Chính trường Mỹ năm 2021: Tương lai của Trump, thách thức của Biden và Quốc hội

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Chia sẻ

VOV.VN - Sau một năm với vô số bất ngờ và những bước ngoặt về chính trị, năm 2021 là một năm với những thay đổi đáng kể của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng ngày 20/1 và để lại phía sau một đảng Cộng hòa đang tìm cách tiến về phía trước dù có hay không có ông là trung tâm của sự chú ý.

Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ lại tham gia vào chính trường Mỹ nhưng sau những năm chính trường Mỹ chia rẽ sâu sắc về đảng phái và quan điểm chính trị, ông Biden không chỉ đối mặt với sự phản kháng từ đảng Cộng hòa mà còn trong chính đảng Dân chủ của ông.

Dưới đây là 4 điều đáng chú ý trong chính trường Mỹ năm 2021:

100 ngày đầu tiên của ông Biden

Với bất kỳ chính quyền mới nào, mọi sự chú ý đều tập trung vào những điều được hoàn thành trong 100 ngày đầu tiên của tân Tổng thống. Ông Biden đã vạch ra một kế hoạch đầy tham vọng, đảo ngược các chính sách của người tiền nhiệm là Tổng thống Donald Trump, đặc biệt là việc đối phó với đại dịch Covid-19.

Ông Joe Biden cho biết, ông sẽ yêu cầu người dân Mỹ đeo khẩu trang sau khi ông nhậm chức tổng thống ngày 20/1.

"Chỉ 100 ngày đeo khẩu trang chứ không phải là mãi mãi. 100 ngày", ông Biden nhận định với CNN ngày 3/12. Một vài ngày sau, ông Biden khẳng định ông và đội ngũ y tế sẽ đưa "ít nhất 100 triệu liều vaccine Covid-19 đến tay người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên" và sẽ "nỗ lực để đa số trường học của chúng ta có thể mở cửa trở lại vào những ngày cuối trong 100 ngày đầu tiên của tôi".

Ông Biden cũng tuyên bố ông sẽ tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới bởi trước đó, ông Trump đã rút khỏi tổ chức này hồi tháng 6/2020.

Về chính sách đối ngoại, ông Biden đã nhiều lần cho rằng chính sách "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump là "chuyện của quá khứ" và khẳng định sẽ xây dựng lại các liên minh đã lung lay dưới thời Tổng thống Trump.

Ông Biden cũng cam kết sẽ tham gia lại Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống. Ông Trump đã rút khỏi thỏa thuận này vào năm 2017. Tổng thống đắc cử được cho là sẽ đảo ngược nhiều quyết định của ông Trump về môi trường cũng như nhập cư.

"Vào ngày đầu tiên, tôi sẽ chấm dứt lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh - một quyết định vi phạm hiến pháp mà ông Trump đưa ra", ông Biden nhận định với nhóm cử tri Hồi giáo hồi tháng 10/2020. Cũng trong danh sách về những động thái đảo ngược chính sách của Trump liên quan đến vấn đề nhập cư, ông Biden cho biết, ông sẽ chấm dứt việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp nhằm chuyển hướng nguồn ngân sách xây dựng bức tường biên giới ở phía nam nước Mỹ, khôi phục lại việc bảo vệ cho những trẻ em được đưa tới Mỹ một cách bất hợp pháp và chấm dứt các đạo luật về tị nạn nghiêm khắc dưới thời Tổng thống Trump.

Ngoài ra, ông Biden và đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cũng đề xuất thêm các gói hỗ trợ kích thích kinh tế trong đại dịch Covid-19, cố gắng đảo ngược chính sách cắt giảm thuế của ông Trump, mở rộng Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền (Affordable Care Act, ACA) hay Obamacare và thúc đẩy những cải cách về tư pháp.

Những điều xảy ra ở Quốc hội

Đảng Dân chủ sẽ kiểm soát Nhà Trắng, Hạ viện và có thể là Thượng viện sau ngày 20/1 nhưng điều đó không có nghĩa là mọi việc đều "thuận buồm xuôi gió", bất chấp việc ông Biden lạc quan rằng ông có thể khôi phục sự đoàn kết lưỡng đảng ở Washington.

Thậm chí nếu đảng Dân chủ giành được cả 2 ghế trong cuộc đua ở Georgia ngày 5/1, dẫn đến thế hòa 50 - 50 ở Thượng viện và lá phiếu phá thế hòa của Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris thì đảng Dân chủ vẫn chỉ có thể kiểm soát lưỡng viện Mỹ với tỷ lệ cách biệt sít sao. Điều này sẽ dẫn đến các dự luật không dễ được thông qua.

Một Thượng viện với tỷ lệ 50 - 50 sẽ khiến cho bất kỳ thành viên đảng Dân chủ nào cũng có quyền lực để làm chệch hướng các quyết định mang tính đảng phái. Ngoài ra, tình hình này khiến cho ông Biden và các lãnh đạo đảng Dân chủ phải lôi kéo sự ủng hộ từ một số thành viên đảng Cộng hòa để thông qua bất kỳ dự luật nào, hay ít nhất là đảm bảo tất cả 50 thành viên đảng Dân chủ sẽ bỏ phiếu cho họ. Khi các thượng nghị sĩ bảo thủ như thượng nghị sĩ Elizabeth Warren và Bernie Sanders không đồng quan điểm với các thành viên đảng Dân chủ cấp tiến thì việc đảm bảo tất cả 50 thành viên đảng Dân chủ nhất trí lập trường về các vấn đề không phải việc dễ dàng.

Bên cạnh đó, việc đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện với tỷ lệ sít sao và đặt trong bối cảnh sự chia rẽ sâu sắc về đảng phái hiện nay, việc thông qua bất kỳ quyết định nào ở Quốc hội đều có nguy cơ lớn rơi vào bế tắc hoặc ít nhất, một Quốc hội như vậy sẽ không thể đạt được bất kỳ quyết định lập pháp đột phá nào.

Một điểm quan trọng khác đáng chú ý ảnh hưởng đến những diễn biến năm 2021 là các thành viên của Quốc hội sẽ được bầu lại năm 2022, trong đó có Hạ viện và 1/3 Thượng viện.

Sự phản kháng trong đảng Dân chủ

Một vấn đề quan trọng với đảng Dân chủ là họ vẫn chưa quyết định hướng chính sách mà họ muốn theo đuổi. Trong khi những thành viên trẻ với quan điểm cấp tiến ngày càng gia tăng về số lượng và có tiếng nói hơn sau cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2018 thì họ cũng đang cố gắng khiến đảng Dân chủ thiên về cực tả hơn. Tuy nhiên, với những tổn thất đáng kể ở những quận chiến địa trong cuộc đua vào Hạ viện cũng như việc hơn 200 hạt Tổng thống Obama chiến thắng ngả về phía Tổng thống Trump năm 2016 và 2020, những người theo quan điểm ôn hòa trong đảng Dân chủ đang đổ lỗi cho những người theo quan điểm cấp tiến về việc xa rời các cử tri ôn hòa.

Những cuộc chiến như vậy đã diễn ra trong cuộc bầu cử sơ bộ và đang tiếp diễn trong suốt quá trình chuyển giao của ông Biden khi những người có quan điểm cấp tiến chỉ trích các lãnh đạo đảng Dân chủ bảo thủ.

"Để đảng Dân chủ đi tới thành công, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và phần còn lại của giới lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội phải nhìn nhận rõ về những thất bại của họ. Thậm chí trong khi chúng ta ăn mừng chiến thắng lịch sử của Tổng thống đắc cử Joe Biden thì họ cũng phải chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm trong kết quả bỏ phiếu đáng thất vọng này", liên minh nhóm cấp tiếp của đảng Dân chủ viết trong một bản ghi nhớ hậu bầu cử tháng 11.

Các thành viên đảng Dân chủ ôn hòa cho rằng sự kiên quyết của nhóm cấp tiến với những chính sách không phổ biến như "ngừng cấp ngân sách cho cảnh sát" và Chính sách Kinh tế Xanh mới, không chỉ đang khiến các cử tri ôn hòa quay lưng mà còn khiến đảng Dân chủ dễ dàng trở thành mục tiêu chính trị của đảng Cộng hòa.

"Chúng ta phải cam kết rằng sẽ không nói lại những từ như "dừng cấp ngân sách cho cảnh sát", nghị sĩ Abigail Spanberger, người vừa giành chiến thắng với cách biệt sít sao trong cuộc bầu cử vào Hạ viện hồi tháng 11/2020 cho hay.

Cuộc chiến giữa phe cấp tiến và phe ôn hòa trong đảng Dân chủ có thể còn tiếp diễn và gia tăng trong nhiệm kỳ của ông Biden. Điều đó khiến cho một số chính sách sẽ rơi vào thế bế tắc ngay từ chính đảng Dân chủ, chứ chưa nói tới những tranh cãi giữa 2 đảng Dân chủ - Cộng hòa.

Tương lai chính trị của Trump và đảng Cộng hòa

Trong khi cuộc chiến chính trị trong nội bộ đảng Dân chủ có thể ảnh hưởng đến việc thông qua chính sách và những điều có thể hoàn thành trong năm 2021 thì cuộc chiến chính trị của đảng Cộng hòa sẽ quyết định tương lai của họ và việc ai sẽ là những nhà lãnh đạo đầu tàu đưa đảng này đi xa hơn.

Chắc chắn, sự tập trung trước mắt là những việc Tổng thống Trump sẽ làm khi ông rời nhiệm sở và cách thức ông tiếp tục tham gia vào chính trị. Nếu ông Trump vẫn là trung tâm của đảng Cộng hòa, đặc biệt nếu ông thông báo sẽ ra tranh cử năm 2024, thì điều đó có thể là nhân tố then chốt quyết định hướng đi của đảng Cộng hòa, nhất là khi xem xét tới việc ông Trump vẫn là một nhân vật được các cử tri vô cùng yêu thích./.

Tin cùng chuyên mục