"Những rủi ro thế giới phải đối mặt trong năm 2022"

Hoàng Phạm/VOV.VN (biên dịch)
Chia sẻ

VOV.VN - Nga tấn công Ukraine, khủng hoảng kinh tế, mất an ninh lương thực hay chiến tranh lạnh mới được đánh giá là những rủi ro có thể xảy ra trong năm 2022.

Bất bình đẳng vaccine làm xuất hiện các biến thể nguy hiểm hơn

Mặc dù phần lớn dân số thế giới hiện đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19, những vẫn có sự chênh lệch khá lớn giữa các khu vực. Tính đến tháng 12/2021, ở châu Phi, mới chỉ có 12% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong khi các nước giàu đã bước vào giai đoạn tiêm mũi tăng cường.

Sau khi được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, biến thể Delta đã nhanh chóng lây lan trên toàn thế giới. Biến thể này được đánh giá là dễ lây lan hơn, nguy hiểm hơn so với các biến thể trước đây và thậm chí có thể tấn công cả những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Biến thể Omicron, phát hiện cuối tháng 11 vừa qua, cũng được đánh giá là dễ lây lan hơn Delta, mặc dù mức độ nghiêm trọng của nó vẫn chưa được xác định đầy đủ.

Nếu vẫn còn nhiều người trên thế giới chưa được tiêm chủng, khả năng virus tiếp tục đột biến càng cao và có thể tạo ra các biến thể dễ lây lan hơn, gây bệnh nặng hơn, hoặc có khả năng lẩn tránh vaccine.

Nga tấn công Ukraine

Việc Nga tập trung lực lượng gần biên giới với Ukraine khiến các nước phương Tây quan ngại khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự, mặc dù Nga bác bỏ có kế hoạch như vậy.

Một số nhà quan sát cho rằng, đây có thể là động thái đáp trả việc châu Âu trì hoãn phê duyệt dự án Dòng chảy phương Bắc 2, các lệnh trừng phạt của Mỹ nằm vào Nga, việc NATO tăng cường triển khai lực lượng tới các quốc gia láng giềng, hay khả năng NATO kết nạp thành viên mới như Ukraine và Gruzia.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây tiếp tục leo thang, các kịch bản hành động của Nga có thể bao gồm: đe dọa quân sự nhằm gây sức ép để Mỹ/NATO cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine; tận dụng các vũ khí kinh tế như sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga để có lợi thế chiến lược; và một cuộc xâm lược quân sự toàn diện của Nga để giành quyền kiểm soát Ukraine hoặc thành lập một chính phủ thân thiện với Nga.

Afghanistan sụp đổ

Afghanistan đang phải hứng chịu đựng một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có và nhà nước Nam Á này có thể sụp đổ vào năm 2022. Theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP), 23 triệu người Afghanistan đã phải đối mặt với nạn đói từ trước khi mùa đông đến và tình hình dự báo sẽ còn tồi tệ hơn.

Nền kinh tế Afghanistan rơi vào khủng hoảng sau khi Mỹ rút quân khỏi đây và cắt đứt khoản viện trợ 8,5 tỷ USD mỗi năm (40% GDP của Afgganistan) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đóng băng khoảng 9 tỷ USD tài sản nước ngoài của Afghanistan.

Khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị ở các nước đang phát triển

Trung tâm Nghiên cứu Pew ước tính, cuộc suy thoái do đại dịch Covid-19 gây ra đã khiến thêm 131 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói. Ngay cả tầng lớp trung lưu ở các nước đang phát triển cũng sẽ phải đối mặt với khó khăn tài chính do dư chấn chính trị và kinh tế của đại dịch sẽ tiếp tục lan rộng ở nhiều nước trong thời gian tới.

Lạm phát gia tăng ở Mỹ và châu Âu có nguy cơ gây bất ổn thêm cho các nền kinh tế đang phát triển vào thời điểm mà họ cần khôi phục lại tốc độ tăng trưởng đã mất.

Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu tăng lãi suất để chống lạm phát, các mô hình trước đây cho thấy dòng vốn sẽ nhanh chóng rời khỏi các nước nghèo để tìm đến nguồn lợi nhuận cao hơn với ít rủi ro hơn ở các nước giàu hơn.

Giá dầu đạt mức 100USD/thùng

Việc dự đoán các chu kỳ tăng/giảm trên thị trường dầu mỏ luôn là điều mạo hiểm. Có nhiều dự báo trái ngược nhau. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ dự đoán giá dầu thô Brent sẽ giảm từ mức 84 USD/thùng trong năm nay xuống còn 66 USD/thùng vào thời điểm này trong năm tới. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khu vực tư nhân và các quỹ đầu cơ lại dự đoán sẽ có một đợt tăng giá kéo dài.

Nguyên nhân giá dầu tăng hiện nay là do nhu cầu tăng vọt trong năm 2021 sau đợt giảm do đại dịch, việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng và tác động của việc giảm đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt trong vài năm qua.

Thế giới không đạt được các mục tiêu khí hậu sau COP26

Trước COP26, nếu tất cả các cam kết từ thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015 đã được thực hiện (thực tế chỉ một số ít được thực hiện), nhiệt độ toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tăng 2,7 độ C vào năm 2100. Lo ngại những tác động nghiêm trọng, các nhà lãnh đạo thế giới tại COP26 đã đạt thỏa thuận cuối cùng kêu gọi “giảm dần” than đá và các thỏa thuận riêng biệt nhằm cắt giảm nạn phá rừng và phát thải khí metan, thiết lập các quy tắc toàn cầu về giao dịch carbon và thúc đẩy hợp tác khí hậu Mỹ-Trung.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã ban hành một lộ trình chi tiết để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, yêu cầu chấm dứt các dự án dầu khí mới vào năm 2022 - cùng với việc tăng gấp 3 đầu tư vào năng lượng mặt trời và năng lượng gió lên 4.000 tỷ USD và tăng gấp 4 đầu tư vào lưới điện thông minh vào cuối thập kỷ này.

Những tiến bộ như vậy có thể thực hiện về mặt kỹ thuật, nhưng về mặt chính trị lại khó có đột phá về những gì đã được thống nhất tại COP26.

Chiến tranh lạnh mới

Ở Mỹ, dường như nhiều người thích ý tưởng về một cuộc chiến tranh lạnh mới, với kết cục phương Tây chiến thắng. Với sự khác biệt giữa Liên Xô suy thoái kinh tế trước đây và Trung Quốc hiện nay - nền kinh tế hàng đầu cùng với vị thế là cường quốc thương mại và xuất khẩu vốn số một thế giới, một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc khó đem lại kết cục tốt đẹp như Mỹ mong muốn.

Nền kinh tế Trung Quốc phát triển và phụ thuộc vào các nền kinh tế Mỹ cũng như phương Tây tới mức tất cả các bên đều sẽ phải gánh chịu hậu quả trong một cuộc chiến tranh lạnh như vậy.

Khả năng châu Âu “theo chân” Mỹ trong cuộc xung đột như vậy cũng không cao do sự phụ thuộc của Đức cùng các nước châu Âu khác vào thương mại với Trung Quốc. Liên minh châu Âu (EU) thường ưu tiên sử dụng quy định để giải quyết bất đồng thương mại với Trung Quốc hơn là việc tách rời kinh tế với Bắc Kinh.

Mất an ninh lương thực trầm trọng hơn

Cách đây 1 năm, các chuyên gia từng cảnh báo, sự kết hợp của đại dịch Covid-19, thời tiết khắc nghiệt và xung đột bạo lực đang gây ra tình trạng mất an ninh lương thực. Chương trình Lương thực Thế giới cho biết, thêm 15 triệu người có nguy cơ chết đói so với trước khi đại dịch bắt đầu vào năm 2019.

Tháng 11 vừa qua, WFP đã cảnh báo rằng 45 triệu người ở 43 quốc gia trên thế giới đang đứng trước bờ vực của nạn đói, trong bối cảnh giá lương thực và chi phí vận chuyển tăng cao. Một trong những yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng năm nay là thảm họa nhân đạo ở Afghanistan, nơi đang diễn ra cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất thế giới.

Nỗ lực khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran thất bại

Iran muốn Mỹ gỡ bỏ các lệnh trừng phạt và đưa ra các đảm bảo trước khi đồng ý về một thỏa thuận mới liên quan tới việc hạn chế chương trình hạt nhân của Tehran.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đang chịu nhiều sức ép từ Quốc hội trong việc áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn đối với Iran và hành động chống lại các hoạt động vi phạm lệnh trừng phạt Iran như bán dầu cho Trung Quốc.

Cũng không thể loại trừ hành động quân sự của Mỹ hoặc Israel nhằm chống lại chương trình hạt nhân của Iran.

Mặt khác, Iran cũng có khả năng tiến hành các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa nhằm vào các cơ sở dầu khí ở Vùng Vịnh và các căn cứ quân sự của Mỹ, hoặc sử dụng Hezbollah hoặc những bên ủy nhiệm khác để tham gia vào một cuộc chiến tranh bóng tối với Israel. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, luôn có khả năng những tính toán sai lầm hoặc xung đột vô ý dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự lớn với Iran.

Nước Mỹ ngày càng phân cực

Trong báo cáo năm 2021 của Freedom House về nền dân chủ toàn cầu, điểm tự do của Mỹ trong thập kỷ qua đã giảm 11 điểm. Mỹ rơi vào danh sách 20 nước có mức sụt giảm điểm mạnh nhất. Tổ chức này viện dẫn cuộc bạo loạn ngày 6/1 tại Điện Capitol của Mỹ nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 dựa trên những tuyên bố sai sự thật được Tổng thống Donald Trump khi đó thúc đẩy.

Khi những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội và các thuyết âm mưu nổi lên, sự chia rẽ chính trị của nước Mỹ sẽ tiếp tục gia tăng trước cuộc bầu cử giữa kỳ trong năm 2022.

Với việc đảng Cộng hòa (GOP) ở vị thế sẽ giành lại thế đa số ở Hạ viện và có thể cả Thượng viện vào năm 2022, căng thẳng phân cực và bè phái tại Mỹ sẽ ngày càng gia tăng./.

Tin cùng chuyên mục