Tại Việt Nam, tương truyền nghề thêu xuất hiện từ thời vua Hùng. Tuy nhiên, người được xem là “ông tổ nghề thêu Việt Nam” là cụ Lê Công Hành, người làng Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội. Cụ Lê Công Hành từng đi sứ sang Trung Quốc, học được nghề thêu rồi trở về nước truyền dạy cho dân làng. Sau đó, nghề thêu đã phát triển rộng ra khắp cả nước, do vậy ông tổ nghề thêu ở làng Quất Động cũng là ông tổ nghề thêu chung của cả nước.
Trải qua hàng trăm năm thăng trầm của thời gian với sự cần cù, tỉ mỉ và đầy sáng tạo của người Việt, nghề thêu tay phát triển mạnh, lan tỏa khắp mọi miền Tổ quốc. Nhiều vùng quê phát triển mạnh nghề thêu như: Quất Động, Thắng Lợi, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Phú Xuyên, Cổ Đông, Đông Cứu, Bình Lăng (Hà Nội); Văn Lâm (Ninh Bình), Minh Lãng (Thái Bình), Thanh Hà (Hà Nam), Kim Long, Thuận Lộc (Huế), Bảo Lộc (Lâm Đồng), Hội An (Quảng Nam)…
Vào đầu những năm 1990, tranh thêu tay Việt Nam đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật. Điều này được thể hiện qua những bức tranh thêu đầy màu sắc. Mỗi bức tranh có một sắc thái riêng sẽ khiến bạn như bị bỏ bùa mê và bao nhiêu xúc cảm ùa về khi được ngắm những bức tranh này.
Những sợi chỉ tơ óng ả nhiều màu sắc như cầu vồng qua bàn tay khéo léo của người thợ, nghệ nhân đã vẽ nên những bức tranh đẹp của quê hương, đất nước. Chỉ bằng những đường kim mũi chỉ, tranh thêu tay đã ghi lại những dấu ấn thăng trầm của thời gian, tái hiện những biến cố của lịch sử. Đồng thời, mỗi bức tranh thêu tay còn ẩn chứa vẻ đẹp của văn hóa dân tộc, nét mộc mạc, giản dị và tình cảm chân thành, nồng ấm của người Việt Nam…
Với sự sáng tạo không ngừng nghỉ và bàn tay khéo léo của nghệ nhân dần dần đưa tranh thêu vươn đến đỉnh cao của nghệ thuật. Để có một bức tranh thêu tay hoàn mỹ, người nghệ nhân phải dùng đúng loại chỉ truyền thống được nhuộm từ màu của cỏ cây thiên nhiên. Đặc biệt là chỉ tơ tằm với độ óng mịn đặc trưng để tạo cho các bức tranh, nhất là tranh phong cảnh những màu sắc tự nhiên nhất. Người thêu tranh vừa phải đam mê vừa có năng khiếu về hội họa. Có như vậy, đường nét uyển chuyển và cái hồn của bức tranh mới được chuyển tải ở nhiều sắc độ.
Để hoàn thành một bức tranh, người thợ thêu mất hàng tháng trời lựa chọn từng loại chỉ, sáng tạo trong cả phối màu, khéo léo trong từng đường kim mũi chỉ để tạo những mảng màu thể hiện được không gian bức tranh. Có thể nói, công đoạn mở đầu để hình thành một bức tranh thêu tay hoàn mỹ là chọn mẫu tranh. Khi đã có mẫu tranh ưng ý sẽ chuyển thể hình ảnh từ giấy lên vải thêu. Công đoạn tiếp theo trong quy trình làm tranh thêu tay là lựa chọn và phối màu chỉ thêu. Có thể nói đây là công đoạn khó và phức tạp, đòi hỏi người nghệ nhân có trình độ chuyên môn cao và nhiều năm kinh nghiệm.
Tiếp theo là lựa chọn chỉ với màu sắc, kích thước to nhỏ, chất liệu chỉ khác nhau. Bức tranh có sinh động, sự chuyển tiếp giữa các màu có mềm mại, tự nhiên, chân thực và sống động hay không phụ thuộc rất nhiều vào việc người nghệ nhân phối màu chỉ, đòi hỏi sự cảm nhận màu sắc, tư duy thẩm mỹ, kinh nghiệm và cả đôi mắt tinh tế của những người nghệ nhân thêu. Để từ đó, người nghệ nhân có thể tái hiện lại hình ảnh sóng nước, tia nắng mặt trời... cho đến khóe mắt, nụ cười, những nếp nhăn được đặc tả chi tiết sẽ toát lên vẻ thần thái, tính cách, nét riêng của nhân vật trong tranh.
Anh David du khách đến từ Queensland, Úc đã thốt lên “thật là tuyệt vời” khi được chiêm ngưỡng những bức tranh thêu tại Hội An. “Chúng tôi đi qua cửa hàng và nghĩ đây là cửa hàng nhiếp ảnh địa phương. Khi bước vào, chúng tôi nghĩ đó là tranh sơn dầu. Chúng tôi đã choáng váng khi thấy những tác phẩm nghệ thuật này được thêu bằng đôi tay tài hoa của người thợ - thật hoàn hảo và tuyệt đẹp”, anh David nói.
Ở Việt Nam hiện nay có những thương hiệu tranh thêu tay làm nên tên tuổi lớn như XQ Sử quán, và nhiều cửa hàng tranh thêu tay tuy không bề thế và quy mô bằng nhưng hấp dẫn du khách trong và ngoài nước bởi sự tinh xảo, quyến rũ trong từng đường kim, mũi chỉ như tranh thêu tay Khánh Hà ở Huế hay Xưởng thủ công lụa 41 Lê Lợi, Hội An.