Bộ trưởng Bộ Tài chính: “Năm 2020 - một năm đầy chông gai nhưng rất đáng tự hào”
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, tính đến ngày 24/12, thu NSNN đạt 93,18% dự toán. Điều đáng mừng, số giảm thu dự toán báo cáo trước đó là 190.000 tỷ đồng, đến nay đã giảm còn khoảng 103.000 tỷ đồng.
GDP Việt Nam tăng 2,91%
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Tài chính, năm 2020 là năm đặc biệt, năm cuối nhiệm kỳ, nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, cạnh tranh thương mại, thiên tai, bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn… Điều này đã tác động đến sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo đó, tăng trưởng kinh tế đạt 2,91% - là điểm sáng trong số các nền kinh tế mới nổi, dù rằng mức tăng trưởng ấy cách xa mục tiêu Quốc hội đặt ra là 6,8% và là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm nay, thậm chí cả những năm về trước.
Năm 2020, ngân sách Nhà nước (NSNN) cũng gặp nhiều khó khăn về cân đối. Trong đó, thu khó do tăng trưởng kinh tế thấp, nhưng chi lại tăng lên do phải chi phòng chống dịch, thiên tai. Trong bối cảnh đó, ngành Tài chính đã thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai một loạt các giải pháp tài khóa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
“Hơn 20 khoản phí, lệ phí được cắt giảm, có loại đưa về 0%. Rõ nét nhất là các loại phí và lệ phí cho thị trường chứng khoán. Thị trường chứng khoán đã tăng trưởng, kéo theo thị trường tài chính ổn định. Huy động vốn đến thời điểm hiện nay thời gian vay tăng lên, bình quân trên 13 năm, lãi suất vay rất thấp, ở mức 2,88%/năm. Thị trường chứng khoán ổn định cũng giúp thị trường tài chính ổn theo, vì đây là kênh huy động vốn quan trọng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho hay.
Không chỉ giảm các khoản phí, lệ phí, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, như: miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết năm 2025; điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh của người nộp thuế và người phụ thuộc để giảm nghĩa vụ thuế cho cá nhân; giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác... Đến thời điểm hiện nay, tổng số gói hỗ trợ này là 105.000 tỷ đồng, cùng với 17.000 tỷ đồng chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân.
Bên cạnh hỗ trợ, ngành Tài chính đã siết chặt chi tiêu, như chi hội nghị hội thảo, đi công tác nước ngoài cắt giảm tối thiểu 70% và cắt giảm thêm 10% chi phí ngoài lương. Ngân sách Trung ương đã tiết kiệm chi trên 10.000 tỷ đồng. Nhờ đó, đã có nguồn để giải quyết các vấn đề cấp bách phát sinh.
Thu ngân sách đã đạt 93,18%
Về tình hình cân đối ngân sách, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, ở thời điểm tháng 10, Bộ Tài chính báo cáo Quốc hội giảm thu ngân sách khoảng 190.000 tỷ đồng, đề nghị điều chỉnh tăng bội chi, tăng cho đầu tư phát triển, kích cầu trong nước.
Đến ngày 24/12, thu ngân sách đã đạt 93,18% dự toán; giảm thu khoảng 103.000 tỷ đồng, tăng mạnh so với báo cáo trước đó gửi Quốc hội là 86,3%. Ngoài ra, số giảm thu dự toán báo cáo trước đó là 190.000 tỷ đồng, đến nay đã giảm còn khoảng 103.000 tỷ đồng. Đây là tín hiệu rất tích cực. Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng nhận định, đây là điểm sáng, góp phần giảm bội chi, ổn định vĩ mô tiếp tục củng cố.
“Thể hiện tiềm lực của đất nước chính là ngân sách, trước làm không đủ chi, đến nay tiềm lực tài chính đã tăng lên. Đó là kết quả của quá trình đổi mới, củng cố thị trường. Chúng ta tiếp tục vững tin hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng, còn vài ngày nữa là kết thúc năm, số thu dự kiến sẽ tốt hơn”, người đứng đầu ngành Tài chính nhấn mạnh.
Với kết quả ngân sách đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đó là tiền đề quan trọng tiến vào giai đoạn 2021-2025, nhất là khi còn nhiều rủi ro cho năm 2021. Tuy vậy, dự toán thu ngân sách năm 2021 cũng rất “thận trọng” khi chỉ đặt ra mục tiêu dự toán thu nội địa tăng 5,6% so với ước thực hiện năm 2020.
“Với tính toán thận trọng, rất hay là năm 2021, với mức tăng bội chi là khoảng 109.000 tỷ đồng, nhưng vẫn quyết tăng chi cho đầu tư phát triển cao hơn năm 2020, đó là quyết tâm rất lớn, chúng tôi phải rất quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để thực hiện các mục tiêu đề ra. Tôi cho rằng, xác định tăng chi cho đầu tư phát triển là động lực quan trọng cho tăng trưởng”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhận định.
Nhìn lại năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ví von đó là “một năm đầy vất vả chông gai nhưng rất đáng tự hào”. Bộ trưởng cho hay, nhìn lại các chỉ tiêu về tài chính – NSNN 5 năm qua (2016 - 2020), ngành Tài chính đã hoàn thành tất cả các mục tiêu đề ra, từ cơ cấu thu - chi, tỷ lệ huy động, bội chi, nợ công…
“Nền tảng, tiềm lực Tài chính ngày một tốt hơn, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần đưa vị thế, uy tín, mức độ tín nhiệm của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao”, tư lệnh ngành Tài chính khẳng định./.