Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII thành công tốt đẹp, đưa ra những định hướng thiết thực cho sự phát triển đất nước giai đoạn mới. Năm 2021 cũng là năm chúng ta kỷ niệm 35 năm thực hiện công cuộc Đổi mới được khởi xướng từ Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Nhìn lại 35 năm đổi mới và thành tựu của Đảng ta trên chặng đường của toàn dân tộc, PGS.TS Đào Duy Quát chia sẻ qua trao đổi với phóng viên Báo Tiếng nói Việt Nam.
PV: Thưa ông, kể từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI năm 1986 đến nay, chúng ta đã thực hiện công cuộc Đổi mới được 35 năm. Ông đánh giá như thế nào về thành tựu của 35 năm đổi mới?
PGS.TS Đào Duy Quát: Năm 1986 Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đã khơi dậy và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc để đi vào đổi mới. Đổi mới toàn diện từ kinh tế, đối ngoại đến đổi mới quốc phòng, an ninh và đặc biệt là càng ngày càng thấy sự đổi mới mạnh mẽ trong lãnh đạo văn hóa. Cho nên 35 năm qua đất nước đã có bước phát triển toàn diện, giành được những thành tựu rất to lớn trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam.
Chưa bao giờ sức mạnh Quốc gia, uy tín và vị thế quốc tế của chúng ta mạnh và cao như bây giờ. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào, sự nghiệp đổi mới ấy đã mang lại sự thay đổi toàn bộ diện mạo đất nước, đời sống vật chất và tinh thần hiện đã được cải thiện rõ rệt. Mọi người dân Việt Nam đều cảm nhận được các thành tựu ấy. Ngay cả lớp trẻ, thế hệ 8x, 9x, cũng đã cảm nhận được sự đổi mới, sự lớn mạnh của đất nước, vị thế quốc tế, uy tín của dân tộc ta. Trong đó trước hết phải nói thành tựu rất quan trọng của Đảng ta về đổi mới tư duy, nghiên cứu, nhận thức sâu sắc hơn Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đi vào tổng kết thực tiễn của cách mạng Việt Nam và thế giới. Đảng ta vừa trung thành, vừa phát triển rất sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khẳng định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam hành động của Đảng, tiếp tục nghiên cứu tổng kết thực tiễn để phát triển sáng tạo, nhận thức rõ hơn một cách tổng thể về chủ nghĩa xã hội, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam với những cách làm sáng tạo.
Tôi lấy thí dụ, mô hình tăng trưởng của chúng ta là phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Lúc đầu các thế lực thù địch tấn công ghê gớm, cho rằng đã thị trường thì không có xã hội chủ nghĩa. Nhưng quả thật chúng ta nghiên cứu rất sâu sắc lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tổng kết thực tiễn và Đảng ta đã phát triển sáng tạo. Từ đó, thấy rất rõ là kinh tế thị trường là một thành tựu của văn minh nhân loại, tạo động lực ghê gớm cho tăng trưởng. Đảng đã đưa ra đường lối phát triển nền kinh tế thị trường, tất cả các loại thị trường phát triển theo quy luật của kinh tế thị trường. Thị trường hàng hóa, thị trường lao động, thị trường bất động sản, thị trường tiền tệ chứng khoán... dần dần hoạt động theo đúng quy luật, nhưng được kiểm soát trong điều kiện chúng ta có Nhà nước của dân, do dân, vì dân và chúng ta điều chỉnh bằng hệ thống pháp luật. Nền kinh tế có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Cho nên vừa khơi dậy được mặt tích cực của cơ chế thị trường nhưng lại định hướng được đến mục tiêu của chúng ta là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là sự sáng tạo rất tuyệt vời đã tạo ra bước phát triển vượt bậc.
Dù trong 35 năm qua, chúng ta không phải không có vấp váp, sai lầm, nhưng tổng thể từ năm 1986 - 1995 đang từ một nền kinh tế khủng hoảng rất sâu sắc nền kinh tế Việt Nam đã ra khỏi khủng hoảng. Thế rồi từ năm 1996 - 2005 bắt đầu phát triển với tốc độ khá cao, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 7,5 - 8% hằng năm. Từ năm 2006 - 2010, Việt Nam đã vượt qua nước chậm phát triển trở thành nước phát triển trung bình. Đến bây giờ GDP bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD/người/năm, gấp 3 lần ranh giới 1.000USD. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, văn hóa có bước phát triển mới, nhiều giá trị được xây dựng. Hệ giá trị của con người Việt Nam, đặc biệt là các giá trị cốt lõi: yêu nước, lao động cần cù sáng tạo, đạo đức nhân văn ngày càng phát triển với những thế hệ con người, ngày càng phát triển thêm, sáng tạo thêm những giá trị mới, tạo ra nguồn lực nội sinh cho dân tộc này phát triển.
Ví dụ khác, trên lĩnh vực đối ngoại, Đảng ta vừa trung thành vừa sáng tạo, tiến hành một đường lối độc lập, đa phương hóa, đa dạng hóa, làm bạn và tiến tới là đối tác tin cậy với mọi quốc gia không phân biệt chế độ chính trị, nhưng tất cả phải vì mục tiêu hòa bình độc lập tiến bộ xã hội. Việt Nam trở thành thành viên đầy trách nhiệm với cộng đồng, khu vực và quốc tế. Đường lối đối ngoại đã phát huy tác dụng, Việt Nam tiến hành đối ngoại trên mọi mặt trận, đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa, đối ngoại quốc phòng an ninh, được bạn bè quốc tế ngày càng ủng hộ, nâng cao vị thế quốc tế. Việt Nam đã hai lần trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Uy tín càng lên bạn bè càng đông, đặc biệt là Việt Nam đã tham gia rất nhiều các hiệp định về kinh tế và Hiệp định đối tác từ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện và đặc biệt với tất cả các nước. Từ sức mạnh kinh tế tiềm năng kinh tế, các giá trị văn hóa, triển khai trên tất cả các lĩnh vực an ninh quốc phòng, tạo được các thành tựu một cách toàn diện và có thể khẳng định đây là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, tạo thế và lực mới chưa bao giờ tiền đồ của dân tộc tươi sáng như vậy, khiến chúng ta rất đỗi tự hào.
Đảng ta cũng nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc những yếu kém, khuyết điểm, sai lầm. Đảng nói rất rõ những phần nào yếu kém, sai lầm và đặc biệt là rút ra bài học kinh nghiệm từ thành tựu ấy và chính các bài học này đã là cơ sở tư tưởng, cơ sở khoa học để cho Đảng ta chuẩn bị đường lối phát triển đất nước trong Nghị quyết Đại hội XIII. Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Đường lối Đổi mới từ Đại hội VI và Đảng tiếp tục hoàn thiện, phát triển qua các kỳ đại hội đã đưa đất nước 35 năm đến giai đoạn phát triển rất đáng tự hào này, thì đường lối của Đại hội XIII là sự vận dụng hết sức sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn liền với tổng kết thực tiễn đồng thời tiếp thu các kinh nghiệm của thế giới. Đường lối được nhân dân thảo luận, được Đảng bộ các cấp tích cực đóng góp trở thành kết tinh trí tuệ của toàn đảng, toàn dân, của dân tộc, không chỉ hợp với quy luật phát triển của dân tộc ta trong thời đại mới mà còn hợp lòng dân, hợp với khát vọng của dân tộc. Tôi tin tưởng đường lối Đại hội XIII sẽ là ngọn cờ, là lời hiệu triệu, là ngọn đèn pha soi chiếu toàn bộ con đường của dân tộc chúng ta đi tới một chặng đường mới.
Thành tựu lớn thứ hai cũng cần nói đến đó là thành tựu xây dựng Đảng. Hội nghị giữa nhiệm kỳ Đại hội VII vào năm 1994 Đảng ta đã nhận diện bốn nguy cơ: Nguy cơ tụt hậu; Nguy cơ suy thoái đạo đức, lối sống, tư tưởng chính trị, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; Nguy cơ chệch định hướng, con đường chúng ta đi nếu bị chệch thì sẽ đi vào vết xe đổ của một số Đảng cộng sản khác; Nguy cơ các thế lực thù địch điên cuồng coi Việt Nam là một trong những trọng điểm để tiến hành chiến lược diễn biến hòa bình gắn với bạo loạn lật đổ, phủ định sự lãnh đạo của Đảng này, lật đổ chế độ này.
Từ Đại hội VII, VIII, IX chúng ta liên tục tìm rất nhiều giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi từng nguy cơ. Đảng đối mặt nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trở thành quá trình tự diễn biến, tự chuyển hóa. Đến Đại hội XII đã đưa ra Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nếu Đảng cầm quyền, Đảng chính trị duy nhất lãnh đạo toàn xã hội mà suy thoái thì nguy cơ đụng đến sự tồn vong của Đảng và đặc biệt là chế độ này. Đảng ta đã triển khai đồng bộ cả 4 giải pháp, về chính trị tư tưởng phê bình tự phê bình, cơ chế, chính sách, giám sát, kiểm tra và giải pháp về phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể chính trị tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không những giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên, ban hành hệ thống cơ chế, chính sách pháp luật đồng bộ và đặc biệt là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát càng ngày càng mạnh mẽ, sâu sắc, gắn với phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị thực sự tham gia xây dựng Đảng. Đội ngũ cán bộ đảng viên có bước trưởng thành về tư tưởng chính trị, đạo đức, năng lực lãnh đạo.
Chúng ta thực sự đi vào nhiệm vụ cấp bách: chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống lãng phí. Không chỉ tổng thể Đảng ta có bước trưởng thành vững mạnh, khi chúng ta coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt của sự nghiệp đổi mới này thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Đảng có một bước quyết liệt, vừa giáo dục rèn luyện cán bộ, vừa chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận cho các cấp. Khóa XII Đảng ta đưa ra quy trình 5 bước, từ quy hoạch, giáo dục rèn luyện, bổ nhiệm, luân chuyển. Thông qua các bước này tuyển chọn, bồi dưỡng, rèn luyện và đưa cán bộ đi vào thực tiễn để rèn luyện. Đến nay, Trung ương đã chuẩn bị được quy hoạch cán bộ cho Ban chấp hành Trung ương khóa XIII, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt khóa XIII. Nếu tạo được một đội ngũ Ban chấp hành Trung ương có trí tuệ, có tầm nhìn, có uy tín đạo đức, có năng lực thực hiện nhiệm vụ thì đấy là nhân tố quyết định để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII.
PV: Ông vừa nói về đổi mới mô hình tăng trưởng, vậy theo ông cốt lõi của đổi mới mô hình tăng trưởng giai đoạn sau này chúng ta cần tập trung vào điều gì?
PGS.TS Đào Duy Quát: Chúng ta cần hoàn thiện mô hình này, trong đó tiếp tục đột phá vào nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; đột phá mạnh hơn nữa vào 7 hạ tầng cơ sở; tiếp tục hoàn thiện cơ chế để cho tất cả các loại thị trường vận động theo quy luật, ví dụ như thị trường bất động sản nếu không tiếp tục hoàn thiện thì gây một sự lãng phí ghê gớm và sẽ có những nhóm lợi ích lợi dụng thị trường này.
Đặc biệt cần nhấn mạnh Đảng vận dụng và phát triển hết sức sáng tạo tư tưởng của Bác về văn hóa, “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, bây giờ Đảng ta khẳng định văn hóa là mục tiêu, động lực nhưng cũng là nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững. Thực hiện bằng được tư tưởng của Bác là phải coi trọng lãnh đạo phát triển văn hóa như lãnh đạo chính trị, lãnh đạo kinh tế, lãnh đạo xã hội, quốc phòng. Chính vì thế mà trong chủ đề của Báo cáo chính trị, thành tố cực kỳ quan trọng của đường lối Đại hội XIII, là khơi dậy khát vọng của cả dân tộc này và ý chí tự cường để phát triển mạnh mẽ nguồn lực nội sinh của văn hóa, của con người Việt Nam. Chính nguồn lực nội sinh này sẽ tạo ra, nâng cao, biến khát vọng thành năng lực sáng tạo trong tất cả các lĩnh vực. Đất nước chúng ta sẽ phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong tương lai. Chúng ta rất tin vào mục tiêu 2030 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến 2045 thì thực sự phải trở thành nước phát triển theo chủ nghĩa xã hội. Đấy là khát vọng một Việt Nam hùng cường, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Những mục tiêu ấy rất khả thi và chính niềm tin ấy tạo động lực để chúng ta thực hiện.
PV: Theo đánh giá của ông, dấu ấn qua từng kỳ đại hội là gì?
PGS.TS Đào Duy Quát: Đại hội có hai mục tiêu rất quan trọng đó là xác định đường lối và tuyển chọn ra một Ban chấp hành có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu, có uy tín đạo đức để đoàn kết, lãnh đạo, tổ chức thực hiện thắng lợi. Mỗi một kỳ Đại hội đều đánh dấu bước phát triển sáng tạo, có một đường lối đúng, nhưng việc bố trí đội ngũ, chọn ra đội ngũ nếu được đội ngũ cán bộ đúng tầm, có uy tín đạo đức, có năng lực lãnh đạo thì bước thắng lợi rõ rệt. Ví dụ Đại hội XII rõ ràng dấu ấn thắng lợi đó rất rõ, thắng lợi trên lĩnh vực xây dựng Đảng, trên lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh là thắng lợi toàn diện. Chúng ta có thể nói những thành tựu không phải chỉ là thành tựu của khóa XII mà còn là sự kế tiếp của các khóa trước. Năng lực lãnh đạo, uy tín đạo đức cũng đã được tăng lên và chính vì thế mà lãnh đạo đất nước giành thắng lợi toàn diện, cả sức mạnh, tiềm lực đến vị thế, đặc biệt là lòng tin của dân với Đảng và niềm tin của thế giới với chúng ta, vị thế của chúng ta. Đảng ta có đường lối Đại hội XII đúng và đặc biệt là Ban lãnh đạo làm rất tốt nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để lấy lại được niềm tin và tổ chức thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Tôi luôn luôn nhấn mạnh mỗi Đại hội đường lối được đưa ra có hợp quy luật phát triển không, có hợp lòng người không? Hai là Ban chấp hành mà Đại hội cử ra có phải là một Ban chấp hành có uy tín đạo đức, có năng lực lãnh đạo sáng tạo và Ban chấp hành này có thực sự gắn bó mật thiết, gắn bó máu thịt với dân tộc?
PV: Thưa ông, vậy để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cần chú trọng những vấn đề gì?
PGS.TS Đào Duy Quát: Sau Đại hội, quan trọng nhất là phải làm sao tổ chức để toàn bộ hệ thống chính trị, các đảng viên, đoàn viên, các hội viên được học tập, quán triệt thật sâu sắc nhưng mà phải đổi mới cách làm. Trước hết phải để toàn Đảng nhất trí rất cao với đường lối của Đại hội XIII, toàn dân đồng thuận với đường lối Đại hội XIII. Bước thứ hai chính là thể chế hóa đường lối XIII bằng xây dựng hệ thống luật một cách đồng bộ để đường lối Đại hội XIII được thể chế hóa bằng luật các văn bản pháp quy dưới luật một cách đồng bộ, kịp thời. Chúng ta làm sao thực hiện các hoạt động thể chế hóa nhanh hơn, đồng bộ hơn và đặc biệt là tránh nhiều khâu. Các bộ, ban, ngành, các cấp phải xây dựng thành chiến lược, thành các chương trình hành động cụ thể. Cuối cùng, đó là công tác tuyên truyền, hướng dẫn, cổ động cả dân tộc cùng hành động theo đường lối Đại hội XIII.
PV: Trân trọng cảm ơn ông./.