Làm người VOV.VN là định mệnh

An Nhi/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Tôi đến các đài truyền hình, tòa soạn để thử việc… nhưng đều cảm thấy mình không yêu thích công việc đó. Qua rất nhiều tòa soạn, cuối cùng tôi chọn Báo điện tử VOV - nơi gắn bó gần 20 năm qua.

Tôi sinh ra và lớn lên ở một tỉnh miền núi. Năm 2000, tôi tốt nghiệp Đại học Báo chí chuyên ngành Truyền hình. Khi đó tôi được bố mẹ “quán triệt” chỉ về địa phương thì mới lo được việc cho con. Tôi từ chối đề nghị này và ở lại Hà Nội tự tìm việc làm. Tôi đến các đài truyền hình, tòa soạn để thử việc… nhưng đều cảm thấy mình không yêu thích công việc đó.

Tôi làm 10 bộ hồ sơ để sẵn sàng nộp khi thử việc hoặc tuyển dụng. Bộ hồ sơ thứ 6 tôi nộp để thi vào báo điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam, năm 2002. Nghe nói đó là đợt thi tuyển thứ 2 hoặc 3 gì đó sau rất nhiều năm Đài không tuyển dụng.

Sau khi thi xong các môn viết, chúng tôi bước vào phần phỏng vấn, thử giọng, ngoại hình (hồi đó tất cả các thí sinh cùng thi phỏng vấn). Nhớ lại buổi phỏng vấn đó tôi giờ vẫn còn hơi run. Thời điểm đó, internet ở Việt Nam vẫn còn khá đắt đỏ và khan hiếm. Với thù lao cộng tác các báo chủ yếu dùng để trang trải cuộc sống thì gần như tôi không dám vào mạng internet. Muốn vào internet để gửi thư điện tử hay liên lạc với người thân thì phải ra các quán net chứ không sẵn có wifi như bây giờ, mỗi lần vào mạng như vậy cũng mất 2.000 – 3.000 đồng, một khoản tiền không nhỏ với sinh viên mới ra trường. Và việc vào mạng đọc báo điện tử cũng là một khái niệm rất xa lạ với rất nhiều người thời bấy giờ.

Trong cuộc phỏng vấn tuyển dụng năm đó, tôi vượt qua các câu hỏi của Ban giám khảo trong những cái gật đầu hài lòng của các thành viên. Đến câu hỏi cuối cùng, một vị hỏi: “Cháu đã vào báo điện tử của Đài TNVN chưa?” – Tôi thật thà trả lời: “Cháu chưa ạ. Cháu chỉ dám đọc báo qua giới thiệu trên báo giấy thôi ạ”. “Được rồi cảm ơn cháu” – vị giám khảo nói.

Tôi bước ra khỏi phòng thi nhưng vẫn nhớ một câu nói với theo của một vị giám khảo: “Thi vào báo điện tử mà không đọc báo điện tử thì sao mà đỗ được”.

Chắc là trượt. Tôi gạt bỏ những lấn cấn của cuộc thi sang một bên để tiếp tục làm cộng tác cho một đài truyền hình. Sau kỳ thi khoảng 1 tháng, tôi nhận được tin nhắn của một người bạn: “Cậu thi vào VOV à, chúc mừng nhé”. Tôi không biết ý của bạn tôi là gì, và cũng không thể nhắn tin hoặc gọi điện lại để hỏi cụ thể vì điện thoại hết tiền, mà ra gọi điện thoại công cộng vào di động của bạn thì mất một bữa ăn. Cả đêm đó tôi bồn chồn không ngủ được. Sáng hôm sau tôi dậy sớm để đến 58 Quán Sứ xem kết quả. Tim tôi như nhảy ra khỏi ngực khi thấy tên mình đứng thứ 2 trong danh sách trúng tuyển. Không thể tiết kiệm được nữa, tôi chạy vội đi kiếm một nơi gọi điện thoại công cộng gọi về báo tin cho bố. Câu đầu tiên bố nói với tôi: “Tốt quá rồi, con đã tiết kiệm cho bố mẹ mấy chục triệu rồi con ơi”. Bố tôi vui sướng mất ngủ 2 đêm.

Thời gian đầu đi làm, tôi thường xuyên nhận được câu hỏi: “Em/cháu là con cháu nhà ai?” và cùng lứa trúng tuyển với tôi thời đó cũng có nhiều trường hợp “thân cô thế cô” vào Đài như tôi. VOV đã thay đổi cách tuyển dụng từ chỗ hầu như chỉ có “con ông cháu cha” hoặc quen thân sang việc tuyển dụng cạnh tranh rộng rãi. Đó cũng chính là cơ hội để những người trẻ ở tỉnh lẻ như tôi có cơ hội được thử sức, bươn chải ở một cơ quan báo chí lớn.

Làm báo điện tử thời đó không có gì là phức tạp hay đặc thù. Nhiều người vẫn coi báo điện tử là một tờ báo giấy trên mạng. Còn với nhiều người VOV, dường như báo điện tử chỉ là phương tiện nối dài cánh sóng phát thanh. Lúc ấy, chúng tôi chỉ làm công việc đơn giản là biên tập, sửa morat và upload các tin, bài phát thanh lên mạng.

Vì là một báo mạng trong lòng một Đài phát thanh quốc gia nên nhiều khi chúng tôi cảm thấy mình lạc lõng. Đi làm công tác phóng viên, chúng tôi thường bị cơ sở “ghẻ lạnh”, hoặc nói những câu rất đau lòng “Ơ, Đài TNVN có cả báo điện tử à?”. Trong nhiều cách ứng xử hàng ngày khiến chúng tôi thường nói với nhau “chúng mình là con nuôi” của Đài.

Đã có những lúc chán chường, tôi muốn nhảy việc, đi khỏi Đài. Nhiều đồng nghiệp của tôi đã làm như thế. Họ chuyển công tác sang đơn vị khác, ra ngoài lập công ty hoặc làm việc cho các tập đoàn lớn. Và thành công. Còn tôi vẫn kiên trì bám trụ.

Năm 2012, chúng tôi có một Tổng biên tập gần 40 tuổi từ một đơn vị phát thanh chuyển về. Ban đầu tôi nghĩ, chắc ông này vẫn mang lối làm báo cũ để áp dụng vào tờ báo, và cũng không trông mong gì có sự thay đổi.

Câu chỉ đạo thường trực của Tổng biên tập lúc đó là: “Ngoài những tin tức thời sự chính thống thì phải tăng cường các tin bài đời sống dân sinh thì người ta mới đọc”. Và cũng từ đây, chúng tôi mới thực sự quan tâm đến việc mỗi tin bài đăng lên trang có bao nhiêu người đọc, họ tương tác, phản hồi với tòa soạn như thế nào. Tòa soạn VOV.VN thực sự bước vào cuộc cạnh tranh với các tờ báo điện tử khác, phải nắm bắt xu hướng kỹ thuật, xu hướng đọc hàng ngày, hàng giờ thay đổi ra sao. Từ tư duy làm báo “cho” độc giả cái gì thì đọc cái đó, chúng tôi chuyển mạnh sang cách làm báo “cung cấp những gì độc giả cần”.

Tất cả chúng tôi cùng cuốn vào một guồng làm việc mới để có sự bứt phá ngoạn mục. Diện mạo của Báo điện tử VOV thay đổi rõ nét. Từ chỗ phải “ăn đong”, xin bài của các đồng nghiệp phát thanh thì từ năm 2013, chúng tôi đã chủ động sản xuất được một tỷ lệ khá lớn tin bài. Bản thân tôi cũng có những cọ xát, va chạm nghề nghiệp, được rèn luyện bản lĩnh báo chí. Chúng tôi đã có nhiều loạt bài đấu tranh dư luận, đấu tranh chống tiêu cực… hiệu quả. Năm 2014, năm đầu tiên Hội Nhà báo có giải báo chí Quốc gia cho Báo điện tử, chúng tôi đã giành giải B với loạt bài “Giải bài toán nông dân bỏ ruộng”. Cùng năm đó, chúng tôi đoạt giải A – Giải báo chí Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các năm sau đó, năm nào tòa soạn của chúng tôi cũng có các tác phẩm đoạt giải ở các cuộc thi báo chí có uy tín mang tầm cỡ quốc gia.

Tờ báo phát triển cũng đồng nghĩa với việc áp lực cao hơn. Thời gian chúng tôi “dán mặt” vào máy tính hay điện thoại cũng nhiều hơn. Con trai tôi vào học lớp 1, cháu chia sẻ với cô giáo là “mẹ con yêu cái điện thoại hơn yêu con”, “Mẹ con nghiện điện thoại rồi cô ạ”, rồi gia đình, bố mẹ, vợ con của các đồng nghiệp trong tòa soạn cũng cảm thấy khó chịu khi vợ/chồng mình suốt ngày cầm điện thoại hoặc máy tính. Chia sẻ điều này với Tổng biên tập thì ông bảo: “Phải luyện được như tôi ấy, ngồi ở nhà mà vợ con vẫn coi như không có mặt”.

VOV.VN trở thành một tòa soạn đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ, ngoài tự phát hiện, sản xuất các tin bài theo nhu cầu độc giả hàng ngày chúng tôi còn là một tòa soạn điện tử của cả Đài TNVN. Chúng tôi từng kêu ca với các đồng nghiệp cùng cơ quan rằng làm báo điện tử rất vất vả thì ít người tin. Thời gian qua đã có các đồng nghiệp làm phát thanh chuyển về báo làm việc, họ đã thốt lên: “Báo điện tử vất vả thật, tôi không thể tưởng tượng sao ở đây lắm việc đến thế”. Nhiều người không thích ứng được với cường độ làm việc, sức ép và kỹ năng làm báo hiện đại nên đã chuyển đi.

Người thân có lẽ đã chai lì với sự “thờ ơ” của chúng tôi với công việc gia đình. Chúng tôi thường xuyên về nhà vào lúc bắt đầu Bản tin Thời sự 19h của VTV, “đá ghế” ngồi ăn cơm với gia đình. Thậm chí, nhiều hôm có sự kiện đột xuất, tường thuật cháy nổ, mưa bão… thì vừa ăn vừa làm. Có hôm xong việc tranh thủ về sớm thì con tôi tròn mắt hỏi “Tối nay mẹ lại trực à?”. Vào ngày nghỉ, hầu hết mọi người vẫn phải làm việc, lo tin bài cho các chuyên mục, đốt giờ quan trọng…

Công việc cuốn chúng tôi vào một vòng quay mà nếu ai chậm lại một chút sẽ bị tụt hẳn phía sau. Thế nhưng sự vất vả không làm giảm đi tình yêu nghề. Bởi chúng tôi nhìn thấy ngay hiệu quả công sức mình bỏ ra được đong đếm bằng số lượng độc giả tiếp cận với sản phẩm báo chí của mình.

Tôi luôn tự hào và tự tin được làm báo trong một môi trường báo chí hiện đại, có cơ hội đi công tác ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi và nhiều nước trên thế giới. Đó là những trải nghiệm, xúc cảm nghề nghiệp mà không phải trong cuộc đời làm báo của ai cũng may mắn có được.

Gắn bó gần 20 năm với tòa soạn Báo điện tử VOV, chứng kiến bước trưởng thành của tờ báo, tôi biết ơn những thế hệ đi trước đã tạo dựng cho chúng tôi nền tảng để phát triển; cảm ơn thủ lĩnh báo chí đã tiếp lửa cho cả tòa soạn, tạo một không khí làm việc hiệu quả để có một Báo điện tử VOV như hôm nay. Điều khiến tôi đặc biệt tự hào là chúng tôi có một tập thể đoàn kết, biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc và cạnh tranh./.

Tin cùng chuyên mục