Nhảy đến nội dung
Báo Xuân
Cách trung tâm thành phố khoảng 1,5km, men theo con đường nhỏ, sâu hun hút dẫn từ cầu Long Biên xuống, lối vào bãi giữa sông Hồng (hay còn gọi là "xóm phao") yên tĩnh và trầm buồn
Ông Nguyễn Đăng Được (hay còn gọi là ông Được “đen”) là người đầu tiên đặt thuyền mưu sinh trên bãi sông này.
Theo ông Được, “xóm phao” được biết đến là xóm 3 không: không điện, không nước sạch, không chữ. Cuộc sống của những người dân nơi đây gần như tách biệt hoàn toàn với phố thị.
“Xóm phao” hiện có 32 hộ với 100 nhân khẩu sinh sống, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như: Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên, Bắc Giang, Lạng Sơn.
Để tiện cho việc sinh hoạt cũng như không phải trả chi phí tiền thuê đất ở trên bãi, các hộ trong xóm đã dựng những căn nhà tạm làm trên bè, thùng phuy hoặc phao để ở.
Xóm nhỏ như một ốc đảo chông chênh, ọp ẹp. Những căn nhà được che chắn tạm bợ bằng những tấm bìa carton, gỗ ép, mái được lợp bằng proximăng.
Người dân ở đây đều không có hộ khẩu, không có nghề nghiệp ổn định nên họ chỉ có thể kiếm sống bằng các công việc như: bốc vác thuê trong chợ, đi nhặt ve chai, đồng nát hay bán ngô nướng để kiếm sống.
Hầu hết các căn nhà ở đây đều chật hẹp, với diện tích vỏn vẹn khoảng 10-12m2, vừa là nơi ngủ, vừa là nơi nấu nướng, sinh hoạt của các hộ dân.
Cuộc sống cơ cực, vất vả là vậy nhưng những người dân “xóm phao” vẫn bám trụ nơi đây, không muốn lên bờ sống, có thể do thói quen sinh hoạt đã “ngấm” vào người họ từ hơn 20 năm nay.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, người dân "xóm phao" chỉ mong có chút tiền, mua thêm ít thịt lợn, cân bắp cải và mấy củ su hào để đón Tết.
Họ ước muốn trong năm mới này, thời tiết sẽ thuận lợi hơn, dịch bệnh qua đi, có nhiều sức khỏe để đi làm, kiếm sống.
Những ước mơ thật đơn sơ, bình dị nhưng cũng thật xa xôi, bởi nơi đây, gánh nặng cơm, áo, gạo tiền vẫn hàng ngày trĩu nặng trên đôi vai của họ. Năm mới đã đến, cầu chúc cho những người dân "xóm phao" luôn bình an, sức khỏe, có thêm nhiều việc để làm, cuộc sống cải thiện, bớt phần khốn khó./.