3 thách thức “không thể chậm trễ” chính quyền Biden phải giải quyết

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Chia sẻ

VOV.VN - Với những biến động chưa từng có tiền lệ và sự định hình lại các mối quan hệ, chính quyền ông Biden sẽ phải giải quyết 3 thách thức quan trọng để duy trì vị thế của nước Mỹ như một nhà lãnh đạo toàn cầu.

Chính quyền của ông Biden có thể đi vào lịch sử nếu tăng cường được vị thế của Mỹ như một nhà lãnh đạo toàn cầu trong việc duy trì và mở rộng trật tự thế giới tự do.

Để có thể vượt lên những thách thức hiện nay, ông Biden sẽ phải giải quyết 3 vấn đề quan trọng với nước Mỹ cũng như trật tự thế giới gồm: Covid-19, chính sách đối ngoại tập trung vào Trung Quốc và thương mại quốc tế.

Ứng phó với Covid-19: Con đường đi tới sự ổn định trong nước

Câu nói của Tổng thống  John F. Kennedy có lẽ là sự miêu tả phù hợp nhất cho thách thức mà Mỹ đang đối mặt trong thế giới ngày nay: “Một quốc gia không thể phát triển ở bên ngoài mạnh hơn là ở trong nước". Thất bại trong việc ứng phó với cuộc khủng hoảng Covid-19 không chỉ gây nên sự hỗn loạn bên trong nước Mỹ mà còn làm ảnh hưởng đến hình ảnh của quốc gia này trên thế giới. Theo thống kê hiện nay từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), gần 20% số ca tử vong và số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là ở Mỹ trong khi nước này chỉ chiếm khoảng 4% dân số thế giới.

Trước khi xem xét đến các chính sách đối ngoại, tình hình hiện nay khiến chính quyền mới ở Mỹ phải đặt các vấn đề về chính sách đối nội như là một trong những ưu tiên hàng đầu. Để ổn định chính trị trong nước, ông Joe Biden sẽ phải lãnh đạo nước Mỹ chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh Covid-19.

Ông Biden đã cho thấy ý định sẽ biến việc đeo khẩu trang trở thành quy định bắt buộc ở Mỹ. Mặc dù việc đeo khẩu trang không phải được thông qua từ sắc lệnh của riêng Tổng thống nhưng ông Biden có thể sử dụng quyền lực chính trị của mình để yêu cầu thống đốc các bang quy định đeo khẩu trang bắt buộc

Chính trị hóa việc đeo khẩu trang ở Mỹ ở thể dẫn đến một kiểu "nội chiến", nhưng ngay cả khi đó là cuộc chiến thì ông Biden cũng sẽ phải giành chiến thắng.

Ngoài ra, dường như người Mỹ chưa nhận thức được rằng việc không thể đối phó với dịch Covid-19 sẽ phá hủy vị thế của Mỹ trên thế giới. Mặc dù nền kinh tế nước này đang hồi phục nhưng nó có thể rơi vào suy thoái nếu Mỹ không ngăn chặn được dịch bệnh hiện nay.

Chính sách đối ngoại: Cạnh tranh cùng tồn tại với Trung Quốc

Trong khi chính quyền ông Biden chuẩn bị lãnh đạo Nhà Trắng, chính quyền này sẽ phải tích lũy dần những kinh nghiệm về chính sách đối ngoại, đặc biệt là việc xem xét những bài học từ sai lầm của các chính quyền Tổng thống Obama và Tổng thống Trump. Thách thức lớn nhất hiện nay sẽ là làm thế nào để giải quyết mối quan hệ với Trung Quốc

Điều quan trọng với chính sách đối ngoại của chính quyền mới là sự nhất trí của lưỡng đảng trong chiến lược với Trung Quốc. Tuy nhiên, may mắn là điều này có thể thực hiện được bởi bất chấp sự chia rẽ sâu sắc hiện nay trong cả 2 đảng của Mỹ, dường như đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều thừa nhận rằng Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu với các lợi ích của Mỹ.

Trung tâm của chính sách trên tập trung vào việc vừa cạnh tranh vừa cùng tồn tại. Cạnh tranh cùng tồn tại đặt sự cạnh tranh lên hàng đầu và ở vị trí trung tâm, thừa nhận rằng Mỹ phải kiềm chế sự chi phối đơn phương của Trung Quốc trong những lĩnh vực như kinh tế, công nghệ và quản trị toàn cầu. Trên thực tế, theo nhà quan sát Yoichi Funabashi nhận định trên National Interest, nếu muốn cùng tồn tại với Trung Quốc thì phải cạnh tranh với quốc gia này.

Nói cách khác, chính quyền ông Biden phải thừa nhận rằng Mỹ sẽ đối mặt với sự cạnh tranh quyền lực không thể tránh khỏi với Trung Quốc.

Có 3 lĩnh vực cụ thể trong chiến lược cạnh tranh cùng tồn tại mà chính quyền ông Biden theo đuổi. Lĩnh vực thứ nhất là Mỹ phải tập trung vào an ninh hàng hải, đặc biệt trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nơi Bắc Kinh đang thách thức mạnh mẽ vị thế của Washington. Chiến lược dài hạn của Trung Quốc là chấm dứt sự hiện diện và ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Do đó, Mỹ sẽ phải đối phó nghiêm túc với thách thức này, không được xa rời hay xao lãng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Lĩnh vực thứ hai là địa kinh tế, đặc biệt là an ninh mạng. Mỹ phải thừa nhận một điều rằng nước này bị Trung Quốc bỏ lại phía sau trong những lĩnh vực quan trọng như AI và học máy (machine learning), vì thế, Washington phải nhanh chóng hành động để thu hẹp cách biệt này.

Cuối cùng, năng lượng xanh là lĩnh vực mà Mỹ có thể và nên hợp tác với Trung Quốc để ứng phó với thách thức từ sự ấm lên toàn cầu, cũng như những vấn đề chung khác như đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, thậm chí cả ở lĩnh vực này, chính quyền ông Biden cũng được cho là sẽ đặt chính sách hợp tác với Trung Quốc trên nguyên tắc cạnh tranh cùng tồn tại.

Thách thức thương mại

Thách thức lớn nhất mà chính quyền ông Biden đối mặt sẽ là vấn đề thương mại. Cho tới nay, chính quyền Mỹ mới dường như sẽ chấp nhận một chính sách tương tự như "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump với kế hoạch thắt chặt các yêu cầu "Mua hàng Mỹ" trong các quy trình của chính phủ liên bang.

Xưa nay đảng Dân chủ gồm không ít người theo chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, đảng này cũng nhận thấy cần phải cạnh tranh với xu hướng mới về chủ nghĩa bảo hộ của đảng Cộng hòa dưới thời ông Trump, đặc biệt là về thương mại. Điều này có thể khiến chính quyền Mỹ mới rơi vào thế bất lợi khi cạnh tranh với Trung Quốc, cũng như trong quá trình thúc đẩy mối quan hệ với châu Á, giữa bối cảnh thương mại chính là lĩnh vực mà Bắc Kinh đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng.

Cuối cùng, chính quyền ông Biden phải tránh tự rơi vào cái bẫy "Mọi thứ ngoại trừ Trump". Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do (FOIP). Tầm nhìn về FOIP phải được đào sâu hơn và thúc đẩy mạnh hơn mặc dù chiến lược này xuất hiện dưới thời ông Trump. Ngoài ra, chính quyền ông Biden cũng cần huy động sự ủng hộ từ những quốc gia cùng chí hướng tại Ấn Độ - Thái Dương để kiềm chế Trung Quốc và củng cố vị thể của Mỹ trong khu vực này./.

Tin cùng chuyên mục