Vượt “cơn gió ngược”: Phong ba bão táp, càng vững tay chèo

Quốc Phong/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Người xưa từng nói “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Vượt qua gian nan, thử thách, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh, sức mạnh nội sinh.

Năm 2023 khép lại, cũng như nhiều nước trên thế giới, Việt Nam có thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức; nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, diễn biến nhanh chóng và phức tạp hơn so với dự báo.

Năm 2023, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh bất lợi cả từ bên ngoài (quốc tế, khu vực, cả kinh tế- chính trị- quân sự) và bên trong (khó khăn của một nền kinh tế mở, phụ thuộc bên ngoài, mới trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19), có ảnh hưởng tiêu cực tới chuỗi cung ứng, giá cả, an ninh năng lượng, an ninh lương thực bị de dọa. 

Trong bối cảnh này, Quốc hội vẫn quyết định giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng để thấy rằng, chúng ta không có đường lùi. Chỉ có con đường duy nhất là tiến lên, linh hoạt và khôn khéo. Ứng phó với những điều bất lợi, chúng ta có thêm kinh nghiệm về xây dựng chính sách và năng lực phản ứng chính sách. Năng lực này được tích lũy từ khi xuất hiện Covid-19 và nay tiếp tục được phát huy. Liên tục thay đổi và điều chỉnh chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để kinh tế phục hồi.

Mức tăng trưởng cả năm đạt trên 5% là một sự cố gắng, nỗ lực rất lớn khi tăng trưởng quý I chỉ đạt 3,28%. 5% cũng là mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, cao hơn Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp… Lần đầu tiên GDP của Việt Nam vượt 400 tỉ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.

Năm 2023 khép lại nhưng hình ảnh những vị nguyên thủ hàng đầu thế giới hiện diện ở Thủ đô Hà Nội vẫn đọng lại trong niềm tự hào của nhiều người Việt. Những hoạt động ngoại giao tấp nập, cả song phương và đa phương, cả bề rộng lẫn bề sâu đã tạo nên một vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Không ai hình dung được, từ một nước bị bao vây, cấm vận, giờ đây, Việt Nam đã mở rộng, làm sâu sắc quan hệ với 193 nước và vùng lãnh thổ, trong đó 3 nước có quan hệ đặc biệt, 6 nước đối tác chiến lược toàn diện (Hoa Kỳ và Nhật Bản vừa được bổ sung vào nhóm này), 12 nước đối tác chiến lược và 12 nước đối tác toàn diện.

Những ngày cuối cùng của năm 2023, trong sự hối hả của người người, nhà nhà, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Lễ khánh thành và đưa vào khai thác đồng thời 4 dự án giao thông quan trọng ở hai miền đất nước, kết thúc 1 năm với những đột phá về hạ tầng giao thông, trong đó có 730km đường bộ cao tốc. Giao thông phát triển đến đâu mở ra không gian phát triển mới đến đó. Nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics.

Năm 2023 tiếp tục là năm rũ bỏ những vật cản trên con đường phát triển để làm lành mạnh hóa xã hội, trước hết là lành mạnh đội ngũ “công bộc” của dân. Những “ông lớn”, “ bà lớn” vang danh một thời không có cơ hội thoát thân khi đã chót “nhúng chàm”, chả kể công hay tư.  

Đâu đó dấy lên tâm lý sợ sai, ngồi yên nghe ngóng, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật” còn hơn đứng trước “hội đồng xét xử”. Thực tế đó đòi hỏi chúng ta tiếp tục hoàn thiện thể chế để “đánh chuột” mà không “vỡ bình”. Quá trình hoàn thiện thể chế với một quốc gia cũng giống như việc tái lập một căn phòng ngăn nắp để chuột hết “cửa” kiếm chác. Chúng  ta vừa đánh, vừa đuổi chuột, vừa xếp dọn lại của cải cho căn phòng gọn gàng, đẹp đẽ.

Năm 2024, mọi dự báo cho thấy, khó khăn vẫn ở phía trước. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2024 dự báo sẽ chỉ đạt 2,7%, thấp hơn so với mức ước tính 2,9% của năm 2023. Nguy cơ xung đột, đối đầu, nhiều điểm nóng về an ninh tiếp tục tồn tại, có nguy cơ lan rộng. Khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ, tạo ra những biến đổi trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. An ninh truyền thống cũng như phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, năng lượng, an ninh mạng... đặt ra nhiều thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam.  

Nếu như trước đây, tư tường “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thật sự là kim chỉ nam để xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ, thì hôm nay, người lãnh đạo cao nhất đất nước- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại đề cao bản sắc “cây tre Việt Nam" trong quan hệ đối ngoại, nghĩa là vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức. Ngẫm lại thì phương cách đó còn có nội hàm rộng lớn hơn, không chỉ trong quan hệ đối ngoại.

Người xưa từng nói “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Vượt qua gian nan, thử thách, chúng ta sẽ có thêm sức mạnh, sức mạnh nội sinh.

Tin cùng chuyên mục