Hơn 40 tuổi mới bắt đầu làm báo điện tử: Muộn hay quá muộn?

Hương Giang/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Cuộc đời như con thuyền giữa đại dương, có khi vì lý do nào đó nó đưa ta đến những bến bờ lạ lẫm. Cái tâm thế cần nhất là thích nghi.

Hơn 40 tuổi, tôi bắt đầu công việc ở Báo điện tử VOV do quá trình sắp xếp và điều chuyển giữa các đơn vị trong Đài. Tôi chấp hành sự phân công của tổ chức nhưng lo lắng nhiều hơn phấn khích.

Hơn 20 năm gắn bó với nghiệp phát thanh, tư duy phát thanh, lại không giỏi về kỹ thuật, độ nhanh nhạy chắc chắn cũng không thể bằng những người trẻ. Trong khi đó, ở một số cơ quan báo chí (tồn tại cả báo giấy và báo điện tử), cứ ngoài 30 tuổi, người ta thường đưa sang báo giấy và chọn những người trẻ sang làm điện tử. Vậy là mình đi ngược với xu thế chung. Tôi chỉ có một an ủi duy nhất là mình có kinh nghiệm nhiều năm làm mảng chính trị, giờ về phòng Chính trị, chắc cũng không khó lắm. Cái khó duy nhất là tiếp quản về kỹ thuật, công nghệ…

Nhưng khi bắt tay vào công việc, rất nhiều điều mới mẻ mà trước đó, tôi không thể hình dung.

Một “Tòa soạn không ngủ” là cảm nhận đầu tiên. Từ lãnh đạo đến các phóng viên, lúc nào cũng phải online để chỉ đạo v?nhận nhiệm vụ. Không có chuyện, hết giờ là về, hết việc là xong. Cuộc sống vận động không ngừng nghỉ, bao nhiêu sự kiện trong nước, quốc tế, chính trị, pháp luật…bạn đọc mở báo ra, không thấy cập nhật tin mới, lẽ đương nhiên, họ sẽ tìm sang tờ báo khác. Đó là đòi hỏi, là mệnh lệnh mà nếu đã làm việc, đã gắn bó với báo thì không được phép hỏi “tại sao tôi phải làm cái này?”.

Tòa soạn ấy “thức” từ 5h sáng đến 12h đêm với cường độ liên tục, liên tục, không được phép chậm, không được phép sai. Một lỗi chính tả sai sót trên báo sẽ bị phạt tiền bởi bạn đọc không bao giờ chấp nhận những bài báo mà nội dung có hay đến mấy nhưng đầy sạn, đầy lỗi morat.

Thời điểm báo điện tử VOV mới ra đời cách đây 20 năm, tôi từng được “huy động” đọc morat vào các buổi tối, trước khi báo “xuất bản” vào sớm mai (khi đó, tôi công tác tại Ban biên tập đối ngoại và báo điện tử là một phòng – phòng internet thuộc Ban biên tập đối ngoại). Ngay từ lúc còn trẻ như vậy nhưng đọc morat trên máy tính không đơn giản. Sau mỗi tối soát lỗi chính tả, khoảng 2-3 tiếng, đầu óc mệt mỏi kinh khủng và 1 số người trong nhóm chúng tôi đã xin ngừng công việc này. Nay, lượng tin-bài nhiều hơn trước gấp cả chục lần. Không có bộ phận soát lỗi chính tả riêng, cũng đồng nghĩa, tất cả phóng viên và lãnh đạo đều phải đọc, phải chịu trách nhiệm về những sai sót, nếu có.

Quay trở lại với công việc của một phóng viên chính trị, tưởng rằng mình đã quen nhưng hóa ra cũng phải học lại từ đầu. Bạn đọc mở báo VOV.VN, đương nhiên không phải “ưu tiên số 1” là tìm những tin tức giật gân, câu khách, sến sẩm. Họ đã kích vào đó, đương nhiên là mong muốn có những thông tin chính thống, nghiêm túc, nhất là khi diễn ra các sự kiện lớn của đất nước như Đại hội Đảng, các kỳ họp của Trung ương, của Quốc hội, việc thay đổi nhân sự ở các cấp, việc xử lý và kỷ luật cán bộ… Nhưng, “thông tin nghiêm túc” thôi chưa đủ mà thông tin đó phải hay, hấp dẫn, dễ đọc, không sáo rỗng, không nặng tuyên truyền, không đao to búa lớn… Sở dĩ tôi biết được điều này là bởi số lượng người xem (view) và những thông tin phản hồi của độc giả. Vậy nên, dù có kinh nghiệm nhiều năm nhưng cũng phải nắn mình dần dần, làm theo nhu cầu bạn đọc để có những thông tin “chính trị-pháp luật” vừa hay, vừa hấp dẫn.

Một cảm nhận nữa sau một thời gian làm việc ở báo điện tử, đó l?một “tòa soạn kỷ luật”. Nhiều người từng thắc mắc, làm báo có cần “kỷ luật” không, có cần phải đến cơ quan đúng giờ, quẹt thẻ và chấp nhận “phạt” vì những lỗi vi phạm hay không?. Tôi cũng từng ngạc nhiên, từng đặt câu hỏi như vậy với những người cũ. Nhưng nếu tự do, không tuân thủ những quy định chung thì sẽ không thể có “một tờ báo ngay ngắn” như ngày hôm nay. Tất cả đã vào guồng. Mỗi người là một mắt xích. Chỉ cần chậm một khâu, sai sót ở một chỗ nào đó là ảnh hưởng đến báo. Đương nhiên, báo khuyến khích tối đa anh chị em ra ngoài tác nghiệp với một điều kiện duy nhất: Họ phải báo cáo rõ, họ đi đâu, làm gì.   

Nhưng, có một điều mà tôi quan sát thấy, hơn 60 con người trong Tòa soạn ấy thì có đến 2/3 mắc bệnh nghề nghiệp liên quan đến xương khớp, tiêu hóa, thị lực…bởi phải ngồi liên tục trước máy tính trong nhiều giờ. Những người trực Thư ký tòa soạn, công việc thường kéo dài từ 5h sáng đến 11h đêm. Càng những người làm việc lâu năm thì bệnh càng nặng. Có những người phải nghỉ cả tuần để điều trị. Có người đau cổ, vai, gáy đến mức không thể đứng dậy nổi để đến cơ quan… Tôi dám chắc chắn rằng, tất cả các đơn vị trong Đài, không ở đâu có số người mắc bệnh giống nhau như ở báo điện tử do đặc thù công việc.  

Từ một phóng viên phát thanh, sau gần 2 năm làm việc ở báo điện tử, tuy kinh nghiệm chưa phải là nhiều, chưa hẳn đã tự tin nhưng tôi đã hòa nhập phần nào với môi trường mới, thông cảm và chia sẻ với các bạn đồng nghiệp đã từng công tác ở báo trong nhiều năm.

Nhiều năm làm phóng viên phát thanh, dẫu báo điện tử cũng là một binh chủng thông tin trong Đài nhưng tôi chưa từng nghĩ sẽ có ngày trở thành một phần trong đó. Cuộc đời như con thuyền giữa đại dương, có khi vì lý do nào đó nó đưa ta đến những bến bờ lạ lẫm. Cái tâm thế cần nhất là thích nghi với sự thay đổi và những cú sốc đến ngày càng nhanh và dồn dập. Ngẫm ra, nghề làm báo thời nay cũng vậy!.

Tin cùng chuyên mục