Nhảy đến nội dung
Báo Xuân
Nghề khảm trai Chuyên Mỹ hình thành cách đây vài trăm năm, danh tiếng sản phẩm của những người thợ khảm trai Chuyên Mỹ làm ra có thể làm hài lòng những vị khách khó tính nhất thuộc giới chơi đồ gỗ mỹ nghệ khảm trai trong và ngoài nước.
Về chơi làng nghề Chuyên Mỹ những ngày giáp Tết có thể thấy những người thợ đang cần mẫn bên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ khảm trai đầy tinh xảo. Những nghệ nhân, thợ lành nghề nơi đây được thừa kế và phát huy những giá trị tinh hoa nghề truyền thống ông cha. Ông Phạm Văn Bắc (ở thôn Thượng, xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) là một trong những nghệ nhân nổi tiếng của làng nghề khảm ốc xà cừ đồ gỗ mỹ nghệ. Hơn 40 năm qua với sự tâm huyết, trí tuệ, đôi bàn tay khéo léo đã cho ra đời hàng vạn tác phẩm trạm khảm trai tinh xảo. Những tác phẩm của ông được bạn nghề, khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao.
Các sản phẩm thường dùng trong sinh hoạt như hộp phấn, khay, bình, lọ,... được khảm hình ảnh hoa lá, tre trúc, chim muông bằng trai ốc với giá cả hết sức đa dạng.
Ông Võ Uy Phong một khách chơi có thâm niên với đồ gỗ mỹ nghệ khảm trai cho biết, ngoài những nét tinh hoa trên tác phẩm người nghệ nhân thể hiện. Việc lựa chọn vỏ trai, vỏ ốc, vỏ hến cho phù hợp với sản phẩm là một khâu rất quan trọng để tạo nên một tác phẩm khảm trai. "Là người có đam mê chơi đồ gỗ quý khảm trai đặt hàng rất nhiều người làm nghề nhưng mỗi tác phẩm của anh Bắc đặc biệt hút hồn tôi bởi những hoa văn tinh tế, màu sắc của chất liệu khảm trai. "- ông Phong nói.
Theo ông Bắc ngoài sử dụng những loại vỏ trai truyền thống để làm các sản phẩm "Chúng tôi cũng nhập nguyên liệu vỏ ốc từ các vùng biển Singapore, Indonesia.... để làm nên các sản phẩm cao cấp phục vụ những khách hàng chơi tinh.
Một con ốc trai có xuất xứ Singapore với những đường vân và màu sắc óng ánh. Cân nặng của ốc tính theo giá vàng. "Khi tắt đèn, ốc sẽ phát quang, tuỳ theo từng góc nhìn sẽ ra 3 màu: đỏ lửa, vàng chanh và xanh lý".
Người thợ khéo léo ghép trai lên gỗ.
Những mảnh vỏ ốc sau khi được "pha" ra phục vụ cho tác phẩm.
Không chỉ khảm trai, theo yêu cầu của khách hàng người nghệ nhân phải nghiên cứu sáng tạo ghép lên gỗ những chất liệu không phải là trai hay ốc truyền thống.
Xưởng khảm trai của nghệ nhân Phạm Văn Bắc cũng đã truyền nghề cho rất nhiều thanh niên trong làng đến học việc. Nhiều người thành đạt có tay nghề cao.
Theo ông Bắc, nghề khảm trai khó hơn mọi nghề, một sản phẩm làm ra không chỉ qua rất nhiều công đoạn kỹ thuật khác nhau mà để có một sản phẩm thì phải liên quan đến bộ 5 người. Trong đó người làm thợ cưa, cắt; thợ đục, hoàn thiện; thợ hỏa… Đặc biệt, để các sản phẩm trở thành tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phải kén những loại gỗ quý có đường vân đẹp như: gỗ gụ, gỗ trắc... để thể hiện nội dung trong bức khảm.
Không chỉ là một nghệ nhân giỏi, ông Phạm Văn Bắc còn được biết đến là người có tấm lòng nhân ái, luôn rộng mở với những người có hoàn cảnh khó khăn.
Thương cảm với những mảnh đời éo le, ông bỏ tiền riêng mua đất, hỗ trợ xây nhà tình thương, chăm lo cho những mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa. Mỗi khi thấy ông sang chơi những người cơ nhỡ mừng vui xem ông như một người thân.
Theo ông Phong, có những thời điểm cơ sở của ông Bắc tiếp cả chục người từ người già, khuyết tật, trí tuệ không bình thường... được chăm sóc nuôi ăn ở miễn phí. Tết đến, Xuân về ông Bắc cũng chia sẻ giúp người cơ nhỡ có bánh chưng ăn Tết. Lòng hảo tâm, nhân ái của ông Bắc được người dân trong làng nể phục đánh giá cao.