghe cha kể nhiều câu chuyện người Cơ Tu giữ rừng. Zơrâm Ngoàn nghĩ rằng, rừng nuôi lớn mình thì mình phải bảo vệ rừng. Đón Tết trong rừng sâu cùng đồng đội, Zơrâm Ngoàn xem đó là trách nhiệm của người con Cơ Tu với núi rừng.
“Năm nào đến Tết cũng phải phân công nhau trực cả ngày lẫn đêm. Nhà tôi ở gần hơn anh em nên giao thừa tôi xung phong trực thay cho anh em ở xa, đến mùng 2 anh em lại lên thay để tôi về ăn Tết với gia đình. Anh em cứ thế thay nhau trực chứ rừng thì không thể bỏ được”.
Vào những ngày Tết sống giữa rừng già, các thành viên Đội tuần tra rừng tại huyện Tây Giang cảm nhận đầy đủ cảnh đẹp thiên nhiên, nghe vạn vật và đất trời chuyển mình đón xuân. Các thành viên trong Đội săm soi từng gốc cây, dưới những lớp lá khô để tìm bẫy thú mà thợ săn ngụy trang. Ban ngày, anh em băng rừng, lội suối, đêm đến thì mắc võng ngủ dưới tán cây. Những món ăn ngày Tết như bánh chưng, bánh sừng trâu, thịt nướng, cơm lam… mà các thành viên trong Đội cõng theo trong ba lô đã mang theo hơi ấm ngày Tết cổ truyền vào tận rừng già.
Anh A Lăng Tèo, ở thôn A Rân, xã A Xan, huyện vùng cao biên giới Tây Giang, thành viên mới của Đội tuần tra rừng kể, có hôm anh em trong đội phải lặn lội hàng chục cây số đường rừng mà vẫn không gặp được nguồn nước, mọi người phải dùng bao nilon hứng giọt sương để uống. Vắt, muỗi rừng, ruồi vàng, rắn độc, cành cây mục gãy đổ,… là những mối đe dọa thường trực khiến người lần đầu đi rừng như anh luôn bất an:“Nhiệm vụ của chúng tôi không kể ngày hay đêm, kể cả lúc mưa gió, cứ có thông tin là phải đi tuần tra trong rừng. Lúc đêm khuya, 1 giờ hay 2 giờ sáng cũng phải đi, ngày Tết, ngày nghỉ cũng đi để bằng mọi cách phải bảo vệ được những cánh rừng gỗ quý hiếm, bảo vệ màu xanh cho đất nước”.
Đến với những ngôi làng của người Cơ Tu ở huyện miền núi cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, đâu đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của rừng thẳm. Có những cây gỗ ngàn năm tuổi đứng sát vách nhà người dân. Nơi đây, mỗi người dân Cơ Tu là một “kiểm lâm viên” làm tốt việc bảo vệ rừng. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, ở các huyện miền núi cao như Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My đến nay đã thành lập các Đội bảo vệ rừng trong cộng đồng, thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương. Đây được xem là "đội kiểm lâm làng” đóng chốt ngay giữa những cánh rừng nguyên sinh.
“Trong những ngày Tết Giáp Thìn 2024, tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo quyết liệt, thành viên đội bảo vệ rừng nào không trực ca thì được phép nghỉ Tết còn người nào trực thì phải làm việc như ngày bình thường. Tinh thần làm việc phải đầy trách nhiệm và quyết liệt. Điều này đã trở thành truyền thống của các đội bảo vệ rừng trong cộng đồng ở tỉnh Quảng Nam. Chúng tôi có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ thêm thu nhập cho anh em đội bảo vệ rừng, phải làm sao đó để họ gắn bó với cơ sở, gắn bó với rừng như nhà của mình”.
Đêm giao thừa trong rừng sâu, các thành viên Đội tuần tra rừng quây quần bên nhau cùng ăn bánh sừng trâu, cơm lam, thịt nướng… Chén rượu tr’đin giữ rừng già được đổ vào ống tre, anh em cùng uống, chúc tụng nhau những điều tốt lành trong năm mới. Rượu tr’đin được người Cơ Tu vào tận rừng sâu, chiết xuất từ những giọt nhựa của cây tr’đin rồi để lên men và được coi là thứ “rượu trời”. Người Cơ Tu ở vùng biên giới Tây Giang xem rượu tr’đin như cái hồn của rừng núi. Từ già tới trẻ ai ai cũng thích uống rượu này.
Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, anh em trong Đội tuần tra rừng đứng dưới gốc cây pơ mu ngàn năm tuổi, thành tâm khấn nguyện sang năm mới những người con Cơ Tu được mẹ rừng che chở, mùa màng bội thu, người Cơ Tu khắp muôn nơi được an vui, no ấm…
- “Ai cũng muốn được đón Tết đoàn viên, sum vầy với gia đình cả. Anh em trong đội chúng tôi luôn đoàn kết, cùng nhau đón một cái Tết trong rừng rất ấm cúng”.
- “Ơn rừng suốt đời, từ ông già này cho đến đời con cháu sau này, để bảo vệ tất cả, vừa bảo vệ đất, vừa bảo vệ cây”.
- “Rừng còn Tây Giang phát triển, rừng mất Tây Giang suy vong”.