Dấu ấn những chuyến công du của lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong năm 2022

Ngọc Linh/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Sau 2 năm dịch bệnh, Việt Nam chính thức mở cửa trở lại, đánh dấu bằng các hoạt động ngoại giao nhộn nhịp trong năm 2022. Trong đó, các vị lãnh đạo chủ chốt của đất nước đã thực hiện hàng loạt chuyến công du và để lại dấu ấn đậm nét.

Định hướng chiến lược cho quan hệ Việt Nam- Trung Quốc

Cuối tháng 10, đầu tháng 11 năm 2022, Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức nước CHND Trung Hoa theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Đây sự kiện đặc biệt quan trọng với hai nước và thành công tốt đẹp trên tất cả các phương diện.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất nước ngoài đầu tiên mà Trung ương ĐCS Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội 20. Hai bên đã ra Tuyên bố chung 13 điểm, bao gồm những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả lĩnh vực trong thời gian tới.

Việt Nam và Trung Quốc đã đạt được nhất trí trong nhiều nội dung hợp tác thực chất như tăng cường kết nối giữa Khuôn khổ "Hai hành lang, một vành đai" với Sáng kiến "Vành đai và Con đường", thúc đẩy tiến trình mở cửa thị trường cho một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, mở các văn phòng thương mại Việt Nam tại Trung Quốc.

Về vấn đề trên biển, hai bên cho rằng, kiểm soát thỏa đáng bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông vô cùng quan trọng, đồng ý tiếp tục thúc đẩy thực hiện "Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), sớm đạt được "Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông" (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Hai nước nhất trí kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp.

Nâng cấp quan hệ Việt Nam- Hàn Quốc lên mức ‘Đối tác chiến lược toàn diện”

Đầu tháng 12/2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn đại biểu Cấp cao Việt Nam đã tiến hành thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc - chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam tới Hàn Quốc kể từ khi nước này có Tổng thống mới.

Kết quả nổi bật nhất của chuyến thăm là Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk Yeo đã Tuyên bố nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Hàn Quốc về chuyến thăm. Việc nâng cấp quan hệ là dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ phát triển mới, mạnh mẽ và thực chất hơn nữa đối với quan hệ hai nước. Bên cạnh đó, hai bên cũng đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về các phương hướng lớn và biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển theo đúng tinh thần của khuôn khổ quan hệ mới.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện có thể hiểu là hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc sẽ được tăng cường, mở rộng một cách toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị - đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư, cho tới giáo dục, khoa học công nghệ, giao lưu nhân văn- xã hội… Đặc biệt các mối quan hệ và các mặt hợp tác đó sẽ đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Trong chuyến thăm này, các cơ quan và doanh nghiệp hai bên đã ký kết 24 văn kiện hợp tác, trong đó có 16 thỏa thuận hợp tác, cam kết giao ước, đề xuất đầu tư mới và mở rộng với tổng giá trị ước tính khoảng 15 tỷ USD.

Việt Nam ủng hộ Indonesia đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023

Vào những ngày cuối cùng của năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thực hiện chuyến thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Indonesia- một trong những Đối tác chiến lược quan trọng của Việt Nam.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký kết và trao đổi 3 thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực phòng chống khủng bố; hợp tác đấu tranh chống tội phạm buôn bán ma túy, chất hướng thần và tiền chất; và hợp tác năng lượng và tài nguyên khoáng sản. Hai nhà lãnh đạo đánh giá cao việc hai nước hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982.

Về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, hai bên khẳng định thúc đẩy tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng và bền vững; phấn đấu đạt 15 tỷ USD hoặc cao hơn trước năm 2028. Chủ tịch nước đã đề nghị Indonesia xóa bỏ các rào cản thương mại và các biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa của Việt Nam, mở cửa hơn nữa cho xuất khẩu của Việt Nam tiếp cận thị trường Indonesia và hợp tác phát triển ngành công nghiệp Halal phù hợp với văn hóa Hồi giáo.

Lãnh đạo hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực quan trọng khác, nhất là quốc phòng, an ninh, hợp tác biển, tăng cường kết nối, giao lưu nhân dân, địa phương và doanh nghiệp. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tích cực ủng hộ Indonesia đảm nhận thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2023, góp phần tăng cường đoàn kết ASEAN và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN.

Đối thoại thẳng thắn về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam- Hoa Kỳ

Năm 2022, người đứng đầu Chính phủ- Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thực hiện nhiều chuyến công du ra nước ngoài. Tháng 5/2022, nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN – Hoa Kỳ, Thủ tướng đã thăm và làm việc tại Hoa Kỳ và Liên Hợp Quốc.

Đây là chuyến công tác nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng trong bối cảnh Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 trên phạm vi toàn quốc, tự tin mở cửa trở lại.

Trong chuyến công tác này, Thủ tướng đã tham dự hơn 60 hoạt động song phương và đa phương ở các tầng nấc khác nhau. Lãnh đạo các bộ, ngành tháp tùng có hơn 40 cuộc gặp, làm việc, tọa đàm với các đối tác về các lĩnh vực kinh tế, thương mại, tài chính, ngân hàng, an ninh, quốc phòng, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo…

Về quan hệ song phương, Thủ tướng đã có các cuộc gặp với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Phó Tổng thống Kamala Haris, Chủ tịch thường trực Thượng viện Hoa Kỳ Patrick Leahy, Chủ tịch Hạ viện Pelosi, các Bộ trưởng quan trọng nhất trong nội các, giới học giả, các doanh nghiệp tập đoàn hàng đầu và đông đảo đại diện bà con kiều bào từ Bờ Đông tới Bờ Tây. Tất cả các giới đều coi trọng quan hệ với Việt Nam, khẳng định tôn trọng thể chế chính trị, ủng hộ Việt Nam mạnh, độc lập, thịnh vượng, mong muốn quan hệ song phương ngày càng phát triển sâu rộng, hiệu quả.

Hai bên đã trao đổi thực chất, đối thoại thẳng thắn về quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ và các định hướng phát triển trong thời gian tới, khai thác tối đa tiềm năng, cơ hội hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại - đầu tư, tiếp tục phối hợp giải quyết hiệu quả các vướng mắc, bảo đảm cán cân thương mại song phương hài hòa, bền vững, ưu tiên các lĩnh vực mới mà Việt Nam có nhu cầu và Hoa Kỳ có thế mạnh và nguồn lực như công nghệ mới, kinh tế số, năng lượng sạch…

Thúc đẩy hợp tác thực chất giữa Việt Nam với 3 nước châu Âu

Trung tuần tháng 12/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN-EU và thăm chính thức Đại Công quốc Luxembourg, Vương quốc Hà Lan và Vương quốc Bỉ. Lãnh đạo cấp cao các nước đều đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển năng động nhất, nhiều tiềm năng nhất trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn.

Cộng đồng doanh nghiệp của cả 3 nước rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Lãnh đạo các nước ủng hộ việc triển khai đầy đủ, hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và bày tỏ mong muốn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVPIA) sớm được phê chuẩn để thúc đẩy hơn nữa đầu tư của châu Âu vào Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực mới, công nghệ cao, chiến lược.

Trong chuyến thăm này, Việt Nam đã tranh thủ thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực 3 nước có thế mạnh nhằm phục vụ các mục tiêu an ninh – phát triển của Việt Nam. Với Luxembourg, đó là việc kết nối tiếp cận với nguồn vốn đầu tư và tài chính với điều kiện ưu đãi, nhất là tài chính xanh, thông qua việc sớm thiết lập Đối tác chiến lược về tài chính xanh. Với Hà Lan và Bỉ là đẩy mạnh hợp tác về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, thành lập các trung tâm công nghệ cao theo mô hình 3 bên (Chính phủ, Viện nghiên cứu, doanh nghiệp) như Trung tâm đổi mới sáng tạo Brainport của Hà Lan.

Ngoại giao Nghị viện thúc đẩy ngoại giao Nhà nước

Năm 2022, ngoại giao Nghị viện được ghi dấu bằng nhiều chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến các nước: Hungary, Anh, Australia, New Zealand, Campuchia và Cộng hòa Philippines.

Các chuyến thăm này là bước triển khai thiết thực chủ trương Đối ngoại quan trọng của Đại hội Đảng lần thứ XIII, đó là tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, các đối tác chiến lược đi vào chiều sâu. Tại một số nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về tình hình thế giới và khu vực; chính sách đối ngoại của Việt Nam, những ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới. 

Lần đầu tiên trong lịch sử ngoại giao nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Australia, góp phần thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược của Việt Nam với Astralia lên một tầm cao mới. Tại Australia và New Zealand, Việt Nam đã ký hơn 20 thoả thuận hợp tác giáo dục đã được ký giữa các trường đại học danh tiếng.

Trong các chuyến thăm này, ngoài việc ký kết ký Thỏa thuận hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp các nước nhằm thiết lập quan hệ nghị viện, nâng tầm hợp tác chính trị, kinh tế và văn hóa với Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ còn tham dự nhiều diễn đàn kinh tế nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước.

Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội cùng thăm chính thức Campuchia

Tháng 11 năm 2022, nhân dịp đến Campuchia dự các hội nghị cấp cao của khu vực ASEAN, cả Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đều thực hiện chuyến thăm chính thức nước này.

Trong chuyến thăm của Thủ tướng, hai bên đã ra Tuyên bố chung, cam kết đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, không để thế lực thứ ba nào sử dụng lãnh thổ của nước này để chống lại nước kia, xâm phạm lợi ích của nước kia. Đó cũng là yếu tố rất quan trọng đảm bảo cho hai nước có thể phối hợp cùng duy trì hòa ninh ổn định để phát triển trong tương lai.

Hai bên đã ký 11 văn kiện hợp tác trên rất nhiều lĩnh vực như thương mại, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải, nông nghiệp, lao động, thông tin truyền thông, dân tộc và tôn giáo. Doanh nghiệp hai nước cũng ký kết một số hợp đồng và thỏa thuận kinh doanh đã làm phong phú kết quả chuyến thăm và làm sâu sắc hơn hợp tác giữa hai nước.

Còn trong chuyến thăm chính thức Campuchia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hai bên đã đề cập đến những vấn đề vừa mang tính vĩ mô, vừa cụ thể của hai nước như vấn đề bảo hộ người Việt Nam tại Campuchia, việc di dời người Campuchia gốc Việt khỏi khu vực lòng hồ và những hoạt động khác để hỗ trợ cho công dân của Việt Nam ở nước ngoài. Chuyến thăm này cũng gợi mở những mô hình liên kết mới giữa ngành nông nghiệp hai nước, giúp ổn định sinh kế cho bà con và đặc biệt là kết nối thị trường thủy sản giữa Việt Nam và Campuchia.

Đây là những hoạt động rất có ý nghĩa nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia, năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam- Campuchia ./.

 

Tin cùng chuyên mục