“Tôi xây kênh radio trên Youtube”
VOV.VN - Nhà báo Chu Trung Đức là phóng viên của Kênh VOV Giao thông, Đài TNVN. Năm 2023, nhà báo Chu Đức mở mini studio tại nhà, vừa để phục vụ cho công việc ở cơ quan, vừa phục vụ cho đam mê đọc truyện và làm podcast. Chỉ sau 6 tháng, kênh của anh đã có gần 40.000 người theo dõi và họ đến với anh hoàn toàn qua giọng nói.
Nếu coi các nền tảng mạng xã hội là đối thủ, các loại hình đưa tin truyền thống như phát thanh, truyền hình gần như sẽ thua ngay từ “vòng gửi xe”. Thay vào đó, việc trở thành đối tác với họ sẽ tạo ra hướng tiếp cận mới với lớp công chúng khổng lồ. Tôi nghĩ vậy, và đã thử xây dựng một kênh radio trên youtube.
Đầu năm 2023, cơ quan sửa chữa trụ sở. Ngoại trừ bộ phận phát sóng, các phóng viên, biên tập viên, giám chế được đề nghị chuyển sang trạng thái làm việc từ xa. Vốn đã quen với điều kiện làm việc ở nhà từ mùa dịch Covid-19, chúng tôi không khó để thích nghi với việc ít lên cơ quan. Lúc này, tôi bắt tay vào thực hiện dự định ấp ủ đã lâu, đó là xây dựng một phòng thu nhỏ/mini studio ngay tại nhà. Nó vừa giúp nâng cao hiệu quả làm việc, sản xuất các tin, bài phát thanh, vừa phục vụ một đam mê của tôi là đọc truyện và làm podcast.
Vì sao lại là Youtube?
Trước khi bắt tay xây dựng một kênh radio trên internet, tôi đã tham khảo nhiều mạng xã hội và quyết định lựa chọn youtube. Đó là một nền tảng thích hợp để thực hiện các video dài (trên 30 phút), giao diện sử dụng thân thiện. Youtube phiên bản trả phí cũng có tính năng chạy được khi tắt màn hình. Điều này thúc đẩy xu hướng nghe đang ngày càng tăng, trong bối cảnh người dùng muốn thực hiện song song nhiều công việc như tập thể dục, rửa bát đĩa hay lái xe,… nhưng cũng không muốn bỏ lỡ thông tin họ quan tâm. Một điều khá quan trọng khác: Nếu đáp ứng đủ điều kiện làm đối tác (kênh có 500 người đăng ký, 3.000 giờ xem), việc chia sẻ doanh thu từ hiển thị quảng cáo trên video cũng khá hấp dẫn, ở mức đủ để khuyến khích nhà sáng tạo nội dung.
Lựa chọn chủ đề và phong cách
Do muốn tập trung làm phát thanh, tôi tìm hiểu một số mô hình thực hiện dạng video đơn giản, ít hoặc thậm chí không cần xuất hiện mặt, không cần quay hình ảnh động. Sau khi cân nhắc, tôi quyết định làm video dưới dạng hiển thị một bức hình xuyên suốt từ đầu đến cuối, kèm thêm phần chữ và hiệu ứng đồ họa của sóng âm thanh. Chủ đề chia sẻ của tôi là về các hiện tượng bí ẩn trong cuộc sống. Đây cũng là lĩnh vực tôi yêu thích và rất tò mò tìm hiểu. Khi thì tôi đọc truyện, lúc thì nói chuyện dưới dạng podcast. Với kinh nghiệm làm phát thanh, tôi cố gắng tìm ra cách thu hút người nghe ngay từ những giây đầu tiên bằng nhạc nền ấn tượng, cách đọc trầm lắng, gợi trí tò mò, thêm tiếng động phù hợp để làm sinh động diễn biến câu chuyện. Tôi coi đó như một dấu ấn riêng của kênh.
Nội dung và tác quyền
Về nội dung, tôi tự tổng hợp từ những nguồn mở. Ví dụ, các câu chuyện được người dùng chia sẻ trên các diễn đàn, các phần nhạc nền, tiếng động được cung cấp miễn phí trên thư viện của youtube, hoặc được cung cấp miễn phí kèm điều kiện từ các đơn vị nắm giữ bản quyền. Song song với đó là một việc làm tối quan trọng khi xây dựng kênh youtube: Mua tác quyền.
Thực tế, thị trường dòng văn học tâm linh, bí ẩn tại Việt Nam cũng phát triển tỉ lệ thuận với sự bùng nổ các kênh đọc truyện trên youtube trong khoảng vài năm trở lại đây. Vấn đề mua tác quyền để thể hiện tác phẩm trên internet cũng được coi là một sự ứng xử văn minh. Nó ngày càng được coi trọng và kiểm soát tốt hơn.
Nếu đọc một nội dung chưa được mua tác quyền, hoặc xin phép từ tác giả, việc khiếu nại sẽ được google giải quyết nhanh chóng. Kênh vi phạm bản quyền, tác quyền sẽ bị đình chỉ, thậm chí bị xóa khỏi nền tảng.
Làm internet radio, tôi được dịp làm việc với một số tác giả trẻ, như Thảo Trang, tác giả loạt truyện “Tết ở làng địa ngục”, “Kẻ ăn hồn” mang đậm màu sắc dân gian vùng cao, đã được chuyển thể lên phim truyền hình và điện ảnh; Trung Kiên, tác giả của nhiều truyện tâm linh làng quê, đi sâu vào tín ngưỡng thờ Mẫu; Nguyễn Thanh Hùng với loạt truyện phản ánh chân thực về nạn đói năm 1945 hay Nguyễn Nam, Diễm Hằng, Lê Huy Cường, Nguyễn Quốc Huy, các tác giả của nhiều truyện phiêu lưu, khám phá những điều bí ẩn ở các vùng miền đất nước…
Những tác phẩm của họ đều hướng tới việc giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc, những điều kiêng kỵ, hiện tượng dân gian bí ẩn, đồng thời phê phán những thói hư, tật xấu, sự bạc ác, nêu bật triết lý nhân - quả trong suy nghĩ, lối sống của người đời. Đọc và nghe các tác phẩm được mua tác quyền cũng là cách tôn trọng lao động sáng tạo, khuyến khích những cây viết trẻ tiếp tục tìm tòi trong lãnh hạt của mình.
Tối ưu hóa, kỷ luật và đón chờ công chúng
Sau khi làm ra được file radio dưới dạng video theo đúng ý mình, tôi tìm hiểu cách thức để khoác lên nó một giao diện thu hút, từ ảnh đại diện, đến các từ khóa trong tiêu đề, mô tả, thẻ tag, những đường link liên kết, hình ảnh thu nhỏ lúc kết thúc. Hoàn thành một video xong, nhưng muốn thành công và lôi kéo công chúng, tạo thói quen cho họ quay trở lại kênh, cần phải làm hàng trăm video với chất lượng và thời lượng tương đương. Vì vậy, tôi đặt ra một quy trình và thời khóa biểu làm việc khoa học, kỷ luật, để có thể làm từng này công việc hàng ngày, gồm: đọc, dựng audio, thiết kế ảnh đại diện, ảnh nền, xuất video, làm SEO (tối ưu hóa) video, mà không ảnh hưởng tới công việc chính ở cơ quan.
Khi đã trải qua được những cửa ải đó, việc còn lại là chờ youtube… mỉm cười. Thời gian để được nền tảng này đề xuất video đến nhiều người là tùy thuộc vào từng kênh, từng nội dung. Có kênh vài ngày, có kênh vài tuần, có kênh vài tháng. Tôi may mắn được công chúng đón nhận ngay từ những video đầu tiên, họ phản hồi khá tích cực về giọng nói, giọng đọc. Đến nay, hệ thống kênh của tôi có tổng cộng trên 50.000 người đăng ký, với 10 triệu lượt xem, 4 triệu giờ nghe. Một con số khiêm tốn so với các kênh đọc truyện lớn, nhưng là một cột mốc ý nghĩa với tôi, một người kể chuyện.
Sức mạnh của âm thanh, giọng nói trong thời đại số
Bí quyết để những video đạt triệu view trên các nền tảng số, ngoài hình ảnh chiếm một nửa, nửa còn lại là chất lượng âm thanh. Vì vậy, nội tại các bản ghi âm radio đã có một ưu thế cực lớn. Một nửa còn lại tạo nên thành công khi hướng đến các nền tảng số, đó là sự tương thích về format, giao diện và tối ưu. Một chương trình phát thanh khi đăng tải lên spotify sẽ khác, đăng lên facebook, youtube sẽ khác, và lên tiktok lại càng khác. Trong thời đại công nghệ số lên ngôi, kể cả sự xuất hiện của các giọng đọc AI, đó là vừa là thách thức, cũng là thời cơ để phát thanh vươn mình, thậm chí tỏa sáng giữa “cuộc chơi” đa phương tiện. Qua một dự án thử nghiệm nho nhỏ với kênh radio trên youtube, tôi nhận ra mình đang nói chuyện hằng ngày với hàng chục nghìn khán, thính giả trên khắp cả nước và cả nước ngoài chỉ thông qua giọng nói.
“Ngọn lửa” của âm thanh vẫn luôn “cháy” âm ỉ ngay cả trên một nền tảng video.
Ngay lúc này, tôi cũng đã nảy ra trong đầu rất nhiều dự định mới, với những kênh phát thanh của riêng mình trên internet.