Các cụ già xóm Bụi ở Hà Nội được tiêm đủ 2 mũi vaccine

Nguyễn Hà – Chung Thủy/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Các cụ già ở xóm Bụi phần lớn là những người cao tuổi, không người thân thích, sống chủ yếu bằng nghề lượm ve chai. Niềm vui của họ hiện tại là được tiêm đầy đủ 2 mũi vaccine Covid-19 cùng với những túi an sinh trong mùa dịch.

Nằm sâu trong con ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, ngay sát dưới chân cầu Long Biên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) là dãy nhà trọ lụp xụp, tối tăm của hàng chục lao động ngoại tỉnh nghèo. Nơi đây thường được mọi người gọi bằng cái tên “xóm Bụi” hay “khu ổ chuột”.

Trong số những người sống ở đây, ngoài những người trẻ, khỏe đang trong độ tuổi lao động, còn có những cụ già tuổi ngoài 60, 70 vẫn phải bươn chải, lam lũ, chạy ăn từng bữa. Trải qua đợt dịch Covid-19 thứ 4 bùng phát, cuộc sống của họ vốn đã khốn khó nay lại càng khó khăn. Vất vả là vậy, nhưng các cụ vẫn lạc quan và cảm thấy may mắn bởi trong suốt thời gian đó, họ nhận được sự quan tâm từ chính quyền, đoàn thể.

“Được tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19 là mừng lắm rồi”

Căn nhà trọ của bà Trần Thị Thìn (tên thường gọi là bà Ba, quê huyện Hải Hậu, Nam Định) và người con trai nằm ngay dưới chân cầu Long Biên. Ngôi nhà vỏn vẹn chỉ 10m2, trong nhà không có một món đồ nào đáng giá, đây là chỗ che mưa, che nắng của cả 2 mẹ con từ nhiều năm nay.

Con trai bà Thìn là anh Nguyễn Văn Bình (1985), dù khiếm khuyết về trí tuệ nhưng rất chịu khó và biết thương mẹ. Hàng ngày, anh Bình theo chân các cô chú công nhân môi trường đô thị đi hốt rác, nếu làm đủ ngày thì mỗi tháng nhận được 2 triệu đồng.

Còn bà Thìn, phần vì tuổi cao, phần vì mắc bệnh tim nên bà chỉ nhặt nhạnh chai lọ, giấy bìa, bao bì ở gần khu chợ Long Biên. Mỗi ngày, với việc bán phế liệu, bà cũng kiếm được 40.000-50.000 đồng.

Hai mẹ con bà Thìn chật vật mưu sinh tại đất Thủ đô đã ngót nghét gần 30 năm nay. Vượt qua nhiều khó khăn vất vả, nhưng với bà Thìn, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát chính là khoảng thời gian bà phải lo toan nhiều nhất.

Bà Thìn kể, trong thời gian dịch bệnh bùng phát, các buổi sáng, bà ra chợ phụ giúp tiểu thương rửa con tôm, con cá, họ cho gì thì lấy cái đó. Có khi họ cho con cá, bà mua thêm 10.000 dưa kho lên thế là xong bữa cho hai mẹ con. Buổi chiều, anh Bình đi hốt rác, bà tranh thủ cùng con đi lượm lặt ve chai, kiếm thêm được đồng nào, hay đồng ấy.

Thiếu thốn là vậy, nhưng đôi mắt bà ánh lên niềm hạnh phúc khi kể về những đợt nhận gạo cứu trợ, những suất cơm 0 đồng, những lá phiếu đi chợ 0 đồng từ địa phương, đoàn thể và các mạnh thường quân.

“Đợt dịch vừa qua, những người nghèo như tôi không bị bỏ đói. Chính quyền địa phương, các đoàn thể đã có chương trình hỗ trợ bà con nghèo. Dịch dã ai cũng khó khăn, nhưng mình được quan tâm, được người này, người kia tới thăm, cho cái nọ, cái kia, tôi vui lắm”, bà Thìn nói.

Không những thế, bà Thìn còn tỏ ra phấn khởi hơn khi cả 2 mẹ con bà cũng đã được tiêm đủi 2 mũi vaccine ngừa Covid-19. Với bà Thìn, được đi tiêm là mừng nhất, vui nhất. Như nhiều người khác, bà Thìn mong đại dịch sẽ qua mau để những người lao động nghèo như bà có thể yên tâm ra đường kiếm sống. 

“Mong trời cho sức khỏe để có thể nhặt được 2 - 3 túi phế liệu mỗi ngày”

Sống một mình trong căn nhà tuềnh toàng, bụi bặm, chứa đầy phế thải, chỉ rộng khoảng 9m2 ở xóm Bụi, bà Nguyễn Thị Khái (quê Yên Thế, Bắc Giang) cặm cụi mưu sinh với nghề nhặt ve chai.

Trong cái nắng hanh hao của mùa đông, bước vào căn nhà, mùi ẩm mốc của rác, phế thải và những vật dụng sinh hoạt cá nhân bốc lên nồng nặc. Không gian chật hẹp ấy được bà dùng làm nơi sinh hoạt, ngủ, nghỉ và cũng là nơi bà tận dụng để chứa tất cả những gì đã nhặt nhạnh được ngoài đường như chai lọ, bao bì ni lon, giấy vụn…

Nhìn quanh nhà một lượt, ngoài chiếc xe chở rác có giá hơn 200.000 đồng phục vụ cho công việc hàng ngày thì toàn bộ vật dụng còn lại chủ yếu được bà tái chế để sử dụng lại.

Bà Khái cho biết, bà lên Hà Nội sinh sống từ năm 2003. Những năm trước khi chưa thuê nhà trọ, bốt điện to tướng ở Cửa Nam chính là nơi bà dựng lều để ở qua ngày. Người dân sống quanh đó thấy bà nghèo khổ quá, nên có đồ ăn, thức uống gì lại mang cho bà.

Khi kiếm được một ít tiền, thuê được 1 căn phòng nhỏ che mưa, che nắng, bà Khái cảm thấy sung sướng lắm. Niềm vui của bà là sau những đêm dài “lặn lội” ở chợ Đồng Xuân, chợ Long Biên lượm nhặt ve chai thì đêm đến có một nơi được gọi là “nhà” để trở về. Căn phòng trọ hiện tại dù nhỏ, dù liêu xiêu nhưng được bà bảo vệ rất cẩn thận, đi đâu cũng khóa cửa thật chắc chắn, nhặt được những thứ gì còn có thể sử dụng được như chiếc gương, chiếc kệ nhỏ bà lại đưa về nhà “trang trí”.

Bà Khái khoe, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, bà đã tự trang bị đồ bảo hộ cho mình là chiếc khẩu trang, đôi tất tay cũ và chiếc áo khoác chống nắng cùng chiếc xe kéo tự chế để đi làm. Ngày nào cũng vậy, sáng sớm, bà đi nhặt nhạnh một lượt ở khu chợ Long Biên, gần 12h trưa về nhà, sau đó nấu cơm, nghỉ ngơi đến tối muộn bà lại đẩy xe qua chợ Đồng Xuân và các tuyến phố cổ đến 2 - 3h sáng mới về.

“Dịch như bây giờ tôi vẫn đi làm như bình thường. Ra ngoài đường, đi nhiều nơi, tôi cũng lo lắm, nhưng không đi thì không có tiền. Tôi cứ đi xung quanh các chợ, hàng quán đóng cửa nên không nhặt được nhiều đồ phế thải như trước, thu nhập nhiều nhất cũng chỉ 30.000 đồng/ngày. Cũng may, thỉnh thoảng có đoàn từ thiện hoặc đi làm có người thương, họ cho chai mắm, lọ muối, gói mì… đỡ phải mua”, bà Khái chia sẻ.

Đi qua những đợt dịch Covid-19 vừa rồi, bà Khái càng trân trọng và bảo vệ hơn sức khỏe của mình. Khi nhận được lịch đi tiêm chủng ngừa dịch bệnh là bà đi ngay.

Chia sẻ về ước mong hiện tại, bà Khái nói: “Tôi có ước nguyện duy nhất là trời cho tôi sức khỏe, làm sao mỗi ngày nhặt được 2-3 bao phế liệu trở lên để có thêm thu nhập”.

Trong chiến dịch tiêm chủng vừa qua, phường Phúc Xá đã thực hiện triển khai tiêm phòng phổ rộng toàn dân, đảm bảo 100% công dân được tiêm đầy đủ, trong đó có dân nghèo ở xóm trọ tổ 3, Cụm 2 và những địa bàn có người thuê trọ.

Bà Phạm Thị Nết, Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Xá, quận Ba Đình cho biết, địa phương đã thực hiện hiệu quả, kịp thời công tác hỗ trợ người lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68.  

Ngoài ra, cùng với sự phối hợp của Ủy ban MTTQ thành phố, Uỷ ban MTTQ Quận, phường, các đoàn thể, các nhà hảo tâm đã tổ chức phát, tặng 6.000 xuất quà là nhu yếu phẩm và tiền mặt với tổng giá trị 2 tỷ đồng đến các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, người thuê trọ, các hộ bị cách ly trên địa bàn phường. 

Sự hỗ trợ và quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương đã giúp những người nghèo xóm Bụi yên tâm hơn trong cuộc sống, họ cảm thấy mình được động viên, an ủi, vượt qua khó khăn và “không bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2021 đầy gian khó và nhiều biến động sắp qua đi, năm mới 2022 lại sắp tới, mong ước của những người dân nghèo xóm Bụi Long Biên thật giản dị như chính cuộc sống và con người của họ. Họ ước, dịch bệnh sẽ nhanh hết để họ được quay trở lại với cuộc sống, công việc của họ như trước kia, không còn canh cánh nỗi lo âu “bước chân ra đường là sợ nhiễm bệnh”./.

 

Tin cùng chuyên mục