Năm 2022 báo hiệu cánh én mùa xuân đã về

Sương Mai/VOV2
Chia sẻ

VOV.VN - Năm 2022 có thể vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng những cánh én mùa xuân đã về. Cuộc sống “bình thường mới” vẫn tiếp diễn. Chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vì sự phát triển của đất nước mới có thể giúp chúng ta đi qua đại dịch.

Nhìn lại năm 2021, hẳn cụm từ “chưa từng có” đã trở thành từ khóa. Những mất mát đau thương chưa từng có do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 với những biến chủng nguy hiểm. Những cuộc hồi hương chưa từng có khi người lao động, vì không tiếp tục duy trì cuộc sống nơi thành phố, phải trở về quê nhà. Hay một năm học chưa từng có khi hàng triệu học sinh phải dự khai giảng online, đón chào năm học mới qua màn hình tivi hay máy tính. Không chỉ có vậy, các em cũng phải quen dần với việc học và thi trực tuyến…

Rồi rất nhiều những hoạt động chống dịch cũng “chưa từng có” vì chưa bao giờ có điều xảy ra tương tự như thế, trong thực tế.

Và có cả những câu chuyện chưa từng có như chuyện về một nữ tài xế xe ôm công nghệ ở thành phố Hồ Chí Minh. Cô đã nhận cưu mang, cứu hộ hơn 150 chú chó, mèo, chủ yếu là của những người là F0, F1 phải đi cách ly, gửi nhờ. Nhiều người sau một thời gian quay trở lại đón thú cưng nhưng cũng không ít trường hợp, người chủ không còn có cơ hội trở lại đón chúng. Chuyện “chưa từng có” ở chỗ, khi số chó mèo bị bỏ rơi, không có người nuôi dần lên đến cả trăm con, chị Phượng – tên của người nữ tài xế lái xe công nghệ, đã phải vay mượn để chuyển chỗ ở mới xa khu dân cư, rộng rãi hơn, và hàng ngày, ngoài chạy xe ôm chị còn làm thêm đủ thứ việc để kiếm tiền nuôi đàn thú.

Sẽ có người không thể hiểu được hành vi của người phụ nữ này, thậm chí cho là gàn dở. Nhưng những ai yêu động vật đều thấy trân trọng, quý mến, bởi người làm được việc ấy chỉ có thể là người có trái tim thiện lương, biết thương xót những sinh linh yếu đuối, bơ vơ cho dù đó chỉ là những con vật bé nhỏ.

Và hẳn chúng ta cũng còn nhớ, hình ảnh người phụ nữ lam lũ ở Phan Thiết đã rút toàn bộ tiền tiết kiệm và số tiền mình có từ việc buôn bán hải sản, ra quốc lộ 1A phát tiền cho những người lao động đang trên hành trình trở về quê tránh dịch để giúp họ có chút lộ phí ăn uống và đổ xăng dọc đường.

Hành động đùm bọc, cưu mang đầy xót thương từ những người phải chật vật kiếm sống dễ làm người ta cảm động. Và những việc làm từ tâm, bột phát một cách chân thật của họ, hơn ngàn vạn lời nói, mang đến cho những người được giúp đỡ và cho cả những người thấy và biết, cảm giác ấm áp và sự tin tưởng về những điều tốt đẹp.

Một cộng đồng vững chắc được gắn kết bởi mỗi thành viên. Một quốc gia, dân tộc hùng cường không chỉ nhờ có lãnh tụ tài ba mà còn nhờ lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân.

Nước Nhật giàu, cả thể giới đều biết. Nhưng điều khiến quốc gia này được ngưỡng mộ lại là nhờ những phẩm chất nổi bật của người Nhật: tinh thần thép, tính kỷ luật và sự nhân văn. Là đất nước thường xuyên phải gánh chịu thiên tai như động đất, sóng thần nên tổn thất, mất mát, theo đó, cũng vô cùng to lớn. Và cách người Nhật đối mặt với nó là chủ động chấp nhận, bình tĩnh xử lý. Trong muôn vàn khó khăn, họ không hoảng loạn, luôn có ý chí, kỷ luật và giàu lòng tương thân, tương ái. Những hành động, việc làm tưởng như rất nhỏ, rất bình thường lại là minh chứng rõ ràng nhất cho cốt cách của người Nhật. Đó là ý thức tự giác, trật tự, không tranh giành, thậm chí nhường nhau khi nhận đồ cứu tế, cũng không có chuyện tăng giá các nhu yếu phẩm, vật dụng để trục lợi khi thảm họa xảy ra. Đó là cách người Nhật giữ gìn môi trường sạch sẽ kể cả trong thiên tai bởi họ yêu đất nước mình, luôn có tinh thần góp sức dựng xây.

Nhìn lịch sử một quốc gia khác tương đối gần chúng ta, Hàn Quốc. Tuyến đường cao tốc Gyeongbu nối liền Bắc-Nam, nối liền 2 thành phố lớn nhất Hàn Quốc là Seoul và Busan - được xây dựng vào cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước trong điều kiện thiếu tiền, thiếu cả kỹ thuật, công nghệ. Thế nhưng công trình này lại được hoàn thành trong thời gian ngắn nhất với kinh phí thấp nhất. Tuyến đường huyết mạch quốc gia quan trọng này đã trở thành một kỳ tích trong lịch sử cận đại Hàn Quốc không chỉ bởi nó đã tạo cơ sở, tiền đề để Hàn Quốc cất cánh, từ một nước nghèo trở thành một nước phát triển, mà còn bởi nó như một biểu tượng cho sức mạnh dân tộc, cho ý chí quyết tâm của người dân Hàn Quốc...

Đại dịch bệnh Covid-19 gây nên những tổn thất to lớn và đặt ra nhiều thử thách khó khăn cho các quốc gia, trong đó có đất nước chúng ta, với những điều “chưa từng có”.

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ ra tầm quan trọng của việc xác định và xây dựng hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong thời đại mới với trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách.

Bất cứ ở đâu, khi nào, các giá trị chỉ được khẳng định qua thử thách. Và những thử thách trong dịch bệnh, rất cần, đồng thời cũng giúp những giá trị: đoàn kết, đồng lòng, nhân ái… của người Việt tỏa sáng.

Những gương mặt phụ nữ bình dị được nói đến trong phần đầu bài viết đã lan tỏa những giá trị tốt đẹp ấy. Trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng y bác sĩ từ các bệnh viện Trung ương và địa phương vào tăng cường, hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh, thành phía Nam cũng với tinh thần dấn thân, hy sinh, vì cộng đồng đáng khâm phục.

Nhưng cũng còn đó, thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm, những hành vi gian dối, trục lợi khi đất nước có khó khăn, người dân cần được giúp đỡ, hỗ trợ. Vụ đại án thổi giá kit test Covid-19, có lẽ, sẽ đi vào lịch sử những ngày dịch bệnh như một điều đáng xấu hổ.

Dịch Covid-19 chưa biết khi nào mới chấm dứt, vẫn tiếp tục có những biến thể làm ta phải lo lắng. Năm 2022, đời sống xã hội, có thể, tiếp tục sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng những cánh én mùa xuân đã về. Cuộc sống “bình thường mới” vẫn tiếp diễn. Chỉ có tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vì sự phát triển của đất nước mới có thể giúp chúng ta đi qua đại dịch dù tổn thất nhưng sẽ ít tổn thương và giữ được niềm tin về một ngày mai thịnh vượng./.

Tin cùng chuyên mục