Cuộc đua trị giá hàng tỷ USD thắp lên hy vọng chấm dứt đại dịch Covid-19

Hoàng Phạm/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Với dịch SARS, phải mất 323 ngày kể từ khi bùng phát dịch bệnh, vaccine mới bắt đầu được thử nghiệm trên người, với dịch Ebola là 164 ngày, dịch cúm H1N1 là 89 ngày, còn với đại dịch Covid-19 chỉ mất 67 ngày.

Cuộc đua “thần tốc” trị giá hàng tỷ USD

Bốn năm là khoảng thời gian loại vaccine nhanh nhất được phát triển - vaccine ngừa quai bị đang được sử dụng ngày nay. Hầu hết các loại vaccine khác đều mất từ 10-15 năm. Nhưng với đại dịch Covid-19, các nhà khoa học hy vọng có thể tạo ra kỳ tích với ít nhất một loại vaccine được phát triển trong vòng 1 năm.

Ngay từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu ảnh hưởng tới tất cả các khu vực trên thế giới, các nhà khoa học đã bắt tay vào một cuộc chạy đua để có thể cho ra đời một loại vaccine sớm nhất có thể.

Khi đó, hàng chục nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới đều kỳ vọng có thể chỉ mất 1 năm để phát triển và điều chế ra vaccine ngừa Covid-19, bằng cách kết hợp các kỹ thuật đã có và những công nghệ mới.

Hàng tỷ USD từ khắp nơi trên thế giới đổ vào các công trình nghiên cứu và chế tạo vaccine Covid-19 nhằm tạo ra lá chắn trước đại dịch toàn cầu. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu là những nhà đầu tư nhiều nhất.

1,6 tỷ USD là số tiền lớn nhất mà chiến dịch “Operation Warp Speed” – hay còn gọi là “Chiến dịch thần tốc” của Mỹ tài trợ cho một công ty độc lập để phát triển và sản xuất vaccine Covid-19. Ngoài ra vẫn còn rất nhiều hợp đồng khác tiêu tốn “hàng núi tiền” của chính phủ Mỹ, chỉ để đảm bảo có đủ vaccine cho người dân ở vùng dịch lớn nhất thế giới hiện nay.

Từ đầu năm 2020, Ủy ban châu Âu cũng đã bắt đầu các chương trình tài trợ rộng rãi cho nghiên cứu và phát triển vaccine và đã cam kết chi 350 triệu euro (khoảng 412 triệu USD) nhằm “chặn đứng” virus SARS-CoV-2 nguy hiểm.

Theo chương trình nghiên cứu và đổi mới, được gọi là “Horizon 2020” và với sự trợ giúp tài chính từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu, các khoản vay cũng được thiết lập để hỗ trợ các nỗ lực sản xuất vaccine.

EU đã đầu tư cho Công ty công nghệ sinh học Curevac của Đức 75 triệu euro và 100 triệu euro cho BioNTech, một công ty khác của Đức để thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine trên người.

Theo CNN thống kê tính đến tháng 8/2020, Mỹ đã chi 10,8 tỷ USD còn EU đầu tư 3,5 tỷ USD vào việc nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19.

Trung Quốc, nước ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên trên thế giới, cũng không nằm ngoài cuộc đua vaccine.

Trung Quốc có lịch sử chuyên môn về phát triển và sản xuất vaccine ngắn hơn so với Mỹ và châu Âu, nhưng quy mô lại tương đương. Theo CNN, Trung Quốc là nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ vaccine lớn nhất thế giới và có thể cung cấp hơn 1 tỷ liều vaccine mỗi năm từ 40 nhà sản xuất trên toàn quốc.

Trong số 29 loại vaccine hiện đang được thử nghiệm trên người trên toàn cầu, 9 loại đến từ Trung Quốc - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào. 3 trong số 6 ứng viên vaccine trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng được phát triển bởi các công ty Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm.

Các nhà khoa học hy vọng vaccine sẽ có thể bắt đầu được bán ra thị trường từ đầu năm 2021. Để làm được điều đó, quá trình phát triển đã được đẩy nhanh một cách thần kỳ.

Những ứng cử viên chạm đích đầu tiên

Theo nguyên tắc, một loại vaccine phải trải qua nhiều giai đoạn trước khi được bật đèn xanh để sử dụng. Sau giai đoạn nghiên cứu và phát triển ban đầu là một loạt các thử nghiệm tiền lâm sàng và lâm sàng (bao gồm 3 giai đoạn), và thông thường mỗi bước có thể mất 2 năm hoặc nhiều hơn để hoàn thành. Nhưng trong cuộc chạy đua để ngăn chặn dịch Covid-19, một số bước trong số đó đang được rút ngắn, kết hợp hoặc bỏ qua để tăng tốc.

Ngày 18/11, công ty dược phẩm Mỹ Pfizer cùng đối tác BioNTech của của Đức là đơn vị đầu tiên trên thế giới công bố toàn bộ dữ liệu thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn cuối.

Anh là nước đầu tiên trên thế giới cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine Pfizer/BioNTech ngày 3/12, tiếp theo là Canada ngày 9/12 và Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) ngày 11/12.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) sẽ hoàn tất quy trình đánh giá vào 29/12. Điều này khiến Pfizer/BioNTech giữ vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vaccine Covid-19 trên thế giới.

Công ty dược phẩm Moderna của Mỹ giữ vị trí thứ hai sau khi công bố đầy đủ phân tích dữ liệu thử nghiệm giai đoạn cuối hôm 30/11, cho thấy vaccine có hiệu quả 94,1%. FDA ngày 18/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 của Moderna.

Ngoài ra, AstraZeneca của Anh cũng đang nộp đơn xin cấp phép sử dụng sau khi công bố dữ liệu thử nghiệm sơ bộ giai đoạn cuối vào 23/11. Vaccine của AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả trung bình 70% và cao nhất là 90% đối với một nhóm nhỏ những người tham gia thử nghiệm được tiêm lần đầu nửa liều và lần sau đủ liều.

Dù vaccine của Pfizer là loại được triển khai trên diện rộng đầu tiên sau khi công bố đầy đủ dữ liệu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, nhưng Nga và Trung Quốc đã tiêm chủng cho người dân trong nước từ nhiều tháng trước, khi các loại vaccine này vẫn còn chưa hoàn tất quá trình thử nghiệm cuối cùng.

Nga bắt đầu tiêm chủng cho người dân từ tháng 8/2020. Mới đây, nước này cho biết, kết quả sơ bộ thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy, vaccine Sputnik V do Viện Gamaleya phát triển có hiệu quả 91,4%.

Trong khi đó, Trung Quốc đã cho phép sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa Covid-19 từ tháng 7 cho những người làm việc trong ngành nghề thiết yếu và có nguy cơ lây nhiễm cao. Đến giữa tháng 11/2020, Trung Quốc đã tiêm chủng cho khoảng 1 triệu người với 3 loại vaccine.

Những nước nghèo có nguy cơ bị bỏ lại trong cuộc đua

Khi các loại vaccine Covid-19 đang tiến gần tới “vạch đích” được cấp phép sử dụng, thì một cuộc cạnh tranh khốc liệt khác lại mở ra giữa các nước trên thế giới để giành những liều vaccine đầu tiên. Đó là điều mà các tổ chức y tế trên toàn cầu lo ngại sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch về cơ chế thu mua số lượng lớn và phân phối công bằng loại vaccine này trên thế giới.

“Tất cả các nước đều có mong muốn chính đáng là làm tất cả mọi điều có thể để bảo vệ người dân của mình. Nhưng có một nguy cơ thực sự đang hiện hữu: những nước nghèo nhất, dễ bị tác động nhất bởi đại dịch lại đang bị ‘giẫm đạp’ trong đám đông tranh giành vaccine”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo tháng 11/2020.

Theo Liên minh Vaccine của Mọi người (liên minh gồm các tổ chức Ân xá Quốc tế, Frontline AIDS, Global Justice Now và Oxfam), 9 trên 10 người ở 70 quốc gia có thu nhập thấp sẽ không được tiêm vaccine Covid-19 vì các nước giàu đã mua hết phần lớn những liều vaccine sắp được sản xuất.

Các nước giàu đã mua hơn 53% số liều vaccine sắp được sản xuất, trong khi chỉ chiếm 14% dân số thế giới.

96% số liều vaccine của Pfizer/BioNTech đã được các nước phương Tây mua lại. Vaccine của Moderna, loại sử dụng cùng công nghệ và có hiệu quả tương đương vaccine của Pfizer/BioNTech, cũng thuộc về các nước giàu.

Canada là quốc gia mua vượt số liều vaccine trên đầu người nhiều nhất. Nước này đã mua số vaccine đủ để tiêm phòng cho mỗi người dân đến 5 lần. Trong khi đó, những nước như Kenya, Myanmar, Nigeria, Pakistan và Ukraine có hơn 1,4 triệu ca mắc Covid-19 (theo thống kê của Đại học Johns Hopkins tính đến đầu tháng 12), nhưng họ sẽ chỉ có thể tiếp cận vaccine Covid-19 thông qua cơ chế COVAX.

Các vaccine ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech và Moderna đều có giá cao và đòi hỏi phải bảo quản ở nhiệt độ rất thấp. Vì vậy, việc phân phối đến các nước thu nhập thấp sẽ là một nhiệm vụ vô cùng phức tạp.

Vaccine của Đại học Oxford/AstraZeneca có thể được trữ trong tủ lạnh thông thường. Loại vaccine này hiệu quả 70% và cũng có giá ở mức thấp hơn. Nhà sản xuất vaccine Oxford/AstraZeneca cho biết 64% số liều sẽ được chuyển đến các nước đang phát triển.

Tuy nhiên, một công ty không thể cung cấp cho toàn bộ thế giới. Theo Guardian, vaccine của Oxford/AstraZeneca chỉ có thể phân phối cho tối đa 18% dân số thế giới vào năm 2021.

“Quyền được tiêm vaccine của mỗi người không nên phụ thuộc vào số tiền người đó có hoặc quốc gia người đó đang sống. Nếu điều này không thay đổi, hàng tỷ người trên thế giới sẽ không được tiêm vaccine Covid-19 hiệu quả và an toàn trong nhiều năm tới”, Anna Marriott, Giám đốc Chính sách Y tế của Oxfam, cho biết.

Vaccine không phải là “viên đạn bạc”

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, thế giới có thể bắt đầu “mơ” về việc chấm dứt đại dịch Covid-19 khi các kết quả thử nghiệm vaccine đều rất hứa hẹn.

Các nhóm có nguy cơ cao ở tất cả các nước có thể sẽ được tiêm vaccine Covid-19 vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, vaccine không phải là “viên đạn bạc” trong việc giải quyết đại dịch toàn cầu.

Takeshi Kasai, Giám đốc WHO phụ trách Tây Thái Bình Dương nói rằng việc phân phối vaccine cho hầu hết các khu vực có thể thực hiện được từ giữa đến cuối năm 2021, nhưng vaccine ban đầu sẽ chỉ có số lượng hạn chế và cũng chỉ ưu tiên cho những nhóm có nguy cơ cao.

Ông Kasai nói rằng thông tin triển khai sớm vaccine ở Anh và Mỹ là “rất hứa hẹn”, nhưng ông cũng thận trọng rằng việc phát triển vaccine an toàn sẽ khác với việc sản xuất số lượng đủ lớn để phân phối tới được tất cả mọi người.

“Đã có ánh sáng cuối đường hầm, nhưng những loại vaccine hiện nay không phải là viên đạn bạc chấm dứt đại dịch trong tương lai gần. Điều đó đồng nghĩa với việc, dù mệt mỏi với đại dịch này, nhưng chúng ta vẫn phải có những hành động để bảo vệ không chỉ chính chúng ta mà còn cả những người xung quanh: rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người có nguy cơ lây nhiễm bệnh”./.

Tin cùng chuyên mục