Theo chân “chúa đảo” thăm đàn khỉ vàng phục vụ nghiên cứu vaccine
VOV.VN - “Chúa đảo” là biệt danh hài hước ông Vũ Công Long tự đặt cho mình, khi có hơn 30 năm gắn bó với đảo Rều – nơi chăm sóc cho đàn khỉ phục vụ nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Đảo Rều (TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) cách đất liền khoảng 3km nên đoàn chúng tôi chỉ mất khoảng 15 phút đi xuồng cao tốc để di chuyển từ bến thủy nội địa Vũng Đục (TP Cẩm Phả) ra đảo. Đảo Rều, gồm có hai phần là đảo Rều Đất và đảo Rều Đá. Trên đảo Rều đất là trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và Sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế, còn được gọi là “Hoa quả sơn” - nơi có những con người ngày đêm lặng thầm chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho đàn khỉ vàng để phục vụ nghiên cứu và sản xuất vaccine.
Đảo Rều Đất – “Hoa quả sơn” ngoài đời thực
Đón chúng tôi tại đảo Rều Đất, ông Vũ Công Long, Trại trưởng trại chăn nuôi động vật thí nghiệm, Polyvac, Bộ Y tế thường được mọi người gọi bằng cái tên thân mật “Chúa đảo” nhắc nhở mọi người bước vào máng nước khử trùng để giữ môi trường tốt cho đàn khỉ.
Vừa dẫn chúng tôi đi tham quan, ông Long vừa chia sẻ, xưa kia, nơi đây chỉ là đảo hoang. Năm 1962, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký quyết định thành lập đảo Rều Đất (rộng 22ha) và đảo Rều Đá (rộng 17ha) trực thuộc Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đầu tư phát triển đàn khỉ vàng (có tên khoa học Macaca Mulatta) ứng dụng được trong sản xuất vaccine và làm đối tượng thử nghiệm nghiên cứu nhiều đề tài khoa học.
Đến năm 1994, đảo Rều được tách ra và thuộc Trung tâm nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac), Bộ Y tế. Trải qua gần 60 năm, đàn khỉ với hơn 1.000 con vẫn phát triển tốt cả về số lượng và chất lượng.
Khoảng 10h là đến giờ ăn trưa của bầy khỉ, “Chúa đảo” Vũ Công Long gõ một hồi kẻng dài, từng đàn khỉ lũ lượt kéo về và tự chia ranh giới ra 3 khu nhà ăn. Những thức ăn đầu tiên luôn được đồng loại nhường khỉ chúa đầu đàn. Ông Long cho biết, nguồn gốc của những con khỉ này tập trung chủ yếu ở vùng núi đá vôi ở Hòa Bình, Ninh Bình, Hải Phòng (quần đảo Cát Bà), Quảng Ninh (vịnh Hạ Long, Bái Tử Long) được thu mua mang về đây nuôi. Chúng thường sinh hoạt theo bầy đàn, khoảng 30, 40 hoặc 50 con. Khỉ chúa phải là khỉ đực, to khỏe, thông minh, đánh nhau giỏi, tuổi thọ trung bình khoảng 25 tuổi.
Đường đi lên “bản doanh” của đàn khỉ giờ đã được bê tông hóa sạch sẽ. Khu vực nấu ăn hay tại 3 điểm tập kết ăn uống của khỉ được lát đá hoa sạch bóng, luôn được quét dọn mới thấy được sự tận tụy và trách nhiệm của những cán bộ nuôi khỉ trên đảo Rều. “Khỉ rất tinh nghịch, có khi uống nước xong là nhảy vào máng nước tắm hay vặn vòi cho chảy nước lênh láng nên nhân viên ở đây phải luôn mắt, luôn tay mới đảm bảo vệ sinh môi trường”- ông Long cười nói.
Ông Long cũng chia sẻ, việc nuôi dưỡng, phát triển đàn khỉ có tầm quan trọng đặc biệt trong nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, do vậy nơi đây được cách ly hoàn toàn với đất liền và tuyệt đối không tiếp nhận khách du lịch. Các nhà khoa học trong và ngoài nước ra đây đều đánh giá đây là giống khỉ quý hiếm và phát triển tốt bởi đàn khỉ không chỉ đông mà có cả già, trẻ, lớn, nhỏ, lông óng mượt và nhanh nhẹn.
Mặc dù làm nghiên cứu khoa học ở một môi trường cách biệt với cuộc sống bình thường nhưng vị “chúa đảo” này rất vui tính và dí dỏm.
Với 36 năm trong nghề nên ông hiểu hơn ai hết về những chú khỉ của mình. Ông cho biết, để có đàn khỉ hôm nay, ngoài việc theo dõi bảo vệ an ninh, môi trường, chu cấp thức ăn, còn phải hiểu biết về đặc tính sinh học của khỉ mới có thể làm tốt việc chăm sóc cho chúng phát triển. Ông bảo, loài linh trưởng này cũng biết thể hiện đủ cả “hỉ, nộ, ái, ố” như con người và tình yêu giữa khỉ với khỉ thật mãnh liệt mà chắc chẳng còn loại thú nào trên đời có thể sánh được. Đặc biệt, hiếm có con vật nào có tình mẫu tử như con khỉ. Nếu khỉ con không may bị bệnh mà chết, khỉ mẹ vẫn cứ ôm xác con trong lòng không rời. Chỉ đến khi khỉ con trở thành bộ xương trắng, khỉ mẹ mới chịu rời con và dúi bộ xương ở gốc cây.
Để phục vụ cho sản xuất vaccine và thử nghiệm khoa học, con khỉ tiêu chuẩn phải đạt từ 1,5 - 3 tuổi, nặng từ 3-5kg. Sau 1 tháng chăm sóc đặc biệt để qua “giai đoạn cửa sổ” mới đưa đi làm xét nghiệm, nếu khỉ đạt tiêu chuẩn “sạch” mới sử dụng.
Thời điểm này, Trại chăn nuôi động vật thí nghiệm đang chăm sóc, cách ly 12 chú khỉ thử vaccine COVID-19 của Vabiotech trên đảo Rều Đá. Những chú khỉ thử vaccine là khỉ trưởng thành, từ 3-5 tuổi, trong đó lô khỉ đầu gồm 6 con, được tiêm thử vaccine của Vabiotech từ 27/10/2020 đến nay được gần 2 tháng. Lô khỉ thứ 2 được tiêm thử vaccine từ đầu tháng 12/2020. Trước khi đưa vào tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19, các cán bộ, nhân viên của trại sẽ chọn lọc và bắt khỉ từ đàn được nuôi thả tự do để đưa ra đảo đá nhốt trong lồng khoảng 1 tháng. Sau khi hết giai đoạn cửa sổ, kiểm tra nếu khỉ khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, không mang mầm bệnh, không mang Covid-19 thì sẽ bắt đầu tiêm vaccine.
Được biết, sau khi tiêm vaccine, những chú khỉ này đều ổn định, không có biểu hiện bất thường. Dự kiến, việc theo dõi đàn khỉ tiêm thử nghiệm vaccine là khoảng 4 tháng. Sau đó, nếu kết quả trên đàn khỉ khả quan, khỉ hoàn toàn khỏe mạnh, không có biểu hiện bất thường, các nhà nghiên cứu chuyên môn sẽ tiến hành lấy máu, đánh giá độ an toàn vaccine, đáp ứng miễn dịch sau đó mới tiến hành thử nghiệm trên người.
Những nhân viên gắn bó nhiều đời với “hoa quả sơn”
Là đời thứ ba làm việc và sinh sống trên đảo Rều Đất, Trại phó Nguyễn Duy Phương chia sẻ, trên đảo, công tác vệ sinh phòng dịch cho khỉ luôn được đề cao, nên đảo không đón khách du lịch, vì khỉ có cơ thể sinh học gần giống con người nên rất dễ mắc các căn bệnh của người thì không thể chiết vaccine được. Mặt khác khỉ trên đảo sống bán hoang dã nên nếu có sự xuất hiện đông người kéo dài nhiều ngày chúng sẽ sợ và bỏ đi đảo khác.
Ông Phương cũng chia sẻ, chế độ ăn của khỉ ở trên đảo cũng vô cùng đặc biệt. Trong môi trường tự nhiên, khỉ tự bắt còng, cáy dưới biển và ăn hoa quả, nõn cây rừng nên không sợ đau bụng. Với khỉ nuôi nhốt để thực hiện nghiên cứu khoa học, không có cơ hội tiếp xúc với môi trường thì bữa ăn chính của khỉ là gạo lật nấu với đỗ đen và lạc nhân. Chế độ ăn này đặc biệt hơn với những chú khỉ nuôi thả tự do. Ngoài 2 bữa ăn cơm, đàn khỉ này còn được bổ sung thêm các loại hoa quả như mía, cam, ổi để tăng cường sức đề kháng, đảm bảo luôn khỏe mạnh trong thời gian thử nghiệm. “Nếu không được chăm sóc tốt, khỉ bị tiêu chảy sẽ nhanh chết, hoặc bị nôn ói thì việc chữa trị không còn tác dụng”- ông Phương nói.
Hiện nhân viên trên đảo có 13 người, thì có 4 cặp vợ chồng lấy nhau và sinh con trên đảo. Mỗi đôi vợ chồng được cấp một gian nhà. Các nhân viên trên đảo thường lấy việc chăm sóc khỉ làm vui, tuy đảo cách đất liền không xa nhưng họ cũng ít khi về đất liền, vì công việc bảo vệ khỉ và an ninh trên đảo không kể đêm ngày.
“Con cái phải gửi vào đất liền học từ tuổi mẫu giáo. Nhà nào không có ông bà thì phải gửi con cho họ hàng hoặc người thân chăm giúp. Vậy mà, các cháu đều chăm ngoan học giỏi, ai cũng đỗ đại học, có cháu đạt học bổng toàn phần đi du học”- ông Long chia sẻ./.