Với trang phục áo dài ngũ thân truyền thống, đoàn rước lễ gần 100 người ở nhiều độ tuổi khác nhau di chuyển từ Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây về đình Kim Ngân. Trong không khí trang trọng, thiêng liêng, các nghi lễ truyền thống như dâng lễ cửa Đình, lễ Cáo yết Thành Hoàng được tái hiện chân thực, mang đến nhiều cảm xúc cho người dân Thủ đô cũng như du khách nước ngoài.
Theo bà Trần Thị Thuý Lan - Phó Trưởng Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội, việc phỏng dựng các nghi lễ truyền thống trong ngày Tết cổ truyền không những gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hoá của người Việt mà còn giúp các thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu những giá trị quý giá của dân tộc.
“Trong chương trình hoạt động này, chúng tôi tái hiện lại những hình ảnh của một gia đình người Hà Nội đón Tết, dâng lễ lên đình, như lễ cáo yết Thành hoàng và lễ dựng cây nêu tại không gian đình Kim Ngân (42 - 44 Hàng Bạc). Chúng tôi mong muốn, thứ nhất là những giá trị di sản văn hóa phi vật thể được nhiều người biết đến hơn và tuyên truyền cho nhiều đối tượng, đặc biệt là thanh thiếu nhi, để các em cũng nhận thức được giá trị di sản văn hóa là vốn quý giá của dân tộc và chúng ta cần gìn giữ, bảo tồn” - bà Trần Thị Thuý Lan nói.
Cùng với các nghi lễ truyền thống, chương trình “Tết phố - Tết Việt” còn có nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật “Giao lưu diễn xướng âm nhạc truyền thống các vùng miền” với sự tham gia của các đoàn nghệ thuật tỉnh Hải Phòng, Phú Thọ…
Bà Nguyễn Thị Lịch, nghệ nhân hát xoan thuộc đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ cho biết: "Đây là phố cổ, đồng thời cũng là nơi mà chúng tôi thường trình diễn để giữ gìn nét đẹp Việt. Càng phấn khởi vì được khách quốc tế, khách các nơi đến nghe hát xoan rất đông, và họ sẵn sàng lên hát cùng với chúng tôi. Như vậy hát xoan đã được lan tỏa, không những trong nước mà cả quốc tế".
Từ nay đến ngày 28/2/2023, chương trình “Tết Việt - Tết phố” sẽ giới thiệu đến công chúng nhiều không gian văn hoá cũng như các trải nghiệm hấp dẫn trong ngày Tết cổ truyền, như không gian sinh hoạt, đón Tết của một gia đình Hà Nội xưa, gói bánh chưng; giới thiệu nghệ thuật gọt, tỉa và chơi hoa Thủy Tiên tại Ngôi nhà di sản 87 Mã Mây; Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) trưng bày triển lãm tranh chủ đề “Mèo” của nhóm các họa sĩ Hà Nội; các nghệ nhân và thợ thủ công giới thiệu các sản phẩm dân gian truyền thống như tranh dân gian, thư pháp, gốm sứ, mây tre đan tại không gian Bích họa phố Phùng Hưng./.