Bác sĩ tình nguyện ở lại bệnh viện đón Tết

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung
Chia sẻ

VOV.VN - Tết là lúc mọi người sum họp bên gia đình và người thân. Thế nhưng năm nay, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều y, bác sĩ đã tình nguyện ở lại bệnh viện đón Tết cùng người bệnh, sẵn sàng lên đường hỗ trợ cho các tỉnh bạn phòng chống dịch Covid-19.

17 năm thực hiện sứ mệnh cứu người, năm nào bác sĩ Nguyễn Tiến Hưng, Phó Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đà Nẵng cũng trực Tết, trong đó, có 8 năm trực Giao thừa ở bệnh viện. Có những đêm Giao thừa phải cấp cứu nhiều ca tai nạn giao thông nặng do uống rượu bia, ranh giới giữa sự sống và cái chết rất mong manh. Bác sĩ Hưng kể, không ít lần sau ca cấp cứu căng thẳng, ngẩng lên đã qua thời khắc Giao thừa. Tết năm nay, bác sĩ Hưng cùng đồng nghiệp tiếp tục ở lại bệnh viện trực cấp cứu bệnh nhân.

 “Năm nay, theo lệnh của Giám đốc, trực Tết tại chỗ cũng thiệt thòi. Tết là dịp gia đình đoàn tụ nhưng do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp thì cũng hy sinh lợi ích cá nhân để chống dịch hiệu quả. Trong quá trình trực Tết cũng có nỗi buồn riêng. Có gia đình ở xa nhớ vợ, nhớ con cũng nén lại. Khoa Khám bệnh cũng như Khoa Cấp cứu luôn trong tinh thần sẵn sàng”.

Diễn biến dịch Covid-19 đang rất phức tạp, lãnh đạo các cơ sở y tế ở thành phố Đà Nẵng quán triệt đến tất cả cán bộ, bác sĩ, y tá, nhân viên... ăn Tết tại chỗ, không được di chuyển khỏi thành phố. Thấm thía những gì đã trải qua, sau đợt dịch Covid-19 lần thứ 2, các bệnh viện ở Đà Nẵng thực hiện việc chăm sóc bệnh nhân toàn diện. Các bác sĩ, y tá, hộ lý đã phải thay mặt người nhà bệnh nhân chăm sóc từ họ từ miếng ăn, giấc ngủ đến vệ sinh cá nhân cũng như việc đi lại.

Chị Nguyễn Thị Quỳ, y tá Khoa Nội Thần kinh Cơ xương khớp, Bệnh viện C Đà Nẵng tâm sự, quê chị ở tỉnh Hà Nam, nhiều năm qua chị chưa có dịp về thăm người thân, họ hàng. Năm nay, dù 2 mẹ con đã mua vé tàu về quê đón Tết nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Quỳ quyết định ở lại bệnh viện cùng đồng nghiệp.

“Mặc dù có một chút chạnh lòng nhớ quê, nhớ mẹ nhưng vì việc chung của xã hội, của đất nước nên chúng tôi ở lại trực chiến. Tất cả bệnh nhân vào điều trị đều được chúng tôi chăm sóc, từ ăn uống, tắm giặt gội đầu, hỗ trợ bệnh nhân... Công việc áp lực hơn trước đây rất nhiều nhưng vì tình hình dịch bệnh, chúng tôi đều đồng lòng đoàn kết, chăm sóc bệnh nhân tận tình chu đáo”.

Hơn một năm chống chọi với căn bệnh ung thư máu giai đoạn cuối, chị Nguyễn Thị Lệ, quê ở thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định thấm thía nỗi buồn thiếu người thân khi phải “ăn” Tết ở bệnh viện. Bệnh nhân khỏe hơn đều về quê, còn chị ở lại trong nỗi trống vắng đến nao lòng. Chị Lệ tâm sự, cũng may dù không có người thân bên cạnh nhưng mình và nhiều người khác vẫn được các y tá chăm sóc nhiệt tình, lo lắng từng bữa ăn, giấc ngủ.

“Tết mà không về quê được thì cũng rất buồn. Do diễn biến dịch Covid-19 nên hạn chế đi lại. Tình hình dịch nên người nhà không vào thăm được. Ở đây bác sĩ, y tá rất nhiệt tình, từ miếng ăn, giấc ngủ. Tết không về được nhớ nhà, nhớ con lắm... nhưng đội ngũ y bác sĩ ở đây rất nhiệt tình cho nên chúng tôi cũng được an ủi phần nào”, chị Lệ nói.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, lãnh đạo bệnh viện đã quán triệt toàn thể cán bộ, nhân viên nghỉ Tết tại chỗ, không rời khỏi thành phố Đà Nẵng. Đồng thời, sẵn sàng tinh thần khi cần sẽ điều động, tăng cường chi viện phòng chống dịch cho các tỉnh bạn.

Để có một cái Tết an toàn, Bệnh viện Đà Nẵng đã lên kế hoạch tăng cường nhân lực, đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tại chỗ 24/24 giờ; chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, vật tư y tế đáp ứng mọi yêu cầu khi có trường hợp khẩn cấp xảy ra.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung cho biết, những bệnh nhân nghèo điều trị tại bệnh viện trong những ngày Tết cũng được hỗ trợ bữa ăn. Ngoài ra, các tổ chức từ thiện, nhà hảo tâm đều quan tâm tặng quà Tết cho bệnh nhân.

“Năm nay khác tất cả các năm, bên cạnh trực Tết, tất cả phải chăm sóc toàn diện, cán bộ y tế phải làm việc nhiều hơn so với những Tết năm trước. Nhân lực vẫn y như vậy nhưng phải thêm công suất để chăm sóc bệnh nhân. Do dịch bệnh nên bệnh viện kiểm soát nghiêm ngặt, người nhà không được vào chăm sóc. Cực nhọc hơn nhiều so với năm trước nhưng toàn thể cán bộ nhân viên bệnh viện không nề hà đảm bảo công tác chống dịch. Tập thể Bệnh viện Đà Nẵng sẵn sàng trong tư thế 24/24”, bác sĩ Nguyễn Thành Trung cho hay./.

Tin cùng chuyên mục