Đi qua năm bão giông
VOV.VN - “Một năm bão giông”, đó là cảm nhận của người Đà Nẵng khi nói về thành phố này trong năm 2020. Trở thành “tâm dịch” khi đại dịch Covid-19 tái bùng phát; Dịch vừa lắng xuống, cả thành phố dồn sức sơ tán dân tránh 2 cơn bão lớn. Trước những khó khăn dồn dập, Đà Nẵng vẫn đi qua “một năm bão giông” đầy ấn tượng.
Trải qua 2 năm đầy sóng gió với hàng loạt án kỷ luật liên quan đến những cán bộ lãnh đạo thành phố, rồi hàng loạt cựu quan chức, người đứng đầu thành phố bị khởi tố, tạm giam, những tưởng Đà Nẵng sẽ bình yên. Thế nhưng, ngay từ ngày đầu năm Canh Tý, thành phố bên bờ sông Hàn lại “dậy sóng” với những thông tin về dịch bệnh Covid-19. Suốt quý I, cả thành phố tập trung chống dịch, chuyện làm ăn, buôn bán ngưng trệ, khách du lịch vắng bóng. Vừa lắng đợt dịch thứ nhất, một số công trình, dự án rục rịch khởi động trở lại thì ổ dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng. Hơn 1 tháng rưỡi, cả thành phố phải thực hiện lệnh cách ly xã hội.
Ông Nguyễn Văn Hoành, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 21, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu không thể nào quên thời điểm cả khu dân cư này sống trong cảnh “nội bất xuất, ngoại bất nhập”: “Thật là một thời điểm lịch sử khó quên của thành phố. Qua 2 đợt dịch, mỗi người dân chúng tôi có thêm kinh nghiệm sống, nhìn lại cách làm ăn, cách sống sao cho thích nghi với dịch bệnh”.
Ông Nguyễn Ngọc Tân, số nhà 135, Tạ Mỹ Duật, quận Sơn Trà nhớ lại, cơn bão số 12 năm 2017 áp sát miền Trung đúng vào lúc chỉ còn vài ngày nữa là khai mạc Tuần lễ Cấp cao APEC. Mưa to, gió lớn quật ngã nhiều biển hiệu, pano; hàng ngàn tấn rác tấp vào các tuyến đường ven biển. Thành phố bộn bề công việc chỉnh trang đô thị. Ngay lúc đó, Chủ tịch UBND thành phố có Thư kêu gọi người dân toàn thành phố chung tay, góp sức cho việc tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC. Và chỉ sau 1 ngày đêm, người dân cùng các lực lượng xung kích tỏa đi khắp nơi, dọn dẹp phố phường sạch đẹp, góp phần mang lại thành công lớn cho APEC 2017. Ông Nguyễn Ngọc Tân khẳng định, nơi đầu sóng ngọn gió này, người dân đã cùng nhau vượt qua những thời điểm gian khó nên khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, mọi người rất đoàn kết, dìu dắt nhau vượt qua khó khăn: “Người dân sẵn sàng chung tay góp sức xây dựng Đà Nẵng. Mặc dù chúng tôi không làm được gì nhiều nhưng gắng hết sức chung tay thực hiện các nghĩa vụ công dân, giữ gìn an ninh trật tự xóm làng, thực hiện các quy định, góp phần cho Đà Nẵng phát triển”.
Sau 2 đợt dịch Covid-19 và liên tiếp hứng chịu nhiều cơn bão lũ, người dân Đà Nẵng càng tin vào các chính sách và sự quyết đoán của lãnh đạo thành phố. Mỗi cán bộ và người dân nơi đây càng thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và giữ vững hình ảnh một thành phố an toàn, thân thiện.
Cũng qua những cơn hoạn nạn càng thấy rõ quyết tâm và ý chí vượt khó hướng đến cái chung của Đảng bộ và người dân thành phố này. Năm 2020, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Ông Jeon Changhyun, Công ty TNHH Dentium ICT VINA cho biết: “Khu công nghệ cao Đà Nẵng là khu công nghiệp công nghệ cao duy nhất ở miền Trung Việt Nam và ở đây mang lại những ưu đãi cho doanh nghiệp như miễn giảm tiền sử dụng đất, tiếp cận nguồn nhân lực tài năng và giảm thuế thu nhập. Một lý do nữa để chúng tôi đầu tư vào đây là cơ sở hạ tầng tuyệt vời như sân bay, cảng và đường tiếp giáp với khu công nghệ cao”.
Năm 2020, kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng âm 9,7%, được xem như một “khoảng lặng” để Đà Nẵng bình tĩnh nhìn lại mình và chuẩn bị cho những bước đi mới, bền vững hơn. Đà Nẵng đã chọn chủ đề của năm 2021 là “Năm khôi phục tăng trưởng và đẩy mạnh phát triển kinh tế” với quyết tâm thực hiện tốt “mục tiêu kép”, sớm phục hồi tăng trưởng kinh tế. Ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong năm 2021, thành phố tiếp tục rà soát điều chỉnh và ban hành các cơ chế chính sách để cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tập trung nguồn lực cho xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút mạnh sự đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn. “Thành phố sẽ đưa ra những giải pháp thực hiện tốt việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và các cơ chế, chính sách đặc thù gắn với thực hiện Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương thực hiện các quy định thực hiện cơ chế chính sách đặc thù được quy định tại Nghị quyết 119 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là trên lĩnh vực quy hoạch. Phấn đấu hoàn thành các quy định này trong năm 2021 và triển khai các cơ chế chính sách, các giải pháp thực sự đột phá nhằm tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện nay, để sớm khôi phục phát triển kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân”, ông Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.
Dịp lễ Giáng sinh và chào đón năm mới 2021, lượng khách du lịch đặt tour và dịch vụ trải nghiệm tại Đà Nẵng có xu hướng tăng mạnh. Thành phố sôi động trở lại như chưa từng xảy ra thiên tai, dịch họa.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Đà Nẵng cho biết, cộng đồng dân cư ở Đà Nẵng là cộng đồng dân cư mới, trong 700 năm hình thành và phát triển, vùng đất này từng chứng kiến, gánh chịu nhiều thiên tai, địch họa nên con người Đà Nẵng không bị dao động mà sẵn sàng nắm tay nhau vượt qua bão giông. Sự đóng góp, hy sinh của người dân đã làm nên thương hiệu của thành phố. Mặc dù chưa có một văn bản chính thức nhưng thương hiệu “thành phố đáng sống” đã hiện hữu, dần đi vào lòng người. Vì vậy, mỗi người dân thành phố cũng thấy được trách nhiệm của họ đối với thành phố để giữ gìn và phát huy thành quả trước đây của thành phố.
Đi qua một năm giông bão, hết đại dịch đến thiên tai dồn dập, người Đà Nẵng càng thấm thía câu hát “Có qua bao lận đận mới biết đâu biển cạn, đâu là dòng sông sâu”. Những ngày mưa bão não nề, ảm đạm rồi cũng qua đi. Năm mới mang theo nhiều tín hiệu an lành và người Đà Nẵng kỳ vọng về một tương lai tươi sáng trên quê hương mình./.