Làm Báo điện tử: Đôi khi tôi cũng muốn buông…
VOV.VN - Làm báo là phải chấp nhận còn quá ít thời gian chăm sóc gia đình và đôi khi phải đánh đổi cả những ham thích cá nhân.
Nhớ lại cách đây hơn 6 năm, cầm tờ quyết định về Báo Điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV.VN), tôi thấy bồn chồn, không rõ là mừng vui hay lo lắng!
Mười lăm năm làm báo phát thanh (VOV), đã trót yêu những âm thanh của cuộc sống qua bàn trộn, qua máy ghi âm, thì giờ đây lại phải bắt đầu công việc làm báo ở một loại hình hoàn toàn mới, với công nghệ, kỹ thuật có lẽ hợp với người trẻ hơn là với người đã bước sang bên kia dốc của cuộc đời.
Tôi về báo điện tử đúng thời điểm cả Tòa soạn đang gồng mình “không ăn, không ngủ”, dồn sức cho đạt mốc 1 triệu pageviews/ngày. Trăn trở, loay hoay, thử nghiệm tất cả những gì có thể, cả tòa soạn đồng lòng một khối thống nhất, để rồi vỡ òa, khi con số 1 triệu pageviews vào đúng 24h ngày 25/6/2015 hiện trên màn hình Google analystics. Cả Tòa soạn không ngủ, từ lãnh đạo đến nhân viên hân hoan khi đạt thành quả sau bao đêm ngày vật lộn, cố gắng.
Không thể nói hết niềm vui của anh em VOV.VN lúc bấy giờ. Chúng tôi, phần đông đều là “tay ngang” khi buộc phải tiếp cận công nghệ mới, với CMS, SEO, trend, key word, đồ họa, và thử nghiệm đủ loại hình báo chí (mutilmedia) xu hướng mới, chất lượng cao như megastory, e-magazine, long-form… Để rồi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt của báo chí, đặc biệt là báo điện tử, nhằm phục vụ nhu cầu đòi hỏi của bạn đọc ngày càng khó tính hơn, với những món ăn tinh thần phải đa dạng, chúng tôi dần tìm được chỗ đứng của mình, được anh em, bạn bè trong làng báo yêu quý, có được niềm tin của công chúng.
Tuy nhiên, để có được điều đó, chúng tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ khác. Ngày này qua ngày khác, không ngày nghỉ, không ngày lễ, với cường độ làm việc liên tục, rồi những va chạm, căng thẳng trong công việc, đôi lúc khiến mọi người rất mỏi mệt…
Gần như ai trong Tòa soạn cũng có vấn đề về thị lực, về xương khớp và cột sống do làm việc với máy tính quá nhiều. Và sự thật, một số người đã buộc phải chuyển đi do không chịu được áp lực công việc trong sự ngậm ngùi vì dù yêu quý công việc, môi trường làm việc của báo đến mấy cũng không thể ở lại khi họ còn quá ít thời gian chăm sóc gia đình và đôi khi phải đánh đổi cả những ham thích cá nhân.
Biến cố gia đình, cộng với áp lực từ công việc khiến tôi đã có lúc muốn nghỉ, muốn xin làm công việc khác phù hợp hơn khi tuổi tác và điều kiện không cho phép.
Tôi là một trong số vài người được phân công trực luân phiên Tổng Thư ký Tòa soạn của Báo, và lẽ dĩ nhiên, những ngày vào ca trực là liên tục, xuyên suốt từ 5h sáng đến 24h đêm không ngơi nghỉ “cày views”, với lượng tin, bài dồn dập, khiến một ngày kết thúc ca trực như muốn kiệt sức.
“Tòa soạn 24/24”- nói thì dễ nhưng làm lại không hề đơn giản. Bất cứ lúc nào, Ban biên tập, các thành viên của ca trực đều phải online để cập nhật thông tin từ mọi miền đất nước, từ phóng viên, cộng tác viên, các cơ quan thường trú, trong nước và nước ngoài. Mỗi ngày qua đi chúng tôi lại phải tự kiểm điểm lại mình xem đã làm được đến đâu, còn sơ suất gì để hoàn thiện hơn.
Ngày qua ngày, cuộc sống không dừng lại, VOV.VN cũng vậy, chúng tôi lại chóng mặt “xoay vần” trong cơn lốc của cái MỚI, của tin tức, của những vận động không ngừng nghỉ của xã hội.
“Nghề báo: Ta có yêu nó không?”- trong bài viết nhân ngày kỷ niệm 21/6, Tổng Biên tập Phạm Mạnh Hùng từng dẫn lời một giảng viên nước ngoài: Chọn nghề làm báo là để phụng sự xã hội. Ở phương Tây, có nhiều người thuộc tầng lớp ưu tú vẫn chọn nghề này với mức thu nhập trung bình thấp vì lý tưởng ấy, họ chấp nhận đánh đổi và hài lòng với một cuộc sống không sung túc. Nếu không có lý tưởng hay hoài bão gì mà chỉ đơn giản chọn nghề này như một phương tiện mưu sinh, thì có lẽ ai đó đã nhầm…
Tôi cũng đã từng tự hỏi, tự chất vấn mình nhiều lần rằng liệu mình có thực sự hợp với nghề báo, đặc biệt là báo điện tử, và đi theo nó đến cùng không?
Như duyên nghiệp, tôi vẫn theo con tàu VOV.VN đi tiếp. Chúng tôi không dừng lại và tiếp tục hướng đến những đích mới!