Bữa cơm mùa dịch Covid-19

Kiều Tuyết/VOV2
Chia sẻ

VOV.VN - Đang mỗi ngày chỉ lo một bữa tối hoặc cùng lắm là bữa sáng nhanh gọn, giờ phải chuẩn bị 3 bữa ăn chu tất, dinh dưỡng phải cân bằng, hương vị phải phong phú, bữa sáng phải khác bữa trưa… quả thực là khó!

Nghỉ dịch, bữa ăn được chú ý và mong đợi nhiều hơn, nên sự đánh giá có phần khắt khe hơn. Trẻ con ở nhà ít vận động, đến bữa chính rất khó ăn, có nấu ngon cũng chỉ ăn nhỏm nhẻm. Người cao tuổi ăn uống chẳng được bao nhiêu, lại càng cần phải chăm chút. Mà có phải mình việc nấu nướng ăn uống đâu, bố mẹ vẫn phải lo việc cơ quan, rồi còn quán xuyến con học hành…

Thêm vào đó, bất kỳ một trạng thái không thoải mái nào về cảm xúc đều bất lợi cho sức khỏe, ảnh hưởng không tốt đến khả năng phòng chống dịch bệnh của mỗi người.

Theo giới chuyên gia, để không đau đầu với thực đơn ngày dịch, trước hết, các “bếp trưởng” cần giải phóng mình khỏi các áp lực tự thân. Duy trì được đều đặn bữa ăn với đủ thành phần dinh dưỡng là tốt rồi. Đôi khi nhiều món quá lại loãng vị, không thấy ngon bằng chỉ tập trung một vài món chính. Lên thực đơn cho mấy ngày liền và đi chợ luôn một thể sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm thời gian, giảm tần suất tiếp xúc, vừa không phải lo ăn từng bữa.

Đồ ăn vặt quá nhiều, bữa phụ quá đầy đặn sẽ ảnh hưởng bữa chính. Vận động quá ít thì bụng không đói, miệng không thấy thèm ăn… Khắc phục các yếu tố này, bữa ăn chính sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn.

Trước khi ăn bằng miệng, chúng ta ăn bằng “mắt”, bằng “tai”. Nếu vợ chồng con cái cáu bẳn và căng thẳng với nhau thì mâm cao cỗ đầy cũng thành vô vị. Vì thế, đừng quên yếu tố quan trọng hàng đầu để có bữa ăn ngon miệng là không khí gia đình vui vẻ, an yên./.

Tin cùng chuyên mục