Chuyến tác nghiệp khó quên ở đất nước Triều Tiên bí ẩn
VOV.VN - Cầm tờ quyết định nhận nhiệm vụ đi công tác Triều Tiên nhân kỷ niệm 70 năm quốc khánh của nước này khiến trong lòng tôi lẫn lộn cảm xúc. Chuyến đi thực sự là niềm mơ ước đối với bất kỳ phóng viên nào nhưng phải thú thật, lo lắng trong tôi lớn hơn sự háo hức lên đường.
Vì là địa bàn đặc biệt, chúng tôi đã được cung cấp một bản lưu ý rất dài về những điều nên và không nên làm ở Triều Tiên trước khi đi. Tuy đã thuộc nằm lòng những lưu ý nhưng thực tế hoạt động tác nghiệp báo chí ở đất nước này vẫn khiến tôi bị “sốc” toàn tập.
Sau hành trình kéo dài hai ngày, bao gồm hơn 20 giờ đồng hồ nối chuyến ở Bắc Kinh, cuối cùng tôi cũng đặt chân đến được đất Triều Tiên. Ngay khi qua cửa an ninh, chúng tôi đã được người hướng dẫn tiếp cận để chào hỏi. Đáng chú ý ở chỗ, họ không cần cầm bảng tên mà vẫn đón đúng người cần đón. Có lẽ những người làm nhiệm vụ hướng dẫn phóng viên quốc tế tác nghiệp dịp này đã học thuộc khuôn mặt của đối tượng họ chịu trách nhiệm quản lý trong thời gian tác nghiệp ở Triều Tiên.
Đoàn phóng viên sau đó được bố trí lên xe buýt để về khách sạn nhận phòng. “Quán triệt” quan điểm từ nhà, tôi xin phép muốn chụp một vài bức ảnh kỷ niệm qua cửa kính ô tô. Thật bất ngờ, người hướng dẫn của chúng tôi mỉm cười nói: “Ok!” và cho biết, tôi có thể chụp bất kỳ những gì tôi thích. Điều này hoàn toàn trái ngược với tưởng tượng trước đó của tôi khi đọc được những thông tin nói về việc hạn chế khi quay phim, chụp ảnh ở Triều Tiên, thậm chí là có thể bị kiểm tra máy, xóa những hình ảnh không phù hợp. Thực tế là không ai làm biện pháp cưỡng ép này trong những ngày chúng tôi hoạt động báo chí ở Triều Tiên.
Người hướng dẫn bí ẩn
Theo lời giới thiệu, người hướng dẫn hai phóng viên VOV là một nhân viên của Ủy ban Thông tin, Bộ Ngoại giao Triều Tiên có tên Jong Hyon Chol, 31 tuổi. Jong thống nhất với chúng tôi gọi anh là J.J cho thân mật. J.J rất nhiệt tình hướng dẫn làm thủ tục tác nghiệp, anh cũng luôn mỉm cười ái ngại khi chúng tôi tỏ ra bất ngờ với những khoản phí phải đóng khi hoạt động báo chí ở Triều Tiên. Có một điều đáng lưu ý là ở Triều Tiên, mọi hoạt động tác nghiệp của báo chí không hề có khái niệm “miễn phí”.
Buổi tối hôm đầu tiên ở Triều Tiên, J.J hẹn chúng tôi xuống sảnh khách sạn để trao đổi về kế hoạch tác nghiệp trong ngày hôm sau. Đó là cuộc trò chuyện của “những người bạn” theo cách nói của J.J, chỉ đơn giản bởi chúng tôi đến từ Việt Nam – nơi có Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cũng vì chúng tôi đến từ đất nước có Bác Hồ mà J.J quyết không để chúng tôi trả tiền cho 3 ly bia và khoai tây sấy – thứ miễn phí duy nhất mà chúng tôi được trải nghiệm một lần ở Triều Tiên.
Câu chuyện của chúng tôi kéo dài hơn dự kiến vì J.J rất muốn tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam. Anh chàng nắm khá rõ về lịch sử Việt Nam, về Bác Hồ và về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. J.J còn hỏi tôi về thời kỳ Đổi mới, khi tôi nói về năm 1986, anh chàng lập tức ngắt lời và cho rằng đổi mới thực sự chỉ bắt đầu vào đầu những năm 1990. Câu nói của J.J làm tôi bất ngờ và cẩn thận hơn trong việc chia sẻ. J.J tiếp tục hỏi tôi về quan hệ Việt-Mỹ, câu trả lời của tôi rằng Việt Nam mở cửa hội nhập, muốn làm bạn với tất cả các nước chứ không riêng gì một quốc gia cụ thể đã khiến J.J không tiếp tục hướng câu chuyện đi theo hướng đó.
J.J ở cùng khách sạn chúng tôi lưu trú và không về nhà vào buổi tối, kể cả khi đoàn không có chương trình gì. Trong suốt những ngày chúng tôi hoạt động báo chí ở Triều Tiên, J.J không ngăn cản hay tỏ ra khó chịu khi chúng tôi tác nghiệp nhưng chẳng bao giờ để chúng tôi thoát khỏi tầm mắt. Ngoài những lúc hướng dẫn chúng tôi hoạt động báo chí, J.J luôn cầm trên tay những tờ giấy A4 photo, khi tôi tò mò muốn biết cậu ta đang đọc gì, J.J vui vẻ chia sẻ đó là câu chuyện về những nhân vật có công trong việc định hình vai trò của Liên Hợp Quốc trong giải quyết các vấn đề của thế giới hiện nay (J.J từng có thời gian làm việc cho UNICEF).
Sau một thời gian, khi những câu chuyện của chúng tôi dường như đã trở nên thân thiết hơn, tôi hỏi J.J sao không tranh thủ buổi tối về nhà với vợ con (J.J thường khoe ảnh và clip cậu con trai 3 tuổi và nói rất nhớ con), cậu cười: “Khi các bạn lên máy bay rời khỏi đây, tôi sẽ được về nhà”.
Làm việc phải có đủ “500 anh em”
Đoàn phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp dịp kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên rất đông. Mỗi lần di chuyển đến địa điểm tác nghiệp theo sắp xếp của Ban tổ chức, hàng trăm phóng viên được bố trí lên khoảng gần 20 xe buýt. Xe chỉ khởi hành sau khi Ban tổ chức điểm danh không thiếu bất kỳ một phóng viên nào. Không có chuyện xe nào đủ người trước được phép xuất phát trước. Điều này gây ra không ít bất tiện mỗi khi có người xuống muộn, thật không may, điều này vẫn luôn xảy ra và dù đôi khi chỉ di chuyển quãng đường mất 10 phút cả đoàn vẫn phải đợi đến 40 phút để xe có thể khởi hành.
Mỗi chuyến tham quan của đoàn phóng viên đều thực hiện nghiêm kỷ luật “đi đến nơi, về đến chốn”. Khi có ai đó ngỏ ý muốn xe có thể dừng lại để ghi hình, chụp ảnh đường phố Bình Nhưỡng, câu trả lời luôn là cái lắc đầu. Tất cả có thể thoải mái tác nghiệp ở điểm đến đã được ban tổ chức lựa chọn chứ không phải trên đường phố hay tại một địa điểm ngẫu hứng nào đó.
Chuyến tham quan ga tàu điện ngầm ở Bình Nhưỡng của đoàn phóng viên quốc tế hôm 6/9 có lẽ là dịp hiếm hoi phóng viên có thể tiếp cận người dân. Điều lạ lùng ở chỗ, có một số rất ít người hào hứng, sẵn sàng trả lời phỏng vấn.
Càng đến sát ngày kỷ niệm 70 năm Quốc khánh Triều Tiên, điều kiện tác nghiệp càng bị thắt chặt. Chiều tối 8/9, ngay sau khi bước xuống xe trở về sau chuyến tham quan một hợp tác xã kiểu mẫu của Triều Tiên, cánh phóng viên nhận được lệnh thu hết máy móc để kiểm tra.
Chúng tôi nằm trong nhóm 4, nhóm gần cuối được kiểm tra an ninh nhưng cũng không được phép có mặt muộn hơn các đoàn bạn. J.J cũng không tiết lộ điều gì đang diễn ra mà chỉ nhắc tôi nên kiếm chút đồ ăn nhẹ vì “tối nay sẽ rất dài”. Tôi hỏi các phóng viên bạn: “Điều gì đang xảy ra ở đây vậy?”, tất cả chỉ nhún vai lắc đầu và nói “Không biết!”. Trong khi chẳng thể hiểu chuyện gì đang diễn ra và sẽ diễn ra, tôi càng hoang mang hơn khi J.J kêu đau dạ dày, mặt anh chàng tái mét ôm bụng đứng lom khom và tỏ vẻ căng thẳng cao độ trong khi vẫn động viên chúng tôi đừng lo lắng vì chúng tôi không làm gì sai cả, cứ yên tâm.
Màn kiểm tra an ninh lạ lùng
Việc kiểm tra an ninh của Triều Tiên cũng hoàn toàn khác với những sự kiện trước đây tôi từng tham dự. Tất cả những gì phóng viên dự định mang theo bên mình tới nơi tác nghiệp được cho vào một giỏ nhựa, các nhân viên an ninh của quân đội Triều Tiên mang tất cả đồ đạc vào một phòng kín, không ai biết họ làm gì với máy quay, máy ảnh. Từng nhóm nhỏ phóng viên sau khi nhận lại đồ được đưa thẳng ra cửa, không hiểu họ được dẫn đi đâu và những người đứng sau cũng ko thể hỏi với theo để biết tình hình.
Quá trình kiểm tra an ninh diễn ra trong khoảng 2-3 giờ đồng hồ, bữa tối khi đó trở thành một điều xa xỉ, mọi người chỉ có thể ăn bánh mang theo từ nhà, uống nước tại chỗ bởi có thể tới lượt kiểm tra bất cứ lúc nào. Không ai được mang theo điện thoại, laptop đến sự kiện kể cả những thành viên của đội hướng dẫn nước chủ nhà. Lo lắng của tôi chỉ tạm lắng xuống khi nhận được máy ảnh của mình, bước qua cửa kiểm tra an ninh một lần nữa trước khi được đưa thẳng ra xe.
Trên chiếc xe buýt lúc này không một ánh đèn, đường phố Triều Tiên ban đêm cũng rất tối, không có đèn đường. Mỗi xe đều có nhân viên an ninh của quân đội đi kèm. Khi tôi hỏi J.J là chiếc xe đang đưa chúng tôi đi đâu, cậu ta chỉ nói “Đến nơi thì rõ”. Chúng tôi chỉ biết mình sẽ được đến xem buổi hòa nhạc mừng Quốc khánh Triều Tiên khi đã đặt chân tới địa điểm tổ chức buổi biểu diễn. Xe vừa dừng lại, chúng tôi nhận được lệnh chạy thật nhanh vì buổi biểu diễn có sự tham dự của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sắp bắt đầu.
Buổi biểu diễn hoành tráng, ấn tượng với âm thanh, ánh sáng được dàn dựng tuyệt vời nhưng cánh phóng viên chẳng ai còn đủ sức để thưởng thức sau màn chiến đấu tâm lý và thể lực đầy khó khăn. Gần 0h sáng 9/9, xe đưa đoàn phóng viên trở về từ buổi biểu diễn, những tưởng một ngày dài mệt mỏi đã kết thúc nhưng một lần nữa đoàn phóng viên lại nhận được yêu cầu phải kiểm tra an ninh lần nữa. Tất cả lại bắt đầu lại từ đầu, đúng trình tự như khi đi và lại mất khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Lịch làm việc chỉ có vào giờ chót
Sau khi các thiết bị được bàn giao cho an ninh, mỗi đoàn phóng viên nhận được một “ticket” để nhận đồ… trước khi khởi hành vào sáng hôm sau. Chúng tôi được yêu cầu về phòng nghỉ ngơi và người hướng dẫn sẽ gọi điện thoại để thông báo lịch làm việc cụ thể sau. Tôi về phòng nhưng cũng ko dám đặt lưng xuống vì sợ ngủ quên, lỡ lịch làm việc. Lúc này, mì ăn liền mang từ nhà sang là thứ duy nhất có thể xua đi cơn đói và cảm giác mệt lả. Trong 4 ngày ở Triều Tiên, chúng tôi chỉ có duy nhất 2 bữa không phải ăn mì. Chính vì lịch làm việc không được báo trước khiến mọi người không thể chủ động trong bữa ăn, giấc ngủ và phải luôn trong tư thế sẵn sàng, ăn nhanh, ngủ vội.
2h30 sáng ngày 9/9, chuông điện thoại reo, lịch chốt đoàn xe sẽ khởi hành vào 5h30. Giấc ngủ ngắn không đủ để xua tan mệt mỏi. Hàng trăm phóng viên lại được đưa lên xe (không thiếu một ai) để đến quảng trường Kim Nhật Thành đưa tin lễ diễu binh mừng 70 năm Quốc khánh Triều Tiên.
Xe vừa dừng bánh, tất cả ùa chạy thật nhanh để cố giành cho mình vị trí đẹp nhất trên quảng trường. Quãng đường không quá xa nhưng với lỉnh kỉnh thiết bị mang theo khiến mọi người đều thấm mệt. Những tưởng mọi thứ đã sẵn sàng cho hoạt động tác nghiệp, bất chợt, dàn phóng viên nước chủ nhà đồng loạt bê thang dàn ngang trước vị trí các phóng viên quốc tế. Có rất nhiều phàn nàn, những câu hỏi được đặt ra nhưng phía chủ nhà chỉ đáp lại bằng những nụ cười, không có lời giải thích.
Nếu không cố thì “xôi hỏng bỏng không”
Ở nhà, tôi đã được khuyến cáo không mang theo ống tele >200mm. Vì không muốn rắc rối ở đất nước bí ẩn, tôi tuyệt đối tuân thủ. Tuy nhiên, không hiểu sao các cơ quan báo chí nước ngoài vẫn có thể sử dụng ống 600mm. Bất lợi buộc tôi phải nghĩ cách luồn ra sát rìa đường nơi đoàn diễu binh đi qua để tác nghiệp. Mỗi lần bị nhắc nhở, tôi lại lùi lại một chút, sau đó lại dần tiến lên phía trước… với suy nghĩ trong đầu, đã sang được đến đây nếu không cố thêm một chút thì “xôi hỏng bỏng không” cả chuyến đi.
Sau 4 giờ đồng hồ phơi nắng trên quảng trường, đoàn xe được đưa trở về khách sạn và khâu kiểm tra an ninh lại bắt đầu, chuẩn bị cho buổi đồng diễn ariang vào buổi tối cùng ngày.
Triều Tiên có bố chí trung tâm báo chí cho phóng viên với chi phí 100 USD mở 1 đường truyền internet và duy nhất chỉ một máy tính có thể kết nối với đường truyền đã thuê. Vì phải đứng canh chỗ để kiểm tra an ninh cho cuộc tiếp theo, tôi quyết định không thuê cổng internet để gửi tin về một phần vì chi phí quá đắt cho việc gửi 1 cái tin và thứ nữa là cũng không dám chắc mình có đủ thời gian để làm việc đó hay không vì mọi hoạt động tiếp theo có thể bất ngờ diễn ra bất kỳ khi nào. Nếu muốn có một chiếc SIM điện thoại có thể phát 3G để cơ động hơn trong công việc, chi phí phải bỏ ra là 250 USD và cứ mỗi MB sử dụng phải mất 2 USD. Đó thực sự là điều quá xa xỉ với một phóng viên Việt Nam.
Vừa đứng xếp hàng kiểm tra an ninh, vừa tranh thủ viết tin, xử lý ảnh. Tôi may mắn nhờ được email của một người bạn để gửi tin về và đó cũng là liên lạc duy nhất của chúng tôi với thế giới bên ngoài trong những ngày có mặt ở Triều Tiên.
Gửi tin và ăn xong gói mì, chúng tôi lại lao vào một cuộc chen chúc, xô đẩy khác để có thể vào sân vận động May Day xem buổi đồng diễn “Tổ quốc rạng rỡ”. Gọi là cuộc chen chúc, xô đẩy bởi đám đông hàng nghìn người phải dùng mọi kỹ thuật, mọi khả năng, mọi chiêu trò để lách thật nhanh qua cửa chỉ có 2 nhân viên an ninh của quân đội Triều Tiên đứng soát vé.
Khu vực tác nghiệp cho phóng viên trong sân vận động quá chật hẹp, đồ nghề của phóng viên Việt Nam cũng không thể đọ lại dàn thiết bị hùng hậu của phóng viên các nước khác. Đứng bằng nửa bàn chân trên bục khán đài suốt 3-4 giờ đồng hồ khiến bàn chân tôi tê buốt nhưng bù lại thì lần đầu tiên tôi cũng được chứng kiến màn “đặc sản” đồng diễn thực sự ấn tượng khó quên.
Còn rất nhiều những điều lần đầu tôi phải đối mặt, vượt xa sức tưởng tượng khi tác nghiệp báo chí ở Triều Tiên. Có vất vả, có mệt nhọc nhưng đó thực sự là trải nghiệm không dễ được nếm trải lần thứ hai. Chia tay chúng tôi ở sân bay, J.J ra tận cửa lên tàu bay, ôm tôi và nói: “Có những phóng viên vì lý do này lý do kia không được chào đón ở đất nước tôi thêm một lần nào nữa nhưng tôi luôn mong muốn được gặp anh và Đào (chị Hường – người cùng đoàn với tôi) trở lại thăm Bình Nhưỡng”.