Làm báo điện tử VOV để “thử thách chính mình”

Phạm Công Hân/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Trong đơn xin chuyển công tác sang Báo điện tử VOV, tôi ghi rõ nguyện vọng muốn rèn luyện thêm kinh nghiệm làm báo cũng như thử thách chính bản thân mình.

Sau tròn 10 năm làm phát thanh, từ tháng 9/2012, tôi quyết định chuyển sang làm báo điện tử và gia nhập ngôi nhà VOV.VN. Để đi đến quyết định này với tôi không hề đơn giản. Khi đó, tôi đang là Phó trưởng phòng Sản xuất chương trình Thời sự (VOV1), thường xuyên lên sóng dẫn các chương trình thời sự, tường thuật các sự kiện thời sự, chính trị lớn của đất nước. Ít nhiều tôi đang là một giọng dẫn quen thuộc với thính giả VOV1.

Trong đơn xin chuyển công tác gửi lãnh đạo Đài, tôi ghi rõ nguyện vọng “muốn chuyển sang một môi trường mới với mục đích trau dồi, rèn luyện thêm kinh nghiệm làm báo cũng như thử thách chính bản thân mình”. Thay đổi, đương nhiên sẽ gặp khó khăn, thử thách, tôi cũng đã lường trước điều đó nhưng khi lăn vào thực tế hóa ra vẫn là…khó lường!

Khi còn làm ở VOV1, tôi từng nghĩ trong Đài này, chẳng có chỗ nào vất vả, cực nhọc như làm ở phòng Sản xuất chương trình Thời sự (VOV1) bởi ngày ngày cuốn theo tin tức, sự kiện từng giờ, từng phút. Ngoài làm việc theo giờ hành chính, tôi và các đồng nghiệp thường xuyên phải trực đêm, trực ngày lễ, ngày Tết, ngày nghỉ cuối tuần…trong khi thiên hạ nghỉ ngơi thì lại cung cúc đi làm!

Sang làm báo điện tử không những không nhàn hơn mà lại còn vất vả như “nuôi con mọn”. Sau mỗi chương trình Thời sự lên sóng suôn sẻ, tôi có thể yên tâm bàn giao công việc trở về nhà không còn vương vấn gì đến cơ quan. Còn với báo điện tử, làm việc…không giới hạn. Tòa soạn chia 4 ca trực từ 5h sáng đến 11-12h đêm nhưng với Ban Biên tập thì dù trực hay không trực, bất cứ khi nào có tin tức, sự kiện cũng cần phải chỉ đạo, xử lý.

Cho nên, có những bữa tối vừa cầm bát cơm, nhận được điện thoại hoặc tin nhắn có “tin nóng” từ đồng nghiệp ở các cơ quan thường trú lại buông bát để trao đổi với tòa soạn. Có khi đang đi đường, đi nghỉ nhưng cũng phải dừng lại cắm mặt vào điện thoại. Thậm chí, có lúc đang ngủ lồm cồm dậy nghe điện thoại rồi mắt nhắm mắt mở bật laptop xử lý tin tức. Ôm điện thoại nhiều đến mức người thân, bạn bè còn tưởng tôi “nghiện” điện thoại, “nghiện” Facebook chứ không nghĩ đó là “bệnh nghề nghiệp”, là công việc tôi đang phải làm.

Mấy năm trở lại đây, tòa soạn lập một số group chat và cùng 2 fanpage trên Facebook để tiện trao đổi công việc, ngày nào cũng như ngày nào, các nhóm chỉ ngừng hoạt động khi các thành viên đi ngủ (thường từ 24h đến 5h), còn lại lúc nào cũng rôm rả. Nhiều người phải để chế độ “tắt thông báo” để điện thoại hạn chế rung, kêu khi tin nhắn đến. Làm việc với máy tính, điện thoại quá nhiều nên tôi và nhiều anh, chị, em trong tòa soạn đều gặp vấn đề về thị lực, xương khớp và một số bệnh đặc trưng của dân văn phòng.

Tuy vất vả như vậy nhưng niềm vui mà báo điện tử mang lại rõ nhất so với các loại hình báo chí khác chính là sự “đo đếm” thông qua lượt truy cập (view) và lượt share, lượt like, hay những dòng comment phản hồi của độc giả ở từng tin, bài…Thời làm Phát thanh, tôi từng chủ trì tổ chức và dẫn rất nhiều chương trình, từng được khen thưởng, được giải thưởng nhưng hỏi có biết bao nhiêu người nghe mình hoặc tầm ảnh hưởng đến dư luận như thế nào thì không thể định lượng cụ thể được. Những con số chi tiết ở Báo điện tử mang lại cảm xúc tức thì, khi mình biết được bao nhiêu người đã đọc và họ suy nghĩ gì về tin bài đó, khen chê thế nào, phản hồi của các cơ quan chức năng ra sao…Đó giống như những liều “doping” giúp chúng tôi vượt qua mệt mỏi, vất vả để tiếp tục làm việc, tìm tòi, sáng tạo và thử thách chính mình.

Lục lại kỷ niệm 7 năm làm báo điện tử VOV, những gì đáng nhớ nhất đọng lại trong tôi chính là những lần cả tòa soạn vất vả làm việc sớm hôm. Từ những chương trình tường thuật trực tiếp trong đêm giao thừa khi người người sum vầy bên gia đình hay đi chơi thì cả tòa soạn lại ôm máy tính, máy ảnh kỳ cạch làm việc, trao đổi cùng nhau; hay lần tường thuật trực tiếp lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cả nhóm làm mà rưng rưng xúc động, Vũ Hạnh vừa gõ phím vừa khóc, mắt đỏ hoe; rồi những lần tường thuật các trận bão lũ, cháy nổ, tọa đàm trực tuyến kỷ niệm 70 năm Quốc khánh, chào năm mới 2016…

Mỗi cuộc tường thuật, tọa đàm phải huy động rất nhiều phóng viên của báo và các cơ quan thường trú trong nước và nước ngoài. Cả mấy chục con người lăn lộn phối hợp làm việc cùng nhau, từ xây dựng kịch bản, phân công công việc… Tới khi kết thúc, nhìn lại sản phẩm của mình đến với độc giả, so sánh với các báo bạn tự thấy hài lòng và quên hết mệt mỏi.

Nghề báo là một nghề cực nhọc cả đầu óc và thể xác chứ không “long lanh” như nhiều người ảo tưởng về nó. Làm báo điện tử thì nỗi vất vả, áp lực song hành từng phút, từng giờ, bởi vậy, nếu không đam mê, không yêu thích mà chỉ muốn “chọn việc nhẹ nhàng, nhiều tiền”, không chấp nhận hy sinh, thiệt thòi thì có lẽ tôi và nhiều đồng nghiệp đã không thể trụ vững và gắn bó lâu dài với công việc ở tòa soạn này!.

Tin cùng chuyên mục