Vùng đồng bào Khmer khởi sắc vui Xuân đón Tết

Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL
Chia sẻ

VOV.VN - Nhiều năm qua, từ các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tại tỉnh Sóc Trăng triển khai kịp thời đã giúp đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Khmer trong tỉnh vươn lên, khởi sắc, đón tết Nguyên đán 2024 này trong niềm vui hạnh phúc và đầm ấm.

Năm 2024 là năm đầu tiên mà chị Sơn Thị Lan ở ấp Tà Ân A1, xã Thuận Hưng đón tết trong niềm vui phấn khởi nhất sau bao nhiêu năm lập gia đình.  Bởi với sự quan tâm của Trung ương và địa phương gia đình chị đã có mài ấm vững chắc từ chương trình tặng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo bức xúc về nhà ở.

Ngoài ra, chị còn được hỗ trợ 2 con bò thịt từ chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây được xem làm món quà ý nghĩa, thiết thực đối với gia đình và sẽ là hành trang để chị nỗ lực vươn lên ổn định cuộc sống trong năm mới.

"Trước đây không có nhà phải sống nhờ cha mẹ. Bây giờ gia đình vừa mới được nhà nước hỗ trợ nhà và 2 con bò, gia đình sẽ cố gắng chăn nuôi làm sao bò sớm sinh sản, tăng đàn để sớm đưa cuộc sống ổn định", chị Lan chia sẻ.

Tương tự là trường hợp của gia đình chị Danh Thị Sóc Kha ở ấp Sóc Xoài, xã Phú Mỹ. Không có tư liệu sản xuất nên đời sống lâu nay luôn chật vật từ năm này qua năm khác. Thu nhập ít ỏi từ công việc làm thuê của 2 vợ chồng chỉ đủ lo cho 2 đứa con, nên chuyện có vốn để xây nhà hay khởi nghiệp là không thể đối với gia đình, vì vậy khi được nhà nước, địa phương xét hỗ trợ được ngôi nhà Đại đoàn kết ấm áp cùng với 1 cặp bò thịt, chị rất phấn khởi.

"Vợ chồng vui lắm bởi bây giờ đã có nhà  ở ổn định rồi. Sắp tới, hai vợ chồng sẽ nỗ lực lao động vươn lên nữa, bà con kêu gì làm nấy để có thu nhập, ngoài ra tranh thủ nuôi bò để sớm tăng đàn", chị Danh cho biết.

Mỹ Tú là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với đồng bào Khmer chiếm hơn 26% dân số của huyện. Bà con đón tết nguyên đán  Giáp Thìn 2024 này trong niềm vui các phum sóc không ngừng đổi mới. Nhiều nhà tường kiên cố, khang trang vừa được xây mới, đường xá được mở rộng thông thoáng, các công trình phúc lợi xã hội, điện, đường, trường, trạm …được đầu tư khá hoàn chỉnh.

Xã Phú Mỹ với hơn 92% dân số là đồng bào Khmer sinh sống, mới đây bà con vừa đón niềm vui xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Tuyến đường trong xã đều được nhựa, bê tông hoá. Bà con ở đây cũng xây dựng được nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, như mô hình trồng lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh màu, màu dưới chân ruộng, nuôi bò thịt/bò sữa,... nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập với bình quân đầu người đạt gần 57 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, số hộ nghèo của xã Phú Mỹ chỉ còn 0,14%, hộ cận nghèo 3,52%.

Vui mừng trước sự khởi sắc của địa phương, ông Đồ Văn Cang, ở ấp Đai Úi, xã Phú Mỹ, chia sẻ: "Bà con Khmer ở đây rất phấn khởi trước sự quan tâm của  Đảng, Nhà nước, địa phương, bà con chúng tôi vui mừng trước sự phát triển, khởi sắc ở vùng nông thôn trên tất cả các lĩnh vực từ đường xá, trường học, điện cho tới trạm y tế… tất cả đều được đầu tư khang trang".

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân huyện Mỹ Tú, cho biết, các Chương trình mục tiêu quốc gia luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt. Trong giai đoạn 2022-2023, huyện Mỹ Tú được phân bổ nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là hơn 70,4 tỷ đồng.

Qua đó, huyện đã giải ngân hơn 56,5 tỷ đồng, đạt hơn 80%. Cùng với việc lồng ghép với các chương trình, dự án có liên quan như giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới,... tính đến cuối năm ngoái, 3 xã vùng dân tộc thiểu số gồm Phú Mỹ, Mỹ Thuận, Thuận Hưng đều đã đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện toàn huyện chỉ còn 182 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,61%; hộ cận nghèo là 1.425 hộ, chiếm hơn 4,7%.

Ông Nguyễn Thanh Phong, cho biết thêm: "Huyện đã hoàn thành Chương trình vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2023, với tổng số là 118 căn, tổng kinh phí thực hiện hơn 5 tỷ đồng. Trong thời gian qua, 3 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được quan tâm, ưu tiên đầu tư nhiều dự án, công trình nhằm đạt mục tiêu hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội góp phần tạo diện mạo, hoàn thiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới".

Sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc Khmer hôm nay ở huyện Mỹ Tú nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào. Đây chính là động lực giúp bà con thi đua, lao động sản xuất, từng bước vươn lên, xây dựng đời sống văn hóa, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, mang lại sự khởi sắc cho phum sóc và địa phương.

Tin cùng chuyên mục