Đại sứ Pháp: Zero COVID đã từng rất thành công, nhưng giờ Việt Nam cần “thuần hóa” virus

Thi Uyên/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - “Zero COVID" đã từng cứu mạng hàng nghìn người dân Việt Nam, nhưng giờ là lúc cần “thuần hóa” và sống chung với virus để khôi phục kinh tế và đảm bảo các quyền lợi của người dân…

Nhân dịp xuân Nhâm Dần, phóng viên VOV.VN đã phỏng vấn ông Nicolas Warnery - Đại sứ CH Pháp tại Việt Nam về những hoạt động giữa hai nước; cũng như những quan điểm, góc nhìn và trải nhiệm của ông tại Việt Nam trong suốt một năm vừa qua.

Ông Nicolas Warnery đã đánh giá rất cao chiến lược Zero COVID của Việt Nam trong 3 đợt bùng phát đầu tiên của dịch COVID-19. Ông cho rằng, Zero COVID đã từng cứu mạng hàng nghìn người dân Việt Nam, nhưng giờ là lúc cần “thuần hóa” và sống chung với virus.

“Cú hích” trong quan hệ Việt-Pháp

PV: Tôi được biết Đại sứ đã trở về quê nhà, trực tiếp cùng đón Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính trong chuyến thăm chính thức tới Cộng hòa Pháp vào đầu tháng 11/2021. Theo Đại sứ, chuyến thăm này có đạt được những kỳ vọng ban đầu mà cả hai bên đã đặt ra không?

Ông Nicolas Warnery: Chúng tôi rất vui mừng khi được đón Thủ tướng Phạm Minh Chính trong chuyến thăm song phương ra nước ngoài đầu tiên. Đây cũng là một dịp để khẳng định hơn nữa mối quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp rất nhiều lãnh đạo, quan chức cấp cao của Pháp để trao đổi và khẳng định mối quan hệ này. Về phía Pháp, đây cũng là dịp để Pháp khẳng định Việt Nam là một nước đối tác chiến lược, một nước bè bạn trong khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tạo ra sung lực và một lộ trình rất rõ ràng trong mối quan hệ song phương giữa hai nước trong giai đoạn tới.

PV: Trong buổi họp báo trước khi Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường thăm Pháp, Đại sứ đã đề cập tới một số lĩnh vực mới và khá thú vị mà Pháp và Việt Nam có kế hoạch hợp tác như quân sự và hàng không vũ trụ. Vậy Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam đã chuẩn bị những bước triển khai như thế nào để thúc đẩy hai nước đạt được những mục tiêu này trong thời gian tới?

Ông Nicolas Warnery: Chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Minh Chính là một chuyến thăm khá dài và được chuẩn bị rất công phu. Do đó, trong khuôn khổ chuyến thăm, tất cả các lĩnh vực hợp tác như kinh tế, y tế, biến đổi khí hậu, văn hóa, giảng dạy tiếng Pháp, khoa học, công nghệ, quốc phòng và an ninh… đã được đề cập. Năm nay, Việt Nam và Pháp sẽ cùng nhau kỷ 30 năm thiết lập quan hệ quốc phòng.

Đây cũng dịp khẳng định mong muốn phát triển mối quan hệ song phương ngày càng sâu rộng của cả hai bên, kể cả trong những lĩnh vực công nghệ cao mang tính chiến lược như vấn đề vệ tinh.

Chuyến thăm của Thủ tướng chính là cú hích, sự thúc đẩy cho quá trình đó. Ngay trong chuyến thăm, tôi - Đại sứ Pháp tại Việt Nam và người đồng cấp– Đại sứ Việt Nam tại Pháp đã nhận được những chỉ thị, dự án quan trọng từ lãnh đạo hai nước.

Trong đó, dự án đường sắt Metro tại Hà Nội là một điểm nổi bật. Đại sứ quán Pháp có nhiệm vụ giám sát sát sao, thực hiện các biện pháp cần thiết để đảm bảo rằng cuối tháng 12/2022, phần nổi của tuyến đường sắt có thể đi vào hoạt động.

Sau chuyến thăm, rất nhiều thỏa thuận đã được ký kết. Bây giờ chính là thời điểm để hai bên thể hiện sự cam kết, tích cực thực thi các kế hoạch và ký kết đó.

PV: Đại sứ thấy việc bao phủ vaccine ở Việt Nam thế nào? Theo đại sứ, Việt Nam thay đổi cách chống dịch (thích ứng an toàn) có đúng thời điểm hay không?

Ông Nicolas Warnery: Việt Nam rất thành công trong chính sách Zero COVID trong 3 đợt dịch đầu tiên. Điều đó thể hiện qua số ca nhiễm bệnh ít, tỷ lệ tử vong thấp. Tuy nhiên khi biến chủng Delta xuất hiện trong đợt bùng phát thứ 4, thì chính sách này có lẽ không còn phù hợp nữa.

Bởi biến chủng Delta có tốc độ lây lan rất nhanh, diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong lớn. Điều này đặc biệt đúng ở các tỉnh phía Nam.

Tôi nghĩ rằng, trong chính bối cảnh như vậy, Việt Nam đã thay đổi chính sách trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19: thích ứng an toàn. Điều kiện tiên quyết để thực hiện chính sách này là người dân phải được tiêm phòng COVID-19.

Theo tôi quan sát, Việt Nam đã thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên quy mô lớn và tốc độ nhanh. Đó là cơ sở để Chính phủ Việt Nam thay đổi chính sách chống dịch, nới lỏng một số yêu cầu khá chặt chẽ trong giai đoạn Zero COVID.

Về phía Pháp, để đồng hành cùng chính sách này của Việt Nam, trong năm 2021, Pháp đã viện trợ 2 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX. Trong năm 2022, Pháp có thể tiếp có những khoản viện trợ mới khi cần thiết.

Giãn cách xã hội đã cứu sống hàng nghìn người Việt Nam

PV: Theo đại sứ, các biện pháp chống dịch của Chính phủ Việt Nam có gây hạn chế cho quyền lợi của người Việt Nam, cũng như người nước ngoài ở Việt Nam hay không?

Ông Nicolas Warnery: Rõ ràng các biện pháp hạn chế về mặt y tế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống và hoạt động của mọi người dân. Nhưng đó là các hoạt động cần thiết để Việt Nam có thể hạn chế việc virus xâm nhập từ nước ngoài và bùng phát trong cộng đồng. Phải nói rằng,  những nỗ lực đó của Chính phủ đã cứu sống hàng nghìn mạng người ở Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine ở Việt Nam đã khá cao ở thời điểm hiện tại. Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải tính toán lại để có những chính sách phù hợp hơn. Đây là vấn đề không phải chỉ riêng Việt Nam mà các nước như Pháp hay Châu Âu cũng đang phải đối mặt: Sống chung với dịch COVID-19, với sự cẩn trọng.

Tôi nghĩ rằng năm 2022 sẽ là thời điểm chúng ta phải “thuần hóa” virus để sống chung.

PV: Đại sứ có một nhiệm kỳ rất đặc biệt, khi cả 3 cái Tết ông đã trải nghiệm ở Việt Nam đều diễn ra trong hoàn cảnh dịch bệnh bùng phát. So với cái Tết đầu tiên, cái Tết thứ 3 này của Đại sứ có gì khác biệt?

Ông Nicolas Warnery: Dù đều diễn ra trong điều kiện dịch bệnh, nhưng 3 cái Tết của tôi có rất nhiều khác biệt.

Khi tôi đón cái Tết đầu tiên của Việt Nam, tôi vẫn còn nhớ Đại sứ quán Pháp đã chia nhân viên thành hai nhóm tách biệt do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để nếu có nhân viên trong một nhóm nhiễm bệnh thì Đại sứ quán vẫn còn nhân lực để hoạt động được. Quả thật, lúc đó, tôi không biết chúng tôi sẽ phải chia tay nhau trong bao lâu.

Cách đây 2 năm, chúng ta đã có những thông tin đầu tiên, nhưng chưa ai hiểu rõ về dịch bệnh. Còn ở thời điểm hiện tại chúng ta đã có những hiểu biết, trải nghiệm nhất định. Chúng ta hiểu rằng đây là một loại virus với nhiều biến chủng nguy hiểm. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng có vaccine. Các biện pháp tiếp cận cũng chủ động hơn rất nhiều.

Đại sứ quán Pháp cũng có một cây đào!

PV: Bằng chính trải nghiệm của mình, theo Đại sứ, cái Tết của người nước ngoài ở Việt Nam khác biệt cái Tết của người bản địa như thế nào? Điều gì khiến ông cảm thấy thú vị nhất?

Ông Nicolas Warnery: Quả thực là có sự khác biệt rất lớn. Với những người nước ngoài Tết chỉ là một kỳ nghỉ. Họ có thể tận dụng thời gian này để gặp gỡ bạn bè hoặc đi du lịch. Trái lại, với người Việt Nam, Tết chính là dịp đoàn tu, sum vầy gia đình hoặc về quê để gặp gỡ anh em, họ hàng.

Nhưng đối với những người nước ngoài đã có một thời gian ở Việt Nam, chúng tôi ngày càng quen với cái Tết của Việt Nam. Chúng tôi có thể nhận ra những dấu hiệu của ngày Tết đang đến gần: Đào, quất xuất hiện trên phố, không khí náo nức ùa về,… Đó là những đặc trưng của Tết ở Việt Nam. Năm nay trong Đại sứ quán Pháp, chúng tôi cũng có một cây đào!

Cũng nhân dịp xuân mới, tôi xin được gửi lời chúc tới đọc giả của VOV, cũng như người dân Việt Nam một năm mới tràn đầy niềm vui, thịnh vượng và nhiều may mắn!

PV: Xin cảm ơn và chúc mừng năm mới ngài Đại sứ./.

Tin cùng chuyên mục