Những ngày đầu làm kỹ thuật của Báo điện tử VOV
VOV.VN - Ngày 3/2/1999 trang báo VOVNEWS đầu tiên ra đời chỉ có văn bản – hình ảnh (tiếng Anh v?tiếng Việt). Mô hình hoạt động dựa trên Ban Biên tập Đối ngoại v?Trung tâm Ứng dụng tin học v?phát triển công nghệ phát thanh (RITC). Đối tượng phục vụ chủ yếu l?kiều bào Việt Nam ở nước ngoài, những người nước ngoài quan tâm đến Việt Nam.
Trung tâm RITC lúc đó cũng là đơn vị kỹ thuật mới của Đài, với 3 phòng chức năng và phòng Ứng dụng Công nghệ được giao nhiệm vụ chính về kỹ thuật cho tờ báo. Chúng tôi khi đó cũng là những Kỹ sư trẻ mới vừa ra trường, cả phòng gồm 5 anh chị em, chị Vũ Việt Nga - Trưởng phòng, anh Lại Ngọc Tuấn - Phó phòng, anh Cao Hòa Bình, Trần Hải vào sau một thời gian và tôi.
Còn nhớ một trong những sự kiện quan trọng bậc nhất trong việc đổi mới công nghệ ở Việt nam vào năm 1997- 1998 là nước ta chính thức nối với hệ thống Internet quốc tế, ngày 19/11/1997 Việt Nam tham gia vào “Hệ thống Siêu thông tin Toàn cầu”.
Ngày 19/11/1997, giấy phép IAP (Nhà cung cấp dịch vụ kết nối truy nhập Internet) duy nhất được trao cho Công ty Điện toán & Truyền số liệu – VDC, thuộc Tổng Công ty Bưu chính – Viễn thông. Ngay trong năm, phần mạng trục trong nước nhằm cung cấp khả năng kết nối cho mọi người dùng từ End – user (Người sử dụng ở trạm làm việc cuối) đã có thể sử dụng PC kết nối với Modem qua đường điện thoại tới các mạng riêng với các nhà cung cấp dịch vụ, cho phép khách hàng truy nhập Internet qua mạng điện thoại nội hạt với tốc độ truy nhập Internet qua thoại trung bình là 56kbit/s. Một tốc độ thấp khó tin với mạng Internet hiện giờ, nhất là khi chúng ta đang xem trang Web với kết nối trung bình khoảng 10Mbps.
Tháng 12/1998 Đài Tiếng nói Việt Nam kết nối vào mạng Internet (15 điểm truy cập Internet) kết nối qua modem, một đường truyền đã được chuyển để dành riêng cho báo Điện tử.
Đến năm 2000, số thuê bao Internet ở Việt Nam mới khoảng hơn 80.000, tổng số các trang chủ trên toàn nước Việt Nam chưa đạt tới hàng nghìn. Theo VDC - Tổ chức chịu trách nhiệm về nối mạng Internet trong nước lúc đó, chỉ có vài trăm trang chủ trên toàn quốc. FPT là nhà cung cấp dịch vụ Internet thứ hai trong nước, đã tạo được hơn 100 trang chủ cho các nhà đăng ký sử dụng Internet, 1/3 trong số này là các công ty tư nhân vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, các Đài PT-TH thế giới đã nhìn thấy được tiềm năng khổng lồ của mạng Internet và bắt đầu phát triển Radio Internet, con số các đài phát thanh trên Internet vào năm 2000 phát triển với một tốc độ kỷ lục. Trung bình số lượng các đài phát trên Internet tăng trưởng 650%/năm. Mới bắt đầu phát triển từ năm 1995, chỉ trong một thời gian ngắn, phát thanh trên Internet đã dần trở thành một hình thức mới, với các chương trình phát thanh trực tiếp trên mạng, phát thanh theo yêu cầu, âm nhạc, giải trí multimedia, quảng cáo, giao lưu…
Theo số liệu của hai nhà cung cấp âm thanh và thông tin về các đài phát trên mạng là Broadcast.com và BRS media.com, số lượng trang Web phát thanh năm 2000 đã vượt quá con số 8.256 (theo báo cáo tại hội nghị ngày 12/6/99 của BRS Media), số đài phát trực tiếp trên mạng là 2415 đài với hơn 100 quốc gia trên thế giới đều đã phát thanh trên mạng, với nhiều các đài phát thanh, truyền hình nổi tiếng trên thế giới như CNN, VOA của Mỹ , BBC của Anh, DW của Đức…
Báo Điện tử ra đời là bước phát triển công nghệ đúng đắn của Đài Tiếng nói Việt Nam
Thời điểm báo Điện tử ra đời là thời điểm vàng của bắt đầu phát thanh Internet, Đài Tiếng nói Việt Nam lúc đó đã có bước đầu tư rất đúng đắn khi bắt đầu đưa những chương trình âm thanh lên mạng, mà khởi điểm là trang Báo điện tử VOVNEWs.
Trước đây, thính giả của Tiếng nói Việt Nam ở nước ngoài chỉ có thể nghe được qua sóng ngắn và sóng trung, các chương trình đối ngoại của Đài trong một thời gian nhất định, tại một số vùng trong diện phủ sóng đối ngoại. Internet thực sự đã mở ra một kênh thông tin mới, giúp cho các chương trình của Tiếng nói Việt nam có thể đến với nhiều bạn bè trên thế giới. Và đặc biệt là các thính giả có thể nghe chương trình yêu thích vào bất kỳ thời điểm nào thuận tiện.
Nhờ tính không biên giới, không cấu trúc, không phân loại Internet đã cho ra đời những đài phát hấp dẫn như Spotify, Pandora, ra đời năm 2000 tại California, chuyên cung cấp âm nhạc cho người dùng theo yêu cầu.
Có thể chia các đài phát Internet làm 3 loại: Đài phát truyền thống có phát trực tuyến Internet (Live Radio), Đài chỉ phát trên Internet (Internet Radio) và các chương trình phát trực tuyến (Internet Radio show). Mục tiêu lúc đó của Đài Tiếng nói Việt Nam là phải trở thành một đài phát Live Radio và có các dòng streaming audio song song với các hệ phát thanh của Đài đang phát hàng ngày.
Những ngày đầu làm kỹ thuật, chúng tôi các kỹ sư RITC bắt đầu mày mò tìm hiểu về ngôn ngữ Web, làm các trang Web tĩnh trước để đưa các file audio của Đài lên mạng, sau đó sẽ phát triển các hệ thống phần mềm biên tập tin cho trang báo Điện tử, mục tiêu đã có nhưng khởi đầu quả thật gian nan.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của chúng tôi khi đó có lẽ là những đêm trực khuya lúc 22 - 23h, lắng nghe tiếng tút tút của modem khi kết nối và đẩy các tin bài lên máy chủ VOV, yên tâm sau khi đã kiểm tra từng đường link của trang xem có kết nối đúng không, font tiếng Việt của trang đã được hiển thị tốt chưa, trang tải về có nhanh và ảnh có đúng theo bài khi đưa lên.
Có lẽ đối với các kỹ sư CNTT bây giờ, việc thiết kế và xây dựng một trang Web rất dễ dàng với các mẫu trang (template) đã có sẵn, các ngôn ngữ lập trình cho Web phong phú với hàng trăm modul chỉ việc ghép vào. Nhưng đầu những năm 2000, kỹ sư làm Web rất thiếu, nhất là Web cho Phát thanh – Truyền hình audio-video, kiến thức và kinh nghiệm chưa có nên anh em RITC phải vừa mày mò học vừa làm. Có những đêm 30 Tết, giao diện trang Web của VOV được trang trí đầy hoa đào, hoa mai do anh em kỹ sư tự thiết kế vì không có họa sĩ mỹ thuật, nhìn màu sắc rất bắt mắt nhưng nếu so với bây giờ chắc vô cùng thô sơ và đơn giản.
Thời điểm từ năm 1999 đến tận năm 2005, kỹ thuật báo Điện tử được Đài đầu tư hệ thống thiết bị giai đoạn 1 cho VOVNEWS, trong đó có máy chủ cùng một số thiết bị mạng, hệ chương trình biên tập tin – phần mềm để chuyển sang xây dựng trang Web động (tự động cập nhật ); các phần mềm quản lý kỹ thuật; đường thuê bao trực tuyến 128kbs nối từ VDC sang tòa soạn báo điện tử VOVNEWS. Các chương trình âm thanh phát trên mạng Internet được đặt trên máy chủ của VDC nối trực tiếp với cổng ra quốc tế.
Cho đến trước năm 2006, hệ thống máy chủ và phần mềm biên tập tin vẫn chưa được đưa vào sử dụng vì nhiều lý do. Một phần là các chức năng của phần mềm viết bị lạc hậu so với yêu cầu phát triển. Một phần nữa là sau nhiều lần thử nghiệm, phần mềm này không tương thích với hệ điều hành của máy chủ của đơn vị đang có nên vẫn không thể tiếp nhận được. Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã đặt hàng xây dựng một phần mềm công cụ làm tin mới, anh em kỹ thuật lại vừa tiếp tục hỗ trợ các phóng viên báo Điện tử làm trang tĩnh, vừa mong chờ phần mềm mới được sớm đưa vào sử dụng. Cách sản xuất vàkhai thác của VOVNEWS lúc đó vẫn dựa trên nguyên tắc “thủ công” là chính. Như với tin bài văn bản sẽ nhập vào trang tĩnh (sử dụng phần mềm Front Page của Microsoft), chỉnh sửa lại lỗi...
Trong những năm đầu, vào tối khuya sau khi là những người cuối cùng đẩy tin lên trang, hôm sau chúng tôi lại tiếp tục nghiên cứu và tìm hiểu thêm về phát trực tuyến các dòng âm thanh Live streaming của Đài, sớm đưa các hệ phát thanh đến với người nghe ở xa Tổ quốc. Tháng 7/1999 VOVNEWS đã phát bằng âm thanh một số chuyên mục tiếng Anh và phát thanh trực tiếp chương trình tiếng Việt dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc dài 60 phút hàng ngày. Các chương trình phát thanh và âm thanh khác được mã hóa và biên tập lại sau đó đẩy file offline dưới dạng RealPlayer và Window Media.
Đến năm 2001 Báo điện tử VOV đã phát thử nghiệm theo dạng phát thanh trực tuyến theo yêu cầu (live on-demand) 2 chương trình thời sự chính trong ngày phát trên Hệ VOV 1 (Chương trình Thời sự 6h sáng và 18h chiều) cùng bản tin hàng ngày các chương trình phát thanh tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc.
Niềm vui của những người làm kỹ thuật là được nghe ké khi các anh em phóng viên kể về những lá thư của độc giả khen VOV phát triển, đề nghị nghe những chương trình audio hay, nghe nhiều hơn nữa những chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam trên mạng. Được là những người đầu tiên nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trần Đức Lương vào đêm Giao thừa, khi mã hóa file âm thanh và đưa lên mạng đúng 12h đêm 30 Tết hàng năm. Những niềm vui nho nhỏ đó được sự tiếp sức của rất nhiều người, của các biên tập viên báo khi trực cùng nhau mỗi tối và được sự chia sẻ với các Lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam cũng trực Tết giao thừa.
Với tôi, một kỹ sư Công nghệ Thông tin khi đó mới ra trường và được vinh dự vào Đài Tiếng nói Việt Nam làm việc, những ngày đầu làm báo Điện tử quả thật là những kỷ niệm đáng nhớ thực sự khó quên. Vhúng tôi khi đó mới chỉ là những kỹ sư trẻ, chưa được tiếp xúc làm báo bao giờ về CNTT cũng chỉ được học lập trình Turbo Pascal, Assemble… chứ cũng chưa làm trang Web, mới bắt đầu tìm hiểu về Javascrip, ngôn ngữ HTML của trang báo. Nhưng nhờ có báo Điện tử mà tôi đã có cơ hội được học rất nhiều về công nghệ kỹ thuật mới, được ưu tiên tiếp xúc và tìm hiểu những gì mới nhất về Phát thanh Internet lúc đó.
Đến nay Báo Điện tử VOV đã phát triển thành một tờ báo nằm trong TOP đầu của Việt Nam và tất cả các chương trình Phát thanh – Truyền hình VOV đã được đưa lên mạng. Thành công này có một phần nhỏ đóng góp ban đầu của các kỹ sư RITC và Đài Tiếng nói Việt Nam. Chúng tôi rất tự hào khi nhìn lại thời điểm đó, sự khó khăn và cạnh tranh chính là động lực để thúc đẩy sự phát triển. Công nghệ luôn đòi hỏi cái mới, đó là lý do mà các đài phát Streaming live và âm nhạc số tiến nhanh như vậy trong thập kỷ qua. Người dùng luôn tìm kiếm cái mới và câu trả lời cho câu hỏi đó. Android là câu trả lời cho iOs, Twitter là câu trả lời cho Facebook và Snapchat là câu trả lời cho Twitter. Công nghệ luôn thay đổi và phát thanh phải tận dụng những thay đổi đó để xác định dấu ấn trong lòng thính giả.