“Hừng đông” của những chiến sĩ ngoan cường

Kim Dung/VOV-TP.HCM
Chia sẻ

VOV.VN - Những tháng ngày cam go chống dịch dài đằng đẵng đang dần qua. Những chiến sĩ áo trắng ngoan cường mong chờ một năm mới sạch bóng “kẻ thù Covid-19”.

Những ký ức không quên

Những ngày giáp Tết, trên bảng phân công công việc của Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP. Thủ Đức, TP.HCM, lịch trực vẫn kín mít.

Bác sĩ Lê Bá Kông, Trạm y tế phường Bình Chiểu cho biết, 2 năm nay, nhân viên chống dịch đã quen với cái Tết khác biệt. Tết vẫn thường trực để tiếp nhận cuộc gọi cấp cứu, tư vấn cho F0 tại nhà. Thời gian gần đây, những cuộc gọi cấp cứu chuyển biến nặng, bệnh nhân thở oxy ngày càng thưa dần, không còn đầy “ám ảnh” như những ngày cao điểm, khi mà một ngày làm việc bắt đầu từ 3 - 4h sáng và kết thúc vào 2 - 3h sáng hôm sau.

“Thời điểm đầu tháng 7, phường Bình Chiểu ghi nhận mỗi ngày có khi 100 ca, trạm y tế liên tục nhận cuộc gọi cấp cứu, nhiều đến mức mọi người bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại. Các y bác sĩ đều phải làm việc đêm hôm, không có thời gian nghỉ ngơi mà vẫn không ít lần bất lực chứng kiến bệnh nhân tử vong ngay trước mặt. Trang thiết bị y tế không đủ đáp ứng, thiếu thốn từ phương tiện chống dịch cho đến xe cấp cứu, nhân lực”, bác sĩ Lê Bá Kông nhớ lại lúc cao điểm chống dịch.

Từ giữa tháng 7 trở đi, tình hình bắt đầu cải thiện hơn. Giữa áp lực đỉnh điểm, trạm kêu gọi đồng nghiệp, không chỉ y tế tư nhân ở TP.HCM mà cả tỉnh Bình Dương tham gia hỗ trợ. Sau đó, các tổng đài tư vấn 1022, hệ thống cấp cứu 115 tăng cường xe cấp cứu, y tế từ các địa phương khác hỗ trợ và đặc biệt là trạm y tế lưu động được thành lập, khu thu dung của địa phương ra đời, trang thiết bị, các gói thuốc A-B-C được cung cấp đầy đủ, máy tạo oxy, trạm oxy map hỗ trợ F0 tận nhà. Được hỗ trợ thêm nhân lực, vật tư y tế, Trạm y tế Bình Chiểu dần bắt đầu phát huy được vai trò.

Sau khi TP mở cửa, số F0 tại nhà gia tăng nhanh, gánh nặng lại đè lên trạm y tế. “Công việc đỡ căng thẳng hơn so với thời cao điểm dịch, nhưng chúng tôi vẫn như con thoi, phải căng mình ra làm, từ trực đường dây nóng 24/24, xử lý cấp cứu những ca F0, tiêm vaccine, thực hiện các chương trình chăm sóc sức khỏe khác, hỗ trợ thủ tục cho các F0... Thế nhưng, mệt mỏi vơi dần khi thêm nhiều người tiêm đủ vaccine, bệnh nhẹ hơn, tỷ lệ tử vong giảm. Giờ đây, nhìn lại là để bước tiếp”, bác sĩ Kông chia sẻ.

Còn với BS Phan Ngọc Huy, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 12 do Bệnh viện Da liễu phụ trách, nhớ lại những ngày đêm anh cùng đồng nghiệp ở trong tâm dịch, đôi lúc anh cảm thấy áp lực khi một ê-kíp 5 bác sĩ phải điều trị cho gần 200 bệnh nhân đều có bệnh nền nặng. Có lúc hai, ba bệnh nhân cùng ngưng tim, ê-kíp phải huy động nhân sự bên ngoài vào ép tim, sốc điện, hồi sức cho bệnh nhân. Mặc dù cuộc chiến khốc liệt, nhiều bệnh nhân ra đi mà không thể cứu chữa, anh và các nhân viên y tế động viên nhau phải chiến đấu đến cùng. Nhiều bệnh nhân tưởng chừng không vượt qua khỏi đã được điều trị xuất viện, giúp các y bác sĩ vững tâm chiến đấu.

Dịch bệnh dần được đẩy lùi, Sài Gòn từng bước khỏe lại, BS Huy về lại bệnh viện, tiếp tục khám chữa bệnh thường ngày, nhưng các đồng nghiệp ở Bệnh viện Dã chiến 12 vẫn tiếp tục thay phiên nhau, vừa tiếp nhận điều trị cho các F0, vừa đón nhận các bệnh nhân nhập cảnh mắc Covid-19 mang biến thể Omicron. “Thành phố giờ đang “bình thường mới”, các lực lượng y tế chi viện cho TP.HCM đã lần lượt rút quân. Các đồng nghiệp của tôi vẫn ở đó, đổ những giọt mồ hôi, gạt đi những lo âu riêng tư để gieo sự sống”, BS Huy tâm sự.

“Bình minh” ở “mặt trận” phía tây thành phố

Ngồi xếp lịch đảo quân cho năm mới 2022, PGS.BS Lê Minh Khôi (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), Phó Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) người bệnh Covid-19 lòng bồi hồi khó tả. Những chiến binh dày dặn nhất của trung tâm rồi cũng đến lúc phải trở về với cuộc sống đời thường. Họ đã chiến đấu miệt mài những tháng ngày qua, còn bao công việc, dự định chờ đón họ. Chưa bao giờ thực hiện việc đảo quân mà tỷ lệ thay đổi người làm khiến bác sĩ Khôi thấy trống trải như vậy, bởi anh phải chia tay những đồng đội đã cùng nhau vào trận chiến, đồng cam cộng khổ, đi qua những ngày tháng gian khó nhất.

Giao thừa năm mới 2022, Trung tâm Hồi sức tích cực tiếp nhận 2 ca bệnh từ tuyến dưới chuyển đến trong đêm. Các phòng bệnh vẫn sáng đèn, nhân viên y tế trực ca vẫn chăm sóc, chỉnh sửa máy móc, thăm nom bệnh nhân. Bác sĩ Khôi đi qua từng khu điều trị, gửi lời chúc năm mới khi gặp mọi người.

Tại nhà 4, nơi điều trị các bệnh nhân Covid-19 nhẹ mang bệnh lý nền, nhiều người sắp khỏi bệnh gửi lời biết ơn sự săn sóc của đội ngũ y bác sĩ trong thời gian qua. Ngoài sảnh, nhiều y bác sĩ cùng tập hợp, bật pháo hoa kim tuyến lóng lánh dưới ánh đèn điện, nắm tay cùng hò vui mừng giao thừa, giòn tan tiếng cười. “Với một người đã đi qua những tháng ngày khốc liệt, không có mong ước nào hơn là trận chiến sẽ tàn, màu xanh sẽ trở lại trên chiến trường và con tim sẽ đập lại nhịp đập bằng an nhất”, bác sĩ Khôi chia sẻ.

Hơn 3 tháng chiến đấu không ngơi nghỉ trong “mắt bão Covid-19”, bác sĩ Lê Minh Khôi chứng kiến và cảm nhận mọi giới hạn của cảm xúc, từng khoảnh khắc khốc liệt, những hoảng loạn, lo âu, đau thương xen giữa niềm vui mong manh trên từng hơi thở. Tất cả những rung động, thổn thức đến ngột ngạt trong phòng hồi sức đã tạc vào tâm khảm của vị bác sĩ tuyến cuối để anh cho ra đời cuốn sách “Phía Tây thành phố”, kể về những câu chuyện tại Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 nằm ở phía Tây TP.HCM. Cuốn sách này được Nhà xuất bản Trẻ phát hành vào đầu tháng 12/2021.

Mặt trận chống dịch ở “Phía Tây thành phố” giờ đã giảm đi những áp lực, mặc dù cánh cửa Omicron vẫn có thể hé mở, đe dọa cộng đồng nhưng y bác sĩ vẫn sẵn sàng chiến đấu. Sự cống hiến, hy sinh nhiều tháng ngày dài giờ đã mang lại nhiều niềm hy vọng hơn, ánh sáng cuối đường hầm đã rõ nét hơn, từ le lói đã bừng sáng hơn./.

Tin cùng chuyên mục