"Nhà văn Di Li đi tìm bí ẩn đằng sau “Tật xấu người Việt”"

Anh Tuấn/ Báo TNVN
Chia sẻ

VOV.VN - Không phải cuốn sách đầu tiên của một tác giả Việt Nam viết về thói hư tật xấu của người Việt, nhưng cuốn “Tật xấu người Việt” của Di Li ra mắt tháng 12/2023 vẫn thu hút độc giả bởi những góc nhìn đa chiều, logic, có khi rẽ ngang, rẽ tắt rồi lại đột ngột bẻ hướng đầy bất ngờ như những cú twist trong phim.

"Tôi muốn mọi người nhìn nhận cuốn sách với thái độ tích cực, không nên bảo thủ và tự ái, vì bản thân bảo thủ và tự ái đã là một căn tính cần loại trừ rồi. Nếu mọi người cảm thấy cuốn sách có giá trị khiến mọi người trong gia đình thay đổi thì có thể giúp lan tỏa thêm nữa để chúng ta gia tăng tính tốt và bài trừ các tật xấu".

Tác giả là một nữ nhà văn có thế mạnh viết trinh thám, "Tật xấu người Việt" giống như hành trình của một vị thám tử đi sâu vào tìm tòi đến căn nguyên, cội rễ vấn đề. Từ những tình tiết tưởng không liên quan được xâu chuỗi một cách kỳ tài, từ đó dẫn độc giả tới kết quả phá án. Đọc "Tật xấu người Việt" của Di Li, độc giả lúc thì cười rinh rích, lúc lại giật mình vì chợt nhận ra hình như mình chẳng vô can.

PV: Mất tới 15 năm quan sát, nghiên cứu, va đập, trải nghiệm, tìm tòi để kết tinh lại thành 384 trang và 48 câu chuyện trong cuốn sách "Tật xấu người Việt". Đó là khoảng thời gian tương đối dài, gần như trọn vẹn tuổi niên thiếu của một con người? 

Nhà văn Di Li: Nghiên cứu về văn hóa của các dân tộc và tâm lý, hành vi con người là niềm đam mê của tôi. Mà tính cách dân tộc lại là một phần quan trọng của văn hóa. Trong hành trình khám phá này, tôi có cơ hội hiểu luôn về địa chính trị của mỗi quốc gia. Và tất nhiên đất nước mình thì phải hiểu hơn cả. 

Công việc này không chỉ hàm nghĩa văn chương mà mang tính khoa học là chính, văn chương chỉ là phương tiện truyền tải thôi. Chính vì vậy, 15 năm không phải là dài! Thậm chí tôi nghĩ rằng, có thể phải dành cả đời để nghiên cứu về chủ đề này để tiếp tục bổ sung, chỉnh lý trong những lần tái bản sau. Tôi may mắn vì có khả năng viết văn, một công trình nghiên cứu cá nhân được truyền tải bằng văn chương thì sẽ hấp dẫn hơn nhiều so với những người chuyên nghiên cứu nhưng lại không có thói quen viết trinh thám (cười).

PV: Đây không phải cuốn sách đầu tiên về chủ đề thói hư tật xấu của người Việt. Trước đây đã từng có các công trình của những nhà văn hóa lớn như Phan Châu Trinh, Phạm Quỳnh, Vương Trí Nhàn. Vậy đâu là điểm khác biệt của "Tật xấu người Việt" so với những tác phẩm đã ra trước đó?

Nhà văn Di Li: Thứ nhất, đây là cuốn sách gọi đích danh nội dung của nó: Tật xấu người Việt. Thứ hai, tôi không chỉ liệt kê những tật xấu của người Việt mà cố gắng cắt nghĩa nguồn cơn do đâu mà số đông người Việt sở hữu những căn tính ấy. Thứ ba là tôi xử lý tác phẩm bằng bút pháp hài hước, tự trào để làm dịu đi những căng thẳng của chủ đề. Tôi không đặt mình ra ngoài dân tộc hay cao hơn đồng bào để phán xét mà trong rất nhiều ví dụ ở sách có tôi trong đó, có cả cha mẹ, bạn bè thân thiết của tôi.

Và cũng chính vì vậy, tôi không thấy ai tự ái hay bực tức khi đọc sách cả. Thứ tư là song song với cuốn sách này tôi cũng đang dần hoàn thiện cuốn “Tính tốt người Việt”. Bởi tôi quan niệm mỗi cá nhân hay cả một dân tộc đều có mặt tốt - mặt xấu. Thậm chí những tính tốt cũng tiềm ẩn cả tật xấu trong đó nữa. Ví dụ như người Việt có tính linh hoạt, thích nghi cao nhưng cũng vì “linh hoạt quá” mà họ hay nghĩ ra các biện pháp tiêu cực để khiến công việc trôi chảy. Và tính hào phóng, sĩ diện cũng là hai mặt song hành với nhau, quá đi thì nó thành mặt này, ngược lại nó thành mặt kia. 

PV: Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét, cuốn sách này viết từ điểm nhìn người trong cuộc. Phải chăng điểm nhìn đó sẽ mang ý nghĩa thông cảm hơn? 

Nhà văn Di Li: Tôi viết về tật xấu người Việt, trong đó có cả những tật xấu của chính tôi. Nhiều bạn bè nước ngoài nói, tính tôi giống người phương Tây hơn, nhưng tôi vẫn coi mình là một người Việt điển hình, hay nói đúng hơn là một phụ nữ Việt điển hình. Chẳng hạn như cách giáo dục trẻ con dù có tân tiến, văn minh đến mấy thì tôi vẫn bị ảnh hưởng bởi văn hóa “bao bọc” từ những thế hệ trước. Rồi cái tật hay cả nể nữa, rất khó nói lời từ chối, nhưng trong bụng thì không thích tí nào.

Có thể tôi là người có chỉ số sĩ diện rất thấp nhưng so với người phương Tây vẫn là nhiều, mà rõ là không nên thế. Thi thoảng mình cũng đại khái với Luật Giao thông. Đi đâu thì hay muộn giờ, nghĩa là đại khái với quy ước và thời gian. Rồi thấy của chung vẫn chưa có tính bảo vệ triệt để. Có lần tôi đứng ăn kem que ở Tràng Tiền với các đồng nghiệp văn chương nước ngoài. Ăn xong thì thả chiếc que xuống ống cống ngầm. Anh nhà thơ người Barbados bảo ấy thế là không được, cái que này tuy nhỏ thế thôi nhưng sẽ góp phần xả rác thải ra sông hồ. Sau đó, anh đi bộ rất xa để tìm thùng rác vứt cái que. 

Tôi bị dính vài cố tật trong đó và đang cố gắng sửa. Thông qua cuốn sách này và nhiều cách truyền tải thông điệp khác, tôi muốn nhắn nhủ cho cộng đồng biết để cùng sửa. Lúc đầu tôi chưa định in sách, chỉ là những bài nhỏ lẻ đăng báo nên tôi chẳng có kế hoạch gì cụ thể cả. Tôi viết một cách hết sức tự nhiên thôi. Nhưng có lẽ ở trong đời thực, cái tạng của tôi cũng không mấy khi làm ai tức giận, khó chịu bao giờ nên khi viết cũng vậy, nó phản ánh con người mình thôi.

PV: Người ta nói rằng, chỉ ra tính xấu thì dễ. Gợi mở giải pháp để khắc phục mới khó, dù là trước mắt hay lâu dài. Quan điểm của chị thế nào? 

Nhà văn Di Li: Bạn đọc đều là người trưởng thành, nên một khi họ công nhận đấy là tật xấu không nên và nhìn thấy rất rõ tác hại thì sẽ sửa được. Nhưng quan trọng là họ phải nhận ra đã. Ví dụ có rất nhiều người và rất nhiều tác giả phê bình việc thiên hạ hay hỏi những câu cá nhân như: “Bao giờ em lấy chồng?”, “Đã có người yêu chưa?”, “Sao mãi chưa đẻ thế?”… và kết luận đấy là những câu vô duyên. Nhưng tại sao nó lại vô duyên thì tôi chưa thấy người ta phân tích đến tận cùng. Chỉ khi nào người đọc nhận ra rằng những câu hỏi vô thưởng vô phạt như vậy đôi khi trở nên vô tâm, vô cảm và tàn nhẫn khi người được hỏi bị vô sinh, vừa ly dị, con vừa mất, hay thuộc giới tính thứ ba, thứ tư thì họ mới dừng những câu hỏi ấy lại. 

Tôi cũng thấy các gia đình đều khuyến khích con cái đọc cuốn này. Và nhiều độc giả cho biết, sau khi đọc xong, cả nhà có những thay đổi kỳ lạ, ứng xử duyên dáng hơn, chăm cảm ơn, xin lỗi nhiều hơn, bớt gây tiếng ồn hơn. Nghe vậy tôi vui lắm. Nếu những cuốn sách khác độc giả khen hay là mình vui lắm rồi, nhưng ở cuốn này, tôi muốn mọi người đọc sẽ thay đổi và lan tỏa những câu chuyện đó đến  những người xung quanh. 

PV: Chị từng nói rằng: "Chị buồn nhất khi viết về tật xấu của người Việt trong giáo dục". Chị có thể chia sẻ kỹ hơn về điều này? 

Nhà văn Di Li: Thực ra mọi tật xấu đều do giáo dục mà ra. Giáo dục từ gia đình, nhà trường và xã hội. Nhưng tôi thấy ở cả ba nguồn ấy người ta chỉ mải chạy theo thành tích mà quên mất cái gốc của giáo dục. Hồi nhỏ tôi vẫn thấy các trường treo cái biển “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng giờ người ta mải chạy theo “văn, cụ thể là điểm số. 

Người Việt rất thông minh, sáng dạ, học giỏi, nhưng cùng là hai người học giỏi, đạt kết quả cao như nhau nhưng bản chất có thể khác nhau. Một người học giỏi vì đam mê kiến thức, vì muốn khám phá những chân trời mênh mông kiến thức. Còn một người học giỏi chỉ thuần túy là để có một chỗ đứng, thì khi tìm được chỗ đứng rồi họ sẽ không tiếp tục trau dồi nữa. Nghĩa là "học để làm quan". Một xã hội chỉ chạy theo thành tích mong học xong sẽ ra làm quan trong suốt cả ngàn năm lịch sử sẽ kéo theo sự tụt hậu về công nghệ, khoa học, sản xuất cũng như sẽ bỏ qua cái “lễ” là những nét đẹp trong hành vi ứng xử của con người. Giáo dục mà tốt thì tật xấu sẽ ngày bị mai một dần thôi.

PV: Cảm ơn nhà văn Di Li về cuộc trò chuyện!

Tin cùng chuyên mục