Báo điện tử VOV – Mãi mãi một tình yêu

Minh Hòa/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Sau 18 năm, chứng kiến sự trưởng thành của báo và có cả sự trưởng thành của bản thân, VOV.VN là ngôi nhà thứ 2 của tôi- nơi tôi đã bắt đầu và muốn ở lại mãi mãi…

Năm 2002, tôi chuyển công tác từ Tuần báo Tiếng nói Việt Nam và Văn phòng Đài sang làm việc ở Báo điện tử VOV cho đến tận bây giờ. Nghề báo, đối với nhiều anh chị được học chuyên ngành báo chí một cách bài bản đã thực sự vất vả, nhưng đối với tôi, một kẻ “ngoại đạo” lại càng khó khăn gấp bội.

Vì sao từ một kỹ sư Tin học như tôi, được đào tạo chính quy với 3 năm học Tin chuyên Lam Sơn và 4 năm học chuyên ngành Tin học của Đại học KTQD lại thích một nghề “chả liên quan”? Có lẽ cũng từ chữ “duyên” khi tôi được làm việc cùng Tòa soạn với các nhà báo lớn của Đài lúc bấy giờ như chú Trần Mai Hạnh, cô Nguyễn Thị Kim Cúc, bác Trần Thiên Nhiên, chú Trần Sơn Ngọc…

Khi đó tất cả Tòa soạn ngồi làm việc chung trong một căn phòng. Mặc dù công việc của tôi không liên quan đến báo chí, nhưng khi nghe các cô chú chia sẻ, phân tích từng tác phẩm, tôi như bị cuốn vào và khát khao được viết cứ ngấm dần trong tôi.

Khi đó, tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ là một nhà báo vì nó quá cao xa đối với tôi, nhất là hàng ngày được tiếp xúc với những nhà báo gạo cội, đáng kính thì mơ ước trở thành nhà báo lại càng xa vời.

Dù không dám nghĩ một ngày mình sẽ trở thành nhà báo, nhưng tôi luôn nung nấu ước mơ được viết. Bài báo đầu tiên, tôi đã phải “vật vã” khá lâu, rụt rè khá lâu mới dám nhờ các chú, các bác trong Tòa soạn đọc hộ, chứ không nghĩ sẽ được đăng báo. Tôi còn nhớ mãi, khi đọc bài của tôi, nhà báo Hoàng Trọng Đan đã gật gù “Con bé này có tố chất, nếu đào tạo có thể trở thành nhà báo”.

Chỉ câu nói ấy mà tôi thấy mình lâng lâng như ở trên mây và là động lực để tôi mạnh dạn viết. Tôi còn nhớ những bài báo đầu tiên, các cô chú ở Tòa soạn đã sửa cho tôi rất nhiều, thậm chí chữ viết bút sửa còn nhiều hơn đánh máy. Mỗi chữ cô chú sửa, tôi đều đọc rất kỹ, tìm hiểu vì sao chỗ này lại sửa là dấu “phẩy” chứ không phải chữ “và”, chỗ này lại là từ này chứ không dùng từ đồng nghĩa khác…

Thời gian đầu, khi chuyển về báo điện tử làm việc, tôi vẫn chưa dám viết bài chuyển thẳng cho cán bộ phòng hay BBT duyệt. Mà mỗi bài, tôi vẫn nhờ các cô chú trong Tuần báo sửa và góp ý cho tôi. Mỗi bài chờ đợi sửa, là tôi hồi hộp đến tận lúc được trả lại bài. Mỗi bài tôi viết, nhà báo Trần Sơn Ngọc đều phân tích rất kỹ vì sao viết thế này chưa ổn, khai thác khía cạnh này chưa được, câu từ nào dùng vào hoàn cảnh nào thì đắt giá…

Lúc ấy, tôi đã phải viết đi viết lại rất nhiều lần, thậm chí có lần phải trở lại nơi cũ xa 30-40 km giữa trưa nắng để lấy lại tư liệu. Những lúc như vậy, tôi không hề có cảm giác “ngại” mà còn thấy phấn chấn vì nghĩ rằng, bài của mình sau khi được bổ sung, được viết lại sẽ đầy đủ và hay hơn. Thời điểm đó, con gái đầu của tôi cũng còn khá bé, nhưng hầu như thứ 7, Chủ nhật tuần nào tôi cũng “trốn” con lên cơ quan để yên tĩnh để viết và đọc những bài báo của các anh chị đi trước.

Lúc bấy giờ, công nghệ cũng còn khá thô sơ, tin bài lên báo điện tử chủ yếu là do phóng viên viết và biên tập, đánh máy lại từ báo in. Cuối ngày sẽ copy tất cả vào đĩa mềm để chuyển cho kỹ thuật lên trang. Công việc trực tin cũng khá vất vả. Ngoài ca ngày làm việc từ sáng đến 6 giờ tối, thì bao giờ cũng có một ca tiếp quản từ 6 giờ tối đến 11 giờ đêm và làm việc ngay tại cơ quan. Nhất là những dịp Tết, chúng tôi thường đón Giao thừa ở cơ quan và khi về đến nhà trở thành người “xông đất” bất đắc dĩ.

Tôi nhớ có lần đang bầu bé thứ 2 ở tháng thứ 7, đi trực đêm Giao thừa về gần đến đầu ngõ, tôi dừng lại mua ít bóng bay và đồ lặt vặt. Khi tôi vừa đi khỏi thì nghe tiếng 2 chị bán hàng chép miệng “Mẹ đơn thân khổ thế, bụng to khệ nệ còn phải đêm hôm đi sắm Tết”.

Rồi công nghệ “tiến bộ” dần lên, những người làm báo điện tử đỡ vất vả hơn về cơ học, nhưng lại đối mặt với sự cạnh trạnh khốc liệt với thời gian. Tôi nhớ vào năm 2011, những ngày đầu khi Tổng Biên tập Phạm Mạnh Hùng được Lãnh đạo Đài luân chuyển về báo, chúng tôi bắt đầu được tiếp cận với những con số đo đếm thực sự chất lượng làm việc của mình.

Màn hình Google Analytics suốt ngày được bật lên trước mặt, bài nào người đọc ít, đọc nhiều hiện rõ mồn một. Điều đó vừa là động lực, vừa là áp lực không chỉ đối với tôi mà với hầu hết anh em trong Tòa soạn. Chúng tôi hiểu rằng, bắt buộc phải tự thay đổi từ thói quen làm báo “từ từ” bấy lâu nay sang cách làm “chạy đua với thời gian”.

Nói thì dễ, nhưng để thay đổi được thực sự là cả một chặng đường gian nan đối với chúng tôi: Tin tức làm sao vừa phải được lên sớm so với mặt bằng báo chí, vừa phải chính xác tuyệt đối và phải có người đọc. Không đáp ứng được những tiêu chí ấy, nhiều người đã có lần phải viết bài “từ thiện”, không được chấm nhuận bút vì không đủ lượng người đọc theo quy định. Nhưng thực sự, chúng tôi không cảm thấy tiếc vì điều này, mà thấy mình cần phải cố gắng hơn rất nhiều để những bài báo như thế ngày càng ít đi.

Và với sự nỗ lực của mỗi cá nhân và cả tập thể, có thể thấy đến hôm nay sự thay đổi đã có hiệu quả rõ rệt. Cả Tòa soạn lúc nào cũng trong không khí làm việc khẩn trương từ 5 giờ sáng đến 11-12 giờ đêm, thậm chí sang cả ngày hôm sau nếu có sự kiện quan trọng. Và sự thay đổi rõ rệt nhất mà ai cũng có thể thấy được là định vị của VOV.VN trong làng báo và trong lòng độc giả, trong xã hội.

Sau 18 năm, chứng kiến sự trưởng thành của báo và có cả sự trưởng thành của bản thân, thực sự báo điện tử VOV là ngôi nhà thứ 2 của tôi: Nơi tôi đã bắt đầu nghề báo và mong muốn ở lại mãi mãi.

Tin cùng chuyên mục