Xuân ấm trên các bản làng miền núi tỉnh Quảng Nam
VOV.VN - Một mùa xuân mới lại về, trên khắp các thôn nóc, bản làng miền núi tỉnh Quảng Nam đâu đâu cũng rực rỡ cờ hoa. Đồng bào Cơ Tu và các dân tộc anh em đón mùa xuân mới vững tin và kỳ vọng khu vực miền núi phía Tây tỉnh Quảng Nam tiếp tục có diện mạo mới, đời sống người dân sẽ có nhiều khởi sắc.
Những ngày giáp Tết Quý Mão, mây giăng trắng xoá những cung đường lên xã biên giới Tr’hy, huyện vùng cao Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nằm ở độ cao hơn 1.000m, trong tiết trời se lạnh, người dân vùng cao chộn rộn chào đón Tết cổ truyền. Bên bếp lửa bập bùng trong nhà Gươl, ông Ka Lý, Bí thư Chi bộ thôn Dầm 1, xã Tr'Hy, huyện Tây Giang say sưa kể những câu chuyện về người dân Cơ Tu nơi biên giới Việt – Lào sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và những khó khăn do thiên tai gây ra. Vượt qua bao gian khó, đồng bào Cơ Tu nơi đây càng thấu hiểu hơn sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đã giúp bà con ổn định đời sống.
Ông Ka Lý khoe rằng, cả xã này chỉ còn 200 hộ nghèo, đời sống bà con được nâng lên đáng kể nhờ trồng các cây dược liệu dưới tán rừng. “Năm nay đời sống bà con có nhiều đổi mới, được Nhà nước quan tâm đưa điện về thắp sáng, rất là vui. Bà con đi lại rất thuận tiện, không cần đèn pin nữa nên rất thuận lợi. Chúng tôi tuyên truyền bà con phải theo con đường của Đảng và Bác Hồ để làm sao xây dựng quê hương ngày càng phát triển giàu mạnh”- ông Ka Lý nói.
Tại huyện miền núi cao Nam Giang, già làng Alăng Nhứch, ở thôn Axòo, xã Chơ Chun, huyện Nam Giang vui mừng khi các cán bộ lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đến tận những bản làng xa xôi tặng quà, thăm hỏi, động viên bà con vui đón xuân mới. Theo Già làng Alăng Nhứch các già làng, người có uy tín ở vùng cao luôn phát huy tinh thần nêu gương trong cộng đồng cùng nhau xây dựng cuộc sống ấm no.
“Bà con Nhân dân vùng biên giới hỗ trợ cho các Đồn Biên phòng nào là bó củi, bó rau, lá dong hay con gà. Chủ yếu là tình cảm chứ không phải chỉ nằm ở vật chất. Ngoài ra trong dịp Tết chúng tôi cùng với các Đồn Biên phòng tổ chức giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức thi gói bánh chưng, làm cổng trại để cùng giao lưu học hỏi. Các hoạt động này đều rất thiết thực” - già làng Alăng Nhứch nói.
Càng trong gian khó càng thấy rõ ý chí và tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc huyện miền núi. Huyện miền núi cao Nam Giang, tỉnh Quảng Nam trong năm qua đã hoàn thành 18/18 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đây là năm thứ 2 liên tiếp huyện Nam Giang vượt thu ngân sách với nhiều tín hiệu vui trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo đà giảm nghèo bền vững.
Ông A Viết Sơn, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Đây là sự cố gắng, nỗ lực rất lớn, chưa có năm nào mà thu ngân sách trên địa bàn huyện Nam Giang vượt cao như vậy. Ngoài ra, địa phương đã làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho các đối tượng chính sách, người có công. Huyện Nam Giang đã hoàn thành nhà ở theo chủ trương bố trí, sắp xếp dân cư cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có công đạt tỷ lệ 100%”.
Dịp Tết Quý Mão 2023, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ hơn 900 tấn gạo giúp người dân khó khăn ở 14 huyện trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thiếu ăn trong ngày Tết. Các huyện miền núi cũng tập trung khắc phục cơ bản các điểm sạt lở và các tuyến đường huyết mạch, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân. Tỉnh Quảng Nam nỗ lực mang đến cho người dân từ đồng bằng đến vùng cao biên giới đều được đón Tết vui tươi.
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết, trước Tết Quý Mão 2023, các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đã khắc phục cơ bản hậu quả thiên tai, tập trung chăm lo đời sống người dân. Ngoài sự chăm lo của các cấp ủy Đảng, Chính quyền thì tinh thần đoàn kết và nghị lực vượt khó đã giúp người dân miền núi Quảng Nam đón Tết đầm ấm, đủ đầy.
“Năm 2022, tỉnh Quảng Nam tập trung sắp xếp dân cư, khắc phục cơ sở hạ tầng bị hư hại do bão lũ, ổn định đời sống người dân miền núi. Địa phương tập trung thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, chăm lo đời sống cho đồng bào các dân tộc ở miền núi, rồi chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Qua đó, từng bước phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống, giảm nghèo bền vững thì người dân miền núi mới có điều kiện vươn lên”- ông Dũng nói./.