Bàn và phân tích về quan hệ đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội XIII, TS Nguyễn Hồng Hải, Trung tâm Tương lai Chính sách, Đại học Queensland, Australia, có bài viết tập trung vào 2 nội dung là quan hệ song phương và ngoại giao đa phương của Việt Nam. Trên bình diện song phương, tác giả tập trung vào quan hệ của Việt Nam với 5 nước, gồm: Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Australia, và Trung Quốc. Trên bình diện đa phương, sẽ tập trung vào quan hệ của Việt Nam với ASEAN.
Quan hệ song phương
Cả 5 nước - Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, Australia, và Trung Quốc - đều có tầm quan trọng với Việt Nam về mặt an ninh và chiến lược. Quan hệ giữa Việt Nam và các nước này thế nào sau Đại hội XIII trước hết dựa trên nền tảng đã phát triển trong thời gian qua, và những cân nhắc lợi ích chiến lược trong thời gian tới của cả hai bên.
Nhật Bản
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 9/1973, quan hệ hai nước ngày càng phát triển và đi vào chiều sâu trên nhiều phương diện, đặc biệt là có sự tin cậy chính trị cao. Quan hệ ngoại giao hai nước không ngừng được nâng cấp theo thời gian: Đối tác tin cậy và ổn định lâu dài (2002); Hướng tới quan hệ chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (2006); Đối tác chiến lược vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (2009), và Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (2014).
Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 40 tỉ USD, và Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam. Hiện tại, Nhật Bản là nhà đầu tư lớn thứ hai trong số 138 quốc gia và vùng lãnh thổ đang đầu tư tại Việt Nam. Rất nhiều công ty của Nhật Bản đã chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, sự cạnh tranh ảnh hưởng của Nhật - Trung trong khu vực, và việc Nhật Bản muốn thoát và giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm trong chuyến công du nước ngoài của ông ngay sau khi mới được bầu làm Thủ tướng. Điều đáng chú ý là người tiền nhiệm của ông, Shinzo Abe, cũng chọn Việt Nam là nước đầu tiên đến thăm sau khi ông trở lại nắm cương vị Thủ tướng lần hai (2013). Khi hội đàm và tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông Suga khẳng định hai nước chia sẻ nhiều lợi ích chiến lược như vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực, vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, và Nhật Bản xem Việt Nam là đối tác quan trọng để đạt được mục tiêu Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở của Nhật Bản được ông Suga công bố trong bài phát biểu với sinh viên tại Đại học Việt - Nhật.
Quan hệ quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản có bước mở rộng đáng kể và thực chất. Tháng 7/2020, Nhật Bản đã cấp khoản tín dụng trị giá 36,6 tỉ yên (tương đương 347 triệu USD) để giúp Việt Nam nâng cao năng lực an toàn và an ninh hàng hải, trong đó bao gồm cả việc đóng mới 6 tàu tuần tra. Trong chuyến thăm Việt Nam, hai nước đã ký hiệp định về việc Nhật Bản đồng ý chuyển giao công nghệ quốc phòng cho Việt Nam.
Với những thỏa thuật đã đạt được trong thời gian qua, tình hình chính trị ổn định ở cả hai nước, có thể tin rằng quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới sẽ tiếp tục đà tốt đẹp như hiện nay. Có một vài yếu tố để có thể đặt niềm tin vào mối quan hệ tốt đẹp này. Một là, sự tin cậy chính trị đã được xây dựng và vững chắc giữa hai nước. Hai là, cả hai nước đều chia sẻ mối quan tâm chung về vấn đề an ninh trong khu vực, vấn đề lợi ích trên Biển Đông, và về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, mở, hòa bình và thịnh vượng. Nhật Bản đặc biệt muốn thúc đẩy và hiện thực hóa Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Mở và Tự do, xem đó như là chiến lược tạo ảnh hưởng của Nhật Bản, đồng thời xây dựng được liên minh cùng chí hướng ứng phó với mối đe dọa và thách thức về an ninh trong khu vực. Vị trí địa chiến lược của Việt Nam ở Biển Đông và rộng ra là Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho việc hiện thực hóa Tầm nhìn này của Nhật Bản. Thứ ba, quan hệ cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai nước tiếp tục được duy trì với sự tin cậy cao. Đây là yếu tố quan trọng trong văn hóa ngoại giao đối với các nước thuộc nền văn hóa Đông Á.
Hoa Kỳ
Năm 2020, Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động kỷ niệm này, nhưng vẫn không ngăn cản được đà xu hướng phát triển chung trong quan hệ hai nước với nhiều lợi ích chiến lược cùng chia sẻ.
Nhìn lại chặng đường 25 năm, sự tiến bộ trong quan hệ giữa hai nước cựu thù là điều mà ngay cả những nhà ngoại giao kỳ cựu hai nước cũng không thể tin, hình dung ra khi hai nước mới bình thường hóa quan hệ. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Bill Clinton năm 2000 đánh dấu nhiều ý nghĩa, và được tiếp nối bởi các tổng thống Mỹ: George W Bush (2006), Barrack Obama (2016), và Donald Trump (2017, 2019). Về phía Việt Nam, nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam cũng lần lượt thăm chính thức Mỹ: các Thủ tướng Phan Văn Khải (2005) và Nguyễn Tấn Dũng (2008), các Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2007) và Trương Tấn Sang (2013), và đặc biệt là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015).
Trong quan hệ Việt Nam - Mỹ, quan hệ kinh tế-thương mại luôn đi trước và nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi tiếp Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien tháng 11/2020 rằng hợp tác trong lĩnh vực thương mại là động lực trong quan hệ song phương. Quan hệ quốc phòng và an ninh được xem như là kênh khẳng định và củng cố niềm tin giữa hai bên. Một điều trùng hợp ngay trong tháng đầu năm 2021 là Mỹ có Tổng thống và chính quyền mới; Việt Nam có Đại hội Đảng bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới và các vị trí lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước. Đây vừa là thuận lợi vừa là thách thức cho quan hệ hai nước.
Thuận lợi trước và trên hết là Tổng thống Joe Biden không phải là người xa lạ với Việt Nam. Ông từng có 8 năm là Phó Tổng thống Mỹ trong chính quyền của Tổng thống Barrack Obama (2009-2017), trong đó đã hai lần tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao của Việt Nam thăm Mỹ (2013 và 2015). Đặc biệt, trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015), ông Biden khi đó đã thay mặt Tổng thống Barrack Obama mở tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đoàn cấp cao Việt Nam. Trong bài phát biểu chào mừng tại buổi chiêu đãi, ông Biden đã mượn hai câu Kiều để diễn tả mối quan hệ duyên số, tươi sáng và lạc quan Việt-Mỹ, đó là: “Trời còn để có hôm nay / Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.
Hơn nữa, trong số các quan chức chủ chốt trong chính quyền của Tổng thống Biden, có một vài người cũng đã từng phục vụ trong chính quyền của Tổng thống Obama như Ngoại trưởng (đang chờ Thượng viện Mỹ phê chuẩn) Antony Blinken, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan, cố vấn Nhà trắng phụ trách các vấn đề châu Á Kurt Campbell, và cố vấn phụ trách chống biến đổi khí hậu John Kerry - cựu Ngoại trưởng - là những người từng đóng vai trò then chốt trong định hình chính sách xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama và đều ủng hộ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chính sách “xoay trục sang châu Á” trước đây và Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện nay.
Tuy nhiên, thách thức đầu tiên đặt ra là chính quyền mới của Mỹ sẽ cần một thời gian nhất định để đưa quan hệ với các đối tác, trong đó có Việt Nam, ổn định theo cách tiếp cận mới của họ. Và vì thế sẽ có thể có một khoảng trầm trong thời gian này giữa quan hệ Việt Nam - Mỹ.
Thách thức thứ hai là chính quyền mới của Mỹ có thể sẽ tiếp tục áp lực với Việt Nam về giảm thâm hụt thương mại song phương. Ngoài ra, chính quyền của Tổng thống Trump đã để lại một di sản mà chính quyền mới khó có thể bỏ qua là kết luận của cơ quan Đại diện thương mại Mỹ về việc Việt Nam có hành động thương mại không công bằng và phản ứng với việc này có thể là áp lệnh thuế trừng phạt. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm và chưa rõ cách tiếp cận xử lý vấn đề này của chính quyền Tổng thống Biden như thế nào.
Thách thức thứ ba là theo truyền thống, các chính quyền do đảng Dân chủ cầm quyền sẽ chú trọng đến vấn đề dân chủ - nhân quyền. Ông Kurt Campbell là người nổi tiếng là cứng rắn trong vấn đề nhân quyền. Tuy nhiên, cần hiểu rằng dù chính quyền do đảng nào lên cầm quyền ở Mỹ thì vấn đề dân chủ - nhân quyền luôn là một trong ba trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ, gồm: lợi ích kinh tế, lợi ích địa chiến lược, và dân chủ-nhân quyền. Tùy thuộc vào từng đối tượng mà Mỹ sẽ ưu tiên thực hiện ba trụ cột này. Hiện tại trong quan hệ với Việt Nam, hai trụ cột đầu tiên nổi trội hơn cả. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là chính quyền của ông Biden sẽ bỏ qua trụ cột thứ ba. Dù sao, để không tổn hại đến quan hệ hai nước, cần xử lý khéo vấn đề này không chỉ trong năm 2021 mà cho cả nhiệm kỳ 4 năm tới.
Ấn Độ
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ là quan hệ truyền thống; từng bước được phát triển và củng cố bằng khuôn khổ Đối tác Chiến lược (2007) và Đối tác Chiến lược Toàn diện (2016). Kim ngạnh thương mại hai nước cũng ngày càng tăng, từ 72 triệu đô la (1995) lên 10,7 tỉ đô la (2018). Đầu năm 2020, hai nước đã mở các chuyến bay trực tiếp đến các thành phố của nhau, và mới đây Việt Nam đã nhập khẩu gạo của Ấn Độ sau nhiều thập kỷ.
Quan hệ quốc phòng và an ninh giữa hai nước ngày càng được tăng cường, và được xem như là một trụ cột trong quan hệ song phương. Hai nước chia sẻ nhiều quan điểm chung về vấn đề Biển Đông và an ninh khu vực. Trong năm 2020, tuy bị ảnh hưởng bởi Covid-19, song hai nước vẫn tổ chức hội đàm trực tuyến giữa Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng, và Thủ tướng hai nước. Cuối năm 2020, hai nước tổ chức tập trận “dẫn dắt” (passage exercise) giữa hải quân hai nước trong vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.
Nhìn chung, quan hệ Việt Nam-Ấn Độ thời gian tới sẽ tiếp tục ổn định và được mở rộng trên cả lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác quốc phòng-an ninh. Ngoài ra, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng sẽ phát triển phù hợp với khuôn khổ chính sách “Hành động hướng Đông” và “Tầm nhìn của ASEAN về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Australia
Việt Nam và Australia đã nâng cấp quan hệ từ Đối tác Toàn diện (2009), Đối tác Toàn diện Tăng cường (2015) lên Đối tác Chiến lược (2018). Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973), trải qua 45 năm, quan hệ song phương có những bước phát triển cả về thương mại và đầu tư, hợp tác quốc phòng và an ninh. Thương mại hai chiều đạt hơn 10 tỉ đô la (2017), trong đó Australia là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam, còn Việt Nam là đối tác thương mại thứ 15 của Australia. Đầu tư của Australia vào Việt Nam hiện đứng thứ 20 trong số 138 nhà đầu tư ở Việt Nam. Từ năm 2018, hai nước thiết lập cơ chế Hội nghị Đối tác Kinh tế hằng năm.
Trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh, hai nước đã thiết lập nhiều cơ chế đối thoại và hợp tác; ký Biên bản Ghi nhớ về Hợp tác Quốc phòng từ năm 2010; Đối thoại Quốc phòng từ 2001 và Đối ngoại Bộ trưởng Quốc phòng thường niên từ 2013; Đối thoại An ninh cấp thứ trưởng hằng năm từ 2018, và Tuyên bố Tầm nhìn chung về thúc đẩy hợp tác quốc phòng, nâng cao hợp tác an ninh hàng hải và hoạt động gìn giữ hòa bình (2018)
Tuy quan hệ song phương hai nước phát triển tốt đẹp và ấn tượng trong thời gian qua, song những con số cho thấy sự phát triển này còn khiêm tốn so với thị trường hơn 90 triệu dân của Việt Nam và xấp xỉ 25 triệu dân của Australia. Trong cuộc điện đàm đầu năm 2021 giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Scott Morrison, Thủ tướng Morrison bày tỏ mong muốn hai nước nâng cấp lên thành quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2023 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Điều này cho thấy mong muốn của lãnh đạo Australia thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn với Việt Nam. Trên tinh thần đó, xét về tiềm năng và vị trí của Australia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, lợi ích chiến lược nhiều mặt, Việt Nam nên chủ động và tranh thủ thời cơ thuận lợi hiện nay để thúc đẩy quan hệ mật thiết hơn với Australia.
Trung Quốc
So với quan hệ với bốn nước ở trên, quan hệ song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn phức tạp, nhưng có ý nghĩa chiến lược nhất với Việt Nam.
Quan hệ hai nước không ngừng được nâng cấp từ năm 1991 cho đến nay: Đối tác Chiến lược (2008), Đối tác chiến lược toàn diện (2009), và Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2013). Hai nước cũng định ra các phương châm và khuôn khổ hợp tác song phương: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai (1999); láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt (2005), và khuôn khổ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2013).
Đây là những phương châm và khuôn khổ có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy, duy trì ổn định quan hệ hai nước. Mặc dù vậy, việc triển khai và hiện thực hóa các phương châm và khuôn khổ này cần phải linh hoạt, chủ động và cần đặt trong bối cảnh thực tế tình hình mới.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 của Trung Quốc. Hai năm liên tiếp (2019, 2020), kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 100 tỉ đô la. Tuy nhiên, Việt Nam luôn chịu thâm hụt thương mại. Đây là điều cần phải được xem xét và điều chỉnh.
Nhìn nhận một cách thẳng thắn rằng, trong quan hệ hai nước hiện nay, vấn đề biên giới và lãnh thổ, đặc biệt là vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, luôn là yếu tố bẩt ổn và thách thức lớn nhất. Quan điểm nhất quán trong chính sách đối ngoại của Việt Nam là luôn coi trọng và ưu tiên quan hệ với các nước láng giềng có chung biên giới, trong đó có Trung Quốc. Vì thế, trong thời gian tới, sự ổn định và phát triển quan hệ hai nước tới đâu sẽ phụ thuộc vào cách xử lý vấn đề biên giới lãnh thổ và Biển Đông của hai nước.
Ngoại giao đa phương
Ngoại giao đa phương ở đây là nói đến sự tham gia của Việt Nam vào các cơ chế, tổ chức, và phong trào có phạm vi khu vực và toàn cầu. Việt Nam đã tham gia và là thành viên của rất nhiều cơ chế đa phương này. Trong phạm vi phần này, bài viết chỉ bàn về quan hệ của Việt Nam với ASEAN.
Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN vào ngày 8 tháng 7 năm 1995. Năm 2020 đánh dấu 25 năm Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của tổ chức khu vực này. Ở mức độ nào đó có thể nói rằng sự gia nhập ASEAN của Việt Nam đã có tác động tới việc Campuchia, Lào, và Myanmar gia nhập ASEAN sau đó để hoàn thành giấc mơ của các nhà sáng lập tổ chức là tập hợp tất cả 10 nước Đông Nam Á vào ASEAN.
ASEAN có vị trí cực kỳ quan trọng, như một vành đai an ninh trực tiếp đối với Việt Nam. Chính vì vậy, không gì ngạc nhiên khi ASEAN luôn được coi trọng và là ưu tiên trong báo cáo chính trị và chính sách đối ngoại của Việt Nam, đặc biệt trong hai nhiệm kỳ vừa qua. Dự thảo Báo cáo Chính trị Đại hội XVIII lần này cũng nhấn mạnh vị trí và ưu tiên trong chính sách đối ngoại của việt Nam đối với ASEAN.
Trong quan hệ với ASEAN, tư duy chiến lược và cách tiếp cận luôn được điều chỉnh theo thời gian, phù hợp với nhu cầu và lợi ích chiến lược của đất nước. Chính sách của Việt Nam đã đi từ “thêm bạn, bớt thù”, “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế”, “chuyển từ đối đầu sang đối thoại”, và “chủ động, tích cực và hợp tác có trách nhiệm với các nước thành viên ASEAN để xây dựng cộng đồng vững mạnh”.
Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã hai lần đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN, đó là năm 2010 và 2020. Trong năm 2020, dưới tác động của Covid-19, Việt Nam đã dẫn dắt ASEAN vượt qua những thách thức để không những duy trì sự gắn kết mà còn đạt được những phát triển mới, cả về hợp tác nội khối và quan hệ đối ngoại của khối với các đối tác bên ngoài. Những con số ấn tượng như: hơn 500 cuộc họp trực tuyến, hơn 80 văn kiện được ký kết, tất cả các cuộc họp cấp cao của ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác vẫn được duy trì và diễn ra thành công với những tuyên bố hài lòng tất cả các bên. Ngoài ra, dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, vị thế và tiếng nói của ASEAN không chỉ giới hạn trong khu vực mà còn được nâng lên cấp độ toàn cầu khi thúc đẩy đối thoại và hợp tác với LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ. Thêm vào đó, Việt Nam cũng đã thành công trong việc tạo được tiếng nói chung của khối về vấn đề Biển Đông khi trong các Tuyên bố của Chủ tịch Cấp cao ASEAN đều nhấn mạnh đến ý nghĩa và tầm quan trọng của luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982 trong giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Nhìn lại chặng đường 25 năm qua và hướng đến 5 năm và xa hơn là 25 năm tới, ASEAN vẫn sẽ luôn quan trọng và có ý nghĩa chiến lược đối với Việt Nam trong sự nghiệp phát triển, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Và đó cũng là thách thức đặt ra đối với Việt Nam là làm sao góp phần duy trì được sự đoàn kết trong khối, không để lợi ích quốc gia của từng nước thành viên ảnh hưởng đến tiếng nói chung và đồng thuận của cả khối trong quan hệ với các đối tác bên ngoài, vấn đề an ninh trong khu vực. Bởi bất kỳ sự mất đoàn kết nào trong khối thì lợi ích của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng trước hết. Nói như vậy để thấy rằng, Việt Nam không chỉ xem quan hệ với ASEAN là mối quan hệ chiến lược, và cần phải có quan hệ chiến lược với từng nước thành viên của ASEAN theo cách này hay cách khác.
Chính sách đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội Đảng lần thứ XIII về cơ bản là nhất quán và tiếp nối chính sách đối ngoại từ khi Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới cho đến nay, đặc biết là không có sự khác biệt nhiều so với chính sách đối ngoại của Đại hội XII. Có chăng, trong phương châm chỉ đạo, quan điểm thực hiện cụ thể hơn, đặc biệt nhấn mạnh hơn đến tính “chủ động và tích cực” trong quan hệ đối ngoại.
Nhìn chung, quan hệ đối ngoại của Việt Nam sau Đại hội XIII trên cả bình diện song phương và đa phương sẽ tiếp đà phát triển trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2020. Trên bình diện song phương, Covid-19 có thể sẽ vẫn tác động nhất định, đặc biệt việc triển khai (nếu có) các chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam ra nước ngoài, hoặc đón các lãnh đạo và nguyên thủ quốc gia đến Việt Nam, đến ít nhất nửa đầu 2021.
Ngoài ra, quan hệ đối ngoại của Việt Nam với Mỹ và Trung Quốc sẽ ít nhiều chịu sự ảnh hưởng của cách tiếp cận của chính quyền mới ở Mỹ với Trung Quốc mà điều này có thể sẽ chưa thể biết rõ trong vòng ít nhất 6 tháng nữa vì chính quyền của ông Biden còn phải vướng bận và ưu tiên giải quyết các vấn đề trong nước trước. Trong bối cảnh đó, Việt Nam một mặt chủ động tiếp cận và thúc đẩy quan hệ với chính quyền mới của Mỹ, mặt khác tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ với 3 nước: Nhật Bản, Ấn Độ, và Australia, và các đối tác quan trọng khác.
Trên bình diện đa phương, trong năm 2021, Việt Nam sẽ hoàn thành nốt trọng trách vai trò là ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, và tham gia các hoạt động trong khuôn khổ ASEAN.
Thách thức ở phía trước đối với ngoại giao Việt Nam là không nhỏ, song phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” vẫn sẽ là cẩm nang cho việc triển khai quan hệ đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới./.