Tết nhảy - nét văn hoá độc đáo ngày Tết của đồng bào Dao đỏ Yên Bái

Thiều Nghiệp/VOV-Tây Bắc
Chia sẻ

VOV.VN - Tết nhảy là một nghi lễ lâu đời đã được các thế hệ người Dao đỏ gìn giữ, lưu truyền để thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên và Bàn Vương đã phù hộ độ trì cho cộng đồng người Dao, cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng.

Tết nhảy, hay “Chái panh” theo cách gọi của đồng bào Dao đỏ, là nghi lễ cúng Bàn Vương – thủy tổ dân tộc Dao. Theo tín ngưỡng của người Dao đỏ, xa xưa, trong chuyến vượt biển tìm đường sinh sống của 12 họ Dao, khi nguy nan nhất mực, cận kề sóng to gió lớn của biển cả, người Dao trên chuyến thuyền bè đã cầu khấn Bàn Vương và tổ tiên phù hộ cho tai qua nạn khỏi, biến dữ thành lành và lời cầu nguyện đã linh ứng. Kể từ đó người Dao đỏ tổ chức Tết Nhảy để thể hiện lòng biết ơn tổ tiên và Bàn Vương đã phù hộ độ trì cho tai qua nạn khỏi ngoài biển khơi, bảo vệ cuộc sống gia đình, dòng tộc, đồng thời cầu xin tổ tiên che chở cho gia đình, bản làng mạnh khỏe, làm ăn tấn tới.

Thầy cúng Đặng Phúc Lý – thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái cho hay: "Trong đời sống tín ngưỡng người Dao, Bàn Vương đứng đầu các nhánh tộc người Dao, là vị vua tài giỏi, có sức mạnh vô hình, luôn độ trì, giúp đỡ dân tộc Dao. Bàn Vương được người Dao thờ cúng rất kính trọng và linh thiêng cùng với tổ tiên của người Dao. Tết Nhảy là để thể hiện sự kính trọng, biết ơn Bàn Vương và tổ tiên đã luôn che chở cho con cháu".

Tết nhảy thường được tổ chức vào khoảng thời gian từ mồng 1 đến 15 Tết và được cúng vào buổi sáng, thời gian diễn ra khoảng 3 ngày, 3 đêm có khi kéo dài hơn. Tết nhảy chỉ tổ chức tại không gian "nhà cái" nghĩa là nhà có ban thờ tổ và cũng được coi như Tết chung của cả vùng thể hiện lòng thành kính, biết ơn, tri ân công đức của tổ tiên, Bàn Vương đã dẫn dắt người Dao khai phá, lập làng, làm ăn, sinh sống.

Để tổ chức “Tết nhảy”, từ ngày 26 Tết, bà con đến nhà trưởng họ chuẩn bị những lễ vật cần thiết, gồm: 6 cây tre tươi, 6 cây mía, bột nếp, chiêng, trống, chuông nhỏ, các loại kiếm, gậy gỗ. Đồng thời, mời 3-4 thầy cúng giỏi để thực hiện các nghi lễ. Điều đáng lưu ý trong Tết nhảy của đồng bào là gia đình thiết lập ban thờ, bày biện đồ cúng, khấn mời Bàn vương, thần thánh, tổ tiên về dự lễ và tổ chức cho con cháu học nhảy và đọc sách. Mỗi người một việc, họ cùng nhau sửa sang thay mới ban thờ, làm bánh ống (gói bằng lá quận chặt hai đầu) và làm bánh dày. Bàn thờ đặt đúng góc tường của gian ngoài (gian cửa chính), chính giữa bàn thờ có một bát hương và 2 bức tranh dán trên tường, tượng trưng cho tổ tiên theo từng thứ bậc, như chính cuộc sống của họ. Khi thắp hương cúng tổ tiên đem chiếc ghế gỗ ra để các vật thờ lên đó, theo phong tục ngày Tết chỉ cúng thịt và bánh. Năm mới, bà con luộc trứng gà để sẵn trong nhà, mỗi khi trẻ con đến chơi thì mang ra mừng tuổi.

Ông Triệu Phúc Minh, Trưởng dòng họ Triệu – thôn Khe Dẹt, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên chia sẻ: "Với người Dao chúng tôi, Tết Nhảy là một nghi lễ cổ phản ánh sâu đậm tín ngưỡng về Bàn Vương – thuỷ tổ của người Dao. Lễ Tết nhảy cũng là thời điểm để hội tụ dòng họ, để mọi người gặp gỡ chúc tụng nhau, là ngày vui của toàn cộng đồng. Tuy quy mô không lớn, nhưng với cộng đồng người Dao lại mang nhiều ý nghĩa, là sợi chỉ gắn kết cộng đồng dân tộc Dao bền chặt bao đời nay. Các nghi lễ trong Tết nhảy và những vật dụng, thực phẩm dụng trong lễ tết được chuẩn bị chu đáo với lòng thành kính cao nhất”.

Một nghi thức không thể thiếu trong Tết nhảy của đồng bào Dao đỏ là mọi người đều tham gia những điệu múa truyền thống như múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông... Một tốp nam nữ thanh niên theo sự hướng dẫn của thầy cả sẽ tổ chức nhảy 14 điệu diễn mở đường bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự Tết, sau khi đường đã được mở là lúc tổ tiên về; điệu chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất là nhảy một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ dơ cao; điệu nhảy cưỡi ngựa diễn tả việc tổ tiên cưỡi ngựa về ăn Tết; điệu nhảy múa mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần được diễn tả bằng điệu múa cưỡi mô phỏng các tiên nương cưỡi hạc bay về; điệu múa mời tổ sư thầy cả về dự tết diễn tả kiểu đi của hổ….

Chị Đặng Thị Dẫn - thôn Khe Dẹt, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên nói: "Mỗi điệu nhảy, múa đều có tính hình tượng cao diễn tả cảnh thần linh, tổ tiên về hạ giới dự Tết với con cháu, để cùng con cháu thụ hưởng những thành quả lao động của một năm. Đồng thời mong muốn tổ tiên tiếp tục phù hộ độ trì, chống đỡ thiên tai, dịch họa để con cháu làm ăn gặp nhiều may mắn, trồng được nhiều quế, nuôi được nhiều trâu, bò, lợn, gà. Bên cạnh đó là cầu mong đón một năm mới bình an, hanh phúc, quốc thái dân an".

Sau khi cúng tổ tiên xong thì con cháu phải tắm rửa cho sạch mình để cùng tổ tiên ăn tết. Màn tắm than chính là một điểm nhấn độc đáo, đó là một số đàn ông được Bàn Vương, tổ tiên ban cho sức mạnh nhảy vào than lửa đang cháy, tung than lửa vào mình và xung quanh. Con cháu đồng thời cũng nhảy múa quanh đống lửa. Trong suốt thời gian nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh để đãi khách. Bà con vừa cúng, vừa uống rượu, ăn cỗ, múa hát thay phiên nhau liên tục trong mấy ngày.

Nghi lễ Tết nhảy mỗi độ Tết đến xuân về của đồng bào Dao đỏ nói chung và người Dao đỏ Yên Bái nói riêng là một nghi lễ độc đáo, riêng có, có ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của cộng đồng người Dao. Vì thế, bà con luôn trân trọng, gìn giữ từ đời này sang đời khác.

Tin cùng chuyên mục