Nhà báo Phạm Nhung: “Mong muốn khán giả có cái nhìn khách quan nhất về đại dịch”

Minh Thư/Báo VOV (thực hiện)
Chia sẻ

VOV.VN - Phim tài liệu về Covid-19 “Việt Nam - Cuộc chiến 100 ngày” của VTC14 đoạt giải Bạc tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc lần thứ 40.

Nhà báo Phạm Nhung, người tổ chức sản xuất kiêm biên tập bộ phim đã chia sẻ với phóng viên VOV những khó khăn mà ekip gặp phải trong quá trình thực hiện bộ phim.

Không ngại “nằm vùng”

PV: Chúc mừng thành công của ekip! Bạn có thể chia sẻ những trải nghiệm đáng nhớ khi thực hiện bộ phim tài liệu này?

Nhà báo Phạm Nhung: Ban đầu, chúng tôi có một kịch bản và câu chuyện rất hay. Mọi việc tưởng như thuận lợi. Nhưng người tính không bằng trời tính! Khi bắt đầu triển khai bộ phim, tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam diễn biến phức tạp và thay đổi rất nhanh. Chúng tôi thực hiện câu chuyện ở Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) rất kỳ công, nhưng vào giây phút cuối thì nhân vật chính (bệnh nhân số 0 hay còn gọi là bệnh nhân siêu lây nhiễm) lại từ chối hợp tác.

Diễn biến câu chuyện từ đó thay đổi vì nhân vật xuyên suốt câu chuyện không tham gia, có nghĩa là bộ phim không thể thực hiện được nữa. Tôi đã dùng mọi cách để thuyết phục bệnh nhân. Những cuộc điện thoại dài tới 30 phút  không mang lại kết quả gì. Chúng tôi tìm đến tận nhà bệnh nhân nhờ cha mẹ, họ hàng thuyết phục, thậm chí nhờ đến cả trưởng thôn, chủ tịch xã… rồi cả bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng không thay đổi được tình hình.

Câu chuyện ấn tượng mà chúng tôi muốn thể hiện trong phim đã bị dập tắt, chúng tôi buộc phải chuyển hướng khác. Tôi tìm được một nhân vật khác và thể hiện câu chuyện theo hướng mới. 5 người trong ekip tác nghiệp tại Vĩnh Phúc, nằm vùng ở đó nhiều ngày. Có những ngày, các thành viên trong nhóm mặc bộ đồ chống dịch loay hoay với nhân vật trong một căn phòng rộng chỉ chừng 10m2 suốt từ 8h sáng đến 17h chiều trong thời tiết nắng nóng chỉ vì muốn có được khuôn hình ưng ý, có được câu chuyện tốt nhất từ nhân vật.

Nhóm 5 người còn lại tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai cũng rất ấn tượng. Khi Bạch Mai có dịch, mọi người cảm thấy sợ hãi. Ngày thường vào viện đã sợ, giờ còn sợ hơn. Lúc đó, VTC14 là kênh đầu tiên ở Đài VTC quyết định đưa ekip vào BV Bạch Mai. Ban lãnh đạo VTC14 đã có chỉ đạo rất sớm và quyết liệt. Từ lúc lên kế hoạch đưa ra phương án đến lúc đưa ekip vào bệnh viện diễn ra chỉ trong 1 ngày. Dù vào vùng dịch nhưng các thành viên trong nhóm ai cũng sẵn sàng. Nửa tháng tác nghiệp tại Bệnh viện Bạch Mai, team chúng tôi thu được những câu chuyện rất ấn tượng về những người bệnh ở lại, những y bác sĩ trong cuộc chiến chống dịch, những ca cấp cứu đặc biệt… Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ hình ảnh từ kênh VTC1 và các cộng sự khác để hoàn thành bộ phim này.

PV: Như bạn đã chia sẻ, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim đã có lúc ekip định bỏ dở. Vậy động lực nào khiến các bạn tiếp tục hoàn thành bộ phim này?

Nhà báo Phạm Nhung: Đúng là chúng tôi từng có ý định bỏ dở khi thực hiện bộ phim này. Bởi vì lúc đó tình hình dịch thay đổi, mọi kế hoạch, câu chuyện của mình không được như ban đầu đặt ra... Buồn có, chán nản có, thất vọng có! Nhưng chúng tôi chỉ ngưng 1-2 hôm để lấy lại tinh thần. Quan trọng là  chúng tôi nhận được sự động viên, sự chỉ đạo sát sao của Ban lãnh đạo kênh VTC14, vì thế, chúng tôi không cho phép mình bỏ cuộc. Ngay từ khi dịch mới xuất hiện, vào đầu năm 2020, Giám đốc Kênh VTC14 là anh Hoàng Trọng Hiếu đã chỉ đạo phải triển khai bộ phim này để khán giả có cái nhìn khách quan nhất về đại dịch, về những gì mà người dân Việt Nam phải đối mặt trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh có tính lịch sử này. Vì thế, chúng tôi lại nỗ lực thực hiện bộ phim.

Ai cũng cầu thị và hướng đến mục đích chung

PV: Trong quá trình tác nghiệp, các bạn đã đặt ra những nguyên tắc làm việc như thế nào để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm?

Nhà báo Phạm Nhung: Chúng tôi tuân thủ nghiêm túc sự chỉ dẫn của các cán bộ y tế khi tác nghiệp tại vùng dịch, từ bệnh viện tại Sơn Lôi đến Bệnh viện Bạch Mai. Chúng tôi hiểu rằng, nếu để lây nhiễm thì không chỉ bản thân bị ảnh hưởng mà cán bộ nhân viên, cơ sở y tế đó cũng bị ảnh hưởng. Cho nên, khi tác nghiệp tại vùng dịch, chúng tôi tuân thủ chặt chẽ quy định phòng dịch do bệnh viện hướng dẫn. Chúng tôi mặc bộ đồ chống dịch, đeo kính và miếng chắn bảo vệ khi tác nghiệp với bệnh nhân. Ngoài ra, các trang thiết bị của chúng tôi từ mic, pin, chân mic… đều được bọc màng bảo vệ. Việc tuân thủ đeo khẩu trang và sát khuẩn tiệt trùng mỗi khi ra vào khu vực có dịch đều được chúng tôi thực hiện chuẩn chỉnh, an toàn nhất.

PV: Hiệu quả làm việc nhóm được phát huy như thế nào trong quá trình các bạn thực hiện bộ phim?

Nhà báo Phạm Nhung: 10 người tham gia thực hiện bộ phim có sự phân công và điều phối công việc rất nhịp nhàng. Nói như vậy không có nghĩa là việc nào cũng trôi chảy, vẫn có những việc không thuận lợi theo ý định ban đầu. Khi chúng tôi hoàn thành phần tiền kỳ, thực hiện phần hậu kỳ cũng rất vất vả. Trong lúc dựng phim cũng có nhiều khúc mắc, nhiều bất đồng nảy sinh khi thấy có những ý tưởng chưa thể hiện hết được, thậm chí anh chị em có những lúc cáu gắt, bức xúc với nhau. Nhưng cáu nhau chỉ một lúc rồi thôi để sau đó ngồi lại với nhau hoàn thành bộ phim.

Làm phim là thế, khi làm việc theo nhóm, ai cũng muốn ý tưởng của mình được thể hiện, nhưng làm thế nào để hoàn thành bộ phim một cách tốt nhất đòi hỏi mỗi người phải có sự cầu thị và cùng hướng đến mục đích chung.

PV: Sự chỉ đạo của lãnh đạo Đài có ý nghĩa như thế nào trong việc giúp nhóm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao?

Nhà báo Phạm Nhung: Nếu không có sự sát sao của lãnh đạo Đài, lãnh đạo kênh VTC14, chúng tôi khó có được giải thưởng danh giá  này. Không chỉ là sự chỉ đạo về chuyên môn, các anh còn rất quan tâm tới sự an toàn của nhóm, từ việc ăn uống, ngủ nghỉ tại nơi tác nghiệp đến việc triển khai tin, bài hằng ngày làm sao để đảm bảo an toàn  nhất. Đó là động lực rất lớn giúp chúng tôi hoàn thành tốt bộ phim./.

Tin cùng chuyên mục