Nhìn lại 2020: Những bài học “xương máu” ngành du lịch rút ra từ Covid-19
VOV.VN - Năm 2020, ngành du lịch Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề từ dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là dịp toàn ngành nhìn nhận, rút kinh nghiệm để phục hồi và phát triển bền vững. Phóng viên VOV.VN có bài phỏng vấn PGS.TS Phạm Hồng Long – Trưởng khoa Du lịch học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Học cách dự phòng cho khủng hoảng
PV: Thưa PGS.TS Phạm Hồng Long, năm 2020 vừa qua Covid-19 đã khiến cho ngành du lịch toàn cầu hoàn toàn đình trệ. Ngoài những thiệt hại đã thấy rõ qua số liệu thống kê, chúng ta có thể rút ra được kinh nghiệm gì từ cuộc khủng hoảng này không?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra những thiệt hại nặng nề chưa từng có cho ngành du lịch toàn cầu, tuy nhiên ở mỗi nước lại có mức độ thiệt hại khác nhau. Ở Việt Nam, rất may là chúng ta phòng chống dịch rất tốt, cộng thêm thị trường trong nước rất lớn nên là số ít quốc gia vẫn duy trì tốt hoạt động du lịch nội địa.
Như vậy, trong lúc này thì du lịch nội địa vẫn là "cứu cánh" cho du lịch Việt Nam. Bài học đầu tiên mà chúng ta rút ra từ Covid-19 là về thị trường khách: đó là phải giảm bớt lệ thuộc vào 1-2 thị trường, mở rộng nguồn khách và đặc biệt quan tâm đến du lịch nội địa. Với thị trường trong nước thì phải nâng cấp cơ sở vật xây dựng nhiều sản phẩm hơn, phân khúc đối tượng, loại hình và giá cả khác nhau.
Bài học thứ hai mà du lịch Việt Nam phải thẳng thắn thừa nhận là sự dự phòng cho khủng hoảng còn yếu kém và các quỹ dự phòng cho du lịch hầu như chưa có. Ngay như Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch, đã được quy định trong Luật Du lịch 2017, nhưng cho đến nay vẫn chưa triển khai được.
Vào thời điểm thịnh vượng, nhẽ ra ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp nên có sự tích lũy để dự phòng, khi những tình huống xấu xảy ra thì sử dụng nguồn đó để hỗ trợ nhân viên, duy trì hoạt động. Ở Nhật Bản – một quốc gia thường xuyên hứng chịu thiên tai thì họ luôn đặc biệt ưu tiên cho quỹ dự phòng nên sau khủng hoảng thường phục hồi rất nhanh.
Bài học thứ ba là sự liên kết giữa các thành tố của ngành du lịch còn hạn chế. Các doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ hay cơ quan quản lý chưa liên kết tốt với nhau, mặc dù đặc thù của ngành du lịch là phải phối hợp từ rất nhiều ngành, nhiều bên. Trong thời gian tới, cần phải liên kết chặt chẽ hơn, cả chiều dọc - từ trung ương đến địa phương và chiều ngang – giữa các đơn vị với nhau.
PV: Liệu du lịch toàn cầu có thể phục hồi vào năm 2021 không, thưa ông?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Ngay từ khi đại dịch xảy ra với quy mô toàn cầu, Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã dự báo 3 kịch bản phục hồi trong năm 2020 nhưng đều bị “phá sản”. Gần đây, UNWTO đã đưa ra những kịch bản phục hồi theo 3 viễn cảnh 2,5 năm, 3 năm và 4 năm. Như vậy, có thể nói, du lịch quốc tế gần như khó có thể phục hồi trong năm 2021, có lẽ các quốc gia sẽ chủ yếu phải khai thác du lịch nội địa.
Để khôi phục du lịch quốc tế mạnh mẽ hơn thì phải có một loại vắc xin được công nhận rộng rãi, khi phòng chống được dịch bệnh rồi thì việc đi lại giữa các quốc gia sẽ đơn giản hơn. Một phương án khác là một vài quốc gia xây dựng hành lang, hay còn gọi là "bong bóng du lịch" với những chính sách riêng để trao đổi khách với nhau. Hoặc có những quốc gia sẽ công nhận dịch Covid-19 giống như một dạng cúm mùa để dần mở cửa biên giới, tuy nhiên điều này khó có khả năng xảy ra ở Việt Nam.
Xoay chuyển thị trường và sản phẩm trong bối cảnh mới
PV: Vậy hướng đi cho ngành du lịch Việt Nam trong năm 2021 là gì?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Trước tiên du lịch Việt Nam cần làm tốt công tác chống dịch, có như vậy du lịch mới có cơ sở để phát triển trở lại. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lao động trong ngành du lịch để giữ chân họ với nghề, nếu không nhân lực du lịch trong nước sẽ thiếu hụt nghiêm trọng khiến cho ngành du lịch rất khó phục hồi.
Việt Nam cũng cần tiến tới xây dựng các “hành lang” du lịch với các quốc gia phù hợp, chứ không nên đóng cửa hoàn toàn nữa. Nhiều nước mong muốn gửi khách đến Việt Nam, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng cần đón khách và nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Việt là rất lớn.
Quan trọng hơn, vì "người khổng lồ nào cũng phải đi bằng hai chân" nên trong tương lai, chắc chắn ngành du lịch Việt Nam phải phát triển song song thị trường nội địa và thị trường quốc tế. Với thị trường quốc tế, hiện nay trọng điểm là các nước Đông Bắc Á thì chúng ta phải mở rộng thêm những thị trường mới như Ấn Độ, Australia, Bắc Mỹ… Với thị trường nội địa cần có thêm nhiều sản phẩm hấp dẫn, ngoài những cái vốn có thì phải xây dựng dịch vụ mới làm sao tác động vào tất cả các giác quan của du khách.
PV: Thưa ông, cụ thể những sản phẩm như thế nào sẽ hấp dẫn du khách trong thời gian tới?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi thị hiếu và xu hướng du lịch của người dân. Khách du lịch không muốn tập trung đông người nữa mà chủ yếu hướng vào các sản phẩm dành cho gia đình, nhóm nhỏ. Tuy chỉ đi theo gia đình hoặc nhóm nhỏ nhưng đối tượng khách này vẫn có khả năng chi tiêu cao.
Các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ lên ngôi, như tập luyện thể thao, chữa bệnh, tắm khoáng, thiền… Các doanh nghiệp du lịch cần đẩy mạnh những sản phẩm này.
Dòng sản phẩm thiên nhiên, du lịch sinh thái sẽ phát triển mạnh, khi du khách hướng đến thiên nhiên, những khu vực biệt lập, hẻo lánh, ít người như vùng núi, hải đảo. Việt Nam có tới hơn 3.000 hòn đảo, nhiều nơi còn hoang sơ, biệt lập nên chắc chắn du lịch đảo sẽ phát triển tốt. Những khu vực có thế mạnh này cần phải tận dụng để thúc đẩy du lịch và quảng bá thật mạnh để thu hút khách.
Sản phẩm tiếp theo là du lịch đêm, chủ yếu tại các đô thị lớn. Đây là loại hình phù hợp với giới trẻ, thường kết hợp trải nghiệm ẩm thực và khám phá các điểm đến với vẻ đẹp riêng vào ban đêm, giống như chương trình "Hỏa Lò về đêm" hay tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Du lịch ban ngày đã quá phổ biến nên dần dần du khách sẽ tìm kiếm những dịch vụ giải trí vào buổi tối.
PV: Hiện tại Thái Lan đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế, sắp tới nhiều quốc gia cũng sẽ mở cửa trở lại. Vậy du lịch Việt Nam cần làm gì để tăng khả năng cạnh tranh?
PGS.TS Phạm Hồng Long: Trong bối cảnh nhiều nơi chưa kiểm soát được dịch thì Việt Nam có cơ hội đi trước để đón khách quốc tế, việc làm tốt công tác chống dịch đã nâng cao vị thế của Việt Nam.
Chúng ta cần quảng bá mạnh hơn trên các kênh truyền thông quốc tế, kết nối ngay từ bây giờ với các đối tác nước ngoài sao cho hình ảnh Việt Nam thân thiện, an toàn phủ sóng rộng khắp, như vậy có thể thu hút khách nhiều hơn sau đại dịch.
Ngoài sự an toàn thì miễn visa là một chính sách quan trọng để thu hút khách. Chúng ta luôn muốn cạnh tranh với Indonesia, Malaysia nhưng việc miễn visa cho khách quốc tế luôn đi sau họ. Hai quốc gia này miễn visa cho du khách từ hơn 100 quốc gia trong khi Việt Nam mới chỉ miễn cho 24 nước, trong số đó đã bao gồm 9 nước trong khu vực ASEAN.
Sắp tới, nếu Việt Nam xây dựng "bong bóng du lịch" thì riêng trong khuôn khổ hành lang hợp tác này, các quốc gia nên miễn visa cho công dân của nhau. Thời gian miễn cũng nên dài và linh hoạt theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách du lịch. Tại Việt Nam, có thể không cần mở cửa đón khách trên cả nước mà nên ở quy mô hẹp, cho phép du khách quốc tế đến một vài điểm cố định.
PV: Xin cảm ơn ông./.