Nhà sáng chế “chân đất” đưa trí tuệ Việt ra thế giới

Ngọc Vũ/Báo TNVN
Chia sẻ

VOV.VN - Chỉ được học hết lớp 7 nhưng từ năm 2012 đến nay, anh nông dân Phạm Văn Hát (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã sáng chế thành công trên 40 loại máy phục vụ nông nghiệp, lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Những chiếc máy anh Phạm Văn Hát chế tạo giá bán chỉ bằng 1/3 - 1/10 máy của các nước khác và hiệu quả theo lời khách hàng là “cao và hoàn toàn khác biệt”.

“Tôi mong mỏi các ban, ngành hỗ trợ, chung tay kết hợp để tôi có thể sản xuất nhiều máy với giá rẻ hơn nữa đưa đến được với nhiều người nông dân, giúp họ đỡ vất vả. Như vậy, người dân cũng tạo ra được những sản phẩm với giá thành hạ, tăng tính cạnh tranh trên thương trường, tạo ra thương hiệu sản phẩm của người Việt”.

Những sáng chế không để trong... tủ kính

Không hẹn trước nên khi tôi đến nhà, “anh Hát sáng chế” đã bận đi công việc. Vợ anh vừa trông nom nhà, vừa bận rộn tiếp khách đến mua nông cụ. Một khách hàng ở xã bên xuýt xoa: “Các máy móc và nông cụ do anh Hát chế tạo mang tính thực tiễn rất cao, dễ sử dụng, đưa vào ứng dụng được ngay trên đồng ruộng và phù hợp với lối canh tác nông nghiệp nước mình, giá cả lại rẻ. Chị có người chồng là “vàng 4 số 9” đấy”. Vợ anh tủm tỉm xác nhận: “Chu đáo với gia đình và không chơi bời, lúc nào anh ấy cũng chỉ nghĩ tới công việc và sáng chế các loại máy móc”.

Hơn nửa tiếng sau, anh Hát về tới nhà. Trong bộ đồng phục công nhân màu xanh dương, anh nhanh nhẹn tới bắt tay tôi, hồ hởi: “Tôi vừa đi đặt các xưởng cơ khí làm cho vài phụ kiện. Phải chuẩn bị sản xuất thêm máy phục vụ vụ lúa Đông Xuân này”. Xen lẫn tiếng búa đập, tiếng loảng xoảng của những vật dụng bằng kim loại va vào nhau, tiếng cắt sắt, hàn, khoan... anh kể: “Trước đây, tôi từng mở xưởng cơ khí sửa chữa công nông. Năm 2007, khi xe công nông bị cấm hoạt động, tôi đầu tư làm trang trại trồng rau an toàn. Tuy nhiên, thời điểm này người dân vẫn chưa quen với khái niệm rau sạch, rau an toàn nên tôi bị thua lỗ, ôm khoản nợ gần 4 tỷ đồng”.

Sau thất bại ấy, năm 2010, anh Hát quyết định sang Israel - một đất nước có nền nông nghiệp hiện đại - với hy vọng làm để trả nợ, đồng thời học cách làm nông nghiệp công nghệ cao. “Làm việc trong một trang trại, tôi nhận ra: Đất nước của họ hiện đại nhưng có nhiều cái vẫn phải làm thủ công, ví dụ như việc rải phân. Vậy là tôi đề xuất thử chế tạo máy. Khi máy được đưa ra thử nghiệm, hiệu quả rất tốt, chủ trang trại đã tăng lương cho tôi để tôi chỉ chuyên nghiên cứu, sáng chế. Sau đó, tôi sáng chế thêm được một số máy phục vụ nông nghiệp. Tôi bắt đầu có “lửa” sáng chế từ đó. Người ta thưởng, tăng lương cho tôi, thời điểm ấy tính ra tiền Việt lên đến 50 triệu đồng/tháng. Thế nhưng tôi nghĩ: Làm thuê thì không thể làm giàu, mà phải làm chủ. Bởi vậy, dù ở nhà lúc ấy còn nợ mấy tỷ đồng, tôi vẫn quyết định về nước”, anh Hát nhớ lại.

Năm 2012, anh Hát mở xưởng cơ khí, bắt đầu xây dựng lại từ con số âm. Dân làng đàm tiếu rằng anh sang Israel ăn cắp ý tưởng, mẫu máy về làm. “Tôi phải gạt bỏ hết đàm tiếu, quyết tâm lập nghiệp. Rồi sau một thời gian, những máy móc tôi sáng chế khi đưa vào ứng dụng mang lại hiệu quả cao đã giúp tôi minh oan”, anh Hát trải lòng.

“Rô-bốt gieo hạt” - sản phẩm đầu tiên anh chế tác thành công, cũng là sản phẩm để lại nhiều cảm xúc và trở thành động lực sáng chế cho anh sau này. Chiếc máy này không chip, không rơ-le, không máy nén khí mà chỉ có 1 mô-tơ, 1 quạt gió, công suất tiêu thụ chỉ 200W nhưng tốc độ gieo hạt nhanh gấp đôi so với các máy khác trên thế giới. Anh cho hay: “Một lần, thấy anh trai không thuê được người gieo hạt rau giống cho kịp thời vụ, tôi đã nảy ý tưởng chế tạo một chiếc máy rải hạt giống. Sau gần 2 năm ấp ủ nghiên cứu, năm 2014, chiếc rô-bốt gieo hạt đã ra đời, có cả hai tính năng gieo mặt đất và gieo chìm, nhanh chóng được nhiều người tìm mua bởi cho hiệu quả cao lại không phải lo sửa chữa vì máy có cấu tạo đơn giản”. Với giá 35 triệu đồng/chiếc, có những năm anh Hát bán được gần 200 chiếc. Đến nay, “Rô-bốt gieo hạt” đã có ở 63 tỉnh, thành trong nước và 14 nước trên thế giới. Sau thành công này, nhiều người đến đặt tôi chế tạo các loại máy mà họ cần. Cứ vậy, từ đó đến nay, anh Hát làm chưa bao giờ hết việc.

Năm 2015, anh Hát sáng chế thành công máy phun thuốc trừ sâu. Máy phun có sải cánh bề ngang 20 - 25m nên chỉ cần 7 - 10 phút là máy phun được 1 mẫu ruộng. Đặc biệt, hệ thống điều khiển cánh tay phun được thiết kế bằng thủy lực nên vận hành rất nhẹ nhàng, thuận tiện, khi cần có thể điều chỉnh hạ thấp cho sát cây lúa để phun thuốc sâu được tới sát gốc. Anh bảo: “Thấy khâu phun thuốc trừ sâu rất độc hại, nặng nhọc, sau nữa là thanh niên đi làm công nhân hết nên không có người làm, vậy là tôi nghĩ tới sáng chế máy phun thuốc trừ sâu”. Máy phun thuốc trừ sâu của anh Hát đã có mặt cả ở trong Nam ngoài Bắc và các nước Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Australia...

Chiếc máy tiêm vaccine cho gia cầm được một tập đoàn của Đức đặt sáng chế với mong muốn sao cho đơn giản, hợp lý và giá bán giảm 1/3 so với máy của Đức có giá 35 triệu đồng/chiếc. Thế nhưng khi anh Hát sáng chế xong và đưa vào sử dụng hiệu quả mà giá bán chỉ 1 triệu đồng/chiếc khiến cả tập đoàn ngạc nhiên, thán phục.

Muốn khẳng định vị thế của người Việt

Anh Hát chia sẻ: “Vì hoàn cảnh gia đình, tôi chỉ học hết lớp 7 là phải nghỉ học. Nhiều người thắc mắc vì sao một người chỉ học hết lớp 7 mà lại sáng chế ra những loại máy mà có khi thế giới còn chưa có. Nhưng chính vì xuất phát là một người nông dân nên tôi có thực tiễn, từ đó sáng chế được những máy đơn giản mà hiệu quả, phù hợp với lối canh tác và nhu cầu của người nông dân”. Mỗi khi bắt tay chế tạo một chiếc máy mới, anh Hát luôn đặt ra những câu hỏi như: Khách hàng cần gì? Với giá tiền này, người nông dân có mua được không và những người không có trình độ, kiến thức thì có sử dụng được không? Khi trả lời được những câu hỏi này, anh mới bắt tay vào chế tạo máy. Nhờ vậy, các loại máy do anh chế tạo ra luôn đơn giản, dễ vận hành, dễ sử dụng, đem lại hiệu quả cao, giá rẻ. Có những lần khách đến đặt hàng nhưng trong đầu anh rất mông lung. Thế nhưng trước niềm tin của khách hàng, không đành lòng để họ thất vọng ra về, tôi gật đầu nhận lời dù không chắc mình có làm được hay không. Và tôi đã làm được. “Nếu muốn làm được một cái gì đó thì mình phải dám đối diện với nó, sẵn sàng tìm tòi, chứ nếu chưa làm đã nghĩ đến lùi thì không thể thành công”, anh Hát bày tỏ.

Đã nhiều lần anh Hát từ chối bán bản quyền và cũng không nhận làm sáng chế cho các doanh nghiệp nước ngoài với mức lương 7.000USD/tháng. Anh trải lòng: “Tuy lương cao nhưng mình vẫn chỉ là người làm thuê, còn ở nhà, mình được làm chủ. Tôi muốn làm giàu trên quê hương mình, làm những gì có ích cho xã hội, khẳng định vị thế và xây dựng thương hiệu của người Việt Nam. Hơn nữa, chính sự tin yêu của những người nông dân đã níu chân và khích lệ tôi sáng chế”.

Chiếc tủ kính ở phòng khách đã kín các bằng khen, cúp giải thưởng cho các sáng chế của anh: Máy phun thuốc trừ sâu, máy gieo hạt, máy đặt hạt trên khay, máy đóng bầu, máy trồng ngô, máy thu hoạch, máy xịt khuẩn tay, máy tiêm vaccine, máy dỡ dây điện, máy làm bánh, máy tráng bánh đa, máy đóng gói... Mới đây nhất, anh Hát cùng con trai đã sáng chế ra máy xịt khuẩn, có điện hay không đều sử dụng được và đã đăng ký bản quyền. “Tôi sẽ luôn ấp ủ những sáng chế mới. Và thực tế chính là nguồn ý tưởng không bao giờ cạn cho những sáng chế của tôi”, anh Phạm Văn Hát khẳng định.

Anh Phạm Văn Hát được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba; Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, tham dự Đại hội điển hình nông dân tiên tiến toàn quốc. Năm 2018, anh được tuyên dương tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc./.

Tin cùng chuyên mục