Thị trường tài chính-tiền tệ 2023: Một năm nhiều biến động
VOV.VN - Năm 2023 kết thúc, đón năm 2024 với nhiều kỳ vọng về một năm mới bớt khó khăn hơn. Nhìn lại diễn biến tài chính-tiền tệ năm 2023, các chuyên gia kinh tế nhận định: ít ngân hàng trung ương nào trên thế giới phải cáng đáng đa mục tiêu như ở Việt Nam, từ kiểm soát lạm phát, tỷ giá, tín dụng đến cả an sinh xã hội.
Giới phân tích quốc tế tiếp tục đánh giá cao khi Việt Nam kiểm soát lạm phát, tỷ giá thành công, tăng trưởng cao thuộc hàng đầu thế giới, dù bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế vô vàn khó khăn.
Lùi lại mốc thời gian khoảng giữa năm 2022, xác định tỷ giá là một trong những điểm nhạy cảm nhất đối với điều hành vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước đã nâng lãi suất điều hành và làm chậm nhịp cấp “room” tín dụng để ổn định tỷ giá. Khi tỷ giá ổn định, từ tháng 6/2023, Ngân hàng Nhà nước liên tục giảm các loại lãi suất điều hành.
Tính đến nay, đã 4 lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất chủ chốt với mức giảm 0,5 – 2,0%/năm. Đây là cách điều hành được giới phân tích đánh giá là “hoàn toàn khác biệt” bởi cả thế giới vẫn chưa dừng lại việc nâng lãi suất, thắt chặt tiền tệ cho đến tận thời điểm hiện tại.
Việc liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đánh giá là linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường để hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ, qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, trong chuyến thăm và làm việc tại NHNN gần đây đánh giá: “Có thể nói, hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ tỷ giá đang được phát huy tốt, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Hai năm qua, kinh tế thế giới đã trải qua các cú sốc lớn, việc điều hành tỷ giá linh hoạt hơn đã giúp Việt Nam vượt qua những cú sốc”.
Đến nay, mặt bằng lãi suất đã có xu hướng giảm (lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng giảm khoảng hơn 1,0% - 2%/năm so với cuối năm 2022) . Với tác động có độ trễ của chính sách sau những lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nhận định: “So với đầu năm 2023 thì mức lãi suất huy động đã giảm khoảng 3-4%, tuy nhiên chúng ta thấy lãi suất cho vay có giảm nhưng giảm chưa nhiều. Khi lãi suất huy động giảm thì tôi cũng kỳ vọng rằng lãi suất cho vay cho các doanh nghiệp cũng sẽ giảm xuống, từ đó hỗ trợ các doanh nghiệp quay trở lại, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Từ đầu năm 2023, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% (cao hơn tăng trưởng các năm trước), có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Tuy nhiên, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến 13/12/2023, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 9,87%, cách xa so với mục tiêu cả năm trong khi chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm.
Chưa bao giờ, ngân hàng lại phải đi chữa bệnh “thừa tiền” như Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: “Thừa tiền khó hơn nhiều so với thiếu tiền. Các ngân hàng thương mại nói vui là đang thừa tiền, giống như các doanh nghiệp đang tồn kho hàng hóa, ngân hàng cũng đang tồn kho tiền”.
Về giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nêu ý kiến: “Cần có giải pháp, cách tiếp cận khác thì mới gỡ được vấn đề. Tôi mong Ngân hàng Nhà nước, hệ thống ngân hàng can đảm, tiếp cận doanh nghiệp không phải theo nghĩa đánh giá triển vọng, khó khăn bằng con số, mà bằng xu hướng, bằng tiềm năng”.
Nhìn nhận ở góc độ cầu tín dụng, theo bà Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia, vấn đề nghiêm trọng của tín dụng tăng trưởng thấp hiện nay là do cầu của nền kinh tế đang yếu.
“Vấn đề quan trọng là cầu nền kinh tế hiện nay quá yếu, báo cáo nghiên cứu của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho thấy khảo sát gần 10.000 doanh nghiệp cho thấy, gần 60% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời khó khăn nhất của doanh nghiệp hiện nay là đơn hàng. Khi không có đơn hàng hoặc đơn hàng ít thì buộc doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất. Như vậy, có tiếp cận tín dụng cũng không có đầu ra của sản phẩm. Còn việc cho rằng lãi suất cao cũng là một khía cạnh” - bà Nguyễn Thị Mùi nói.
Thị trường tài chính- tiền tệ đã có những “ổn định trong bất định” nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng hết tháng 7 đã vượt mức 3% (3,56%). Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 7/2023 là 5,22%. Chưa tính đến khi thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn hoãn nợ hết hiệu lực vào tháng 6/2024 sẽ gây áp lực rất lớn đến tình trạng tài chính của các ngân hàng thương mại.
Trong khi đó, thị trường bất động sản tiếp tục trầm lắng, tiềm ẩn rủi ro, rất nhiều dự án không thể tiếp tục triển khai, ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này tạo ra những thách thức không nhỏ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ của năm 2024.
TS. Trần Dục Thức, trường đại học TP.HCM đánh giá: “Trích lập dự phòng vẫn tăng thể hiện dù đã có hỗ trợ nhưng nợ xấu các ngân hàng vẫn gia tăng, điều đó nói nên nền kinh tế đang gặp khó khăn. Các khoản phải thanh toán của trái phiếu doanh nghiệp, khiến nhiều người dự báo nợ xấu sẽ gia tăng đầu năm 2024, sự khó khăn trầm lắng khiến việc bán tài sản gặp khó khăn, doanh nghiệp không có tiền thanh toán trái phiếu, thanh toán các khoản vay ngân hàng”.
Dự báo, năm 2024, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ đối diện nhiều khó khăn. Tình trạng tín dụng tăng thấp được dự báo sẽ còn tiếp diễn do cầu tiêu dùng vẫn ở mức thấp trên toàn cầu và cả trong nước. Có một phần do lãi suất cho vay của các ngân hàng dù đã giảm xuống, nhưng vẫn còn cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận trước thuế còn thấp, có nhiều ngành còn thấp hơn cả lãi suất huy động, thậm chí có một số ngành, đơn vị còn bị lỗ.
Trong khi đó, Cục dự trữ liên bang Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất, điều này sẽ ảnh hưởng đến điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Nợ xấu toàn ngành ngân hàng có xu hướng tăng. Nhiều ngân hàng đã đưa ra một khối lượng lớn tài sản thế chấp, để giải chấp, nhưng rất chậm, do phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản.
Vấn đề an toàn hệ thống được các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước sớm phân loại và chỉ ra một số ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, tuy nhiên đây vẫn là trọng tâm trong kiểm tra, giám sát năm 2024 để không xảy ra rủi ro tín dụng, mất an toàn hệ thống.