Nhớ thương làng cũ Tết xưa

Võ Văn Hải/Sóng Việt
Chia sẻ

VOV.VN - Tết xưa ở quê tôi rập rình từ trung tuần tháng Một. Ngày rằm tháng Một là lễ Đại Điền, diễn ra tại đình làng.

Trước đó cả tuần, nhà nhà lo sắm sanh lễ vật, mâm cỗ hoa hương để từ mờ sáng, nhà nhà đội mâm ra đình dâng cúng; chức sắc trong làng tất bật tu bổ vệ sinh cảnh quan trong ngoài đình. Cặp voi, ngựa gỗ tuyệt mỹ được tắm rửa cẩn thận bằng nước thánh, khoác yên cương, “xiêm y”, võng lọng, đưa từ tả hữu vu ra trước sân đình. Kiệu rước, đồ tế lễ sơn son thếp vàng cùng những dàn binh khí đủ loại sáng loáng, được đem từ hậu đình ra hai bên tiền đình. Cờ xí, cờ lễ hội cắm dày quanh sân đình, cắm dọc bốn lối vào đình làng đến cả cây số. Tất cả sẵn sàng cho hành lễ.

Đình Mõ làng tôi là một ngôi đình lớn, được xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia. Thành ngữ “Đích đình đinh như đình Chợ Mõ” được lưu truyền trong cả huyện, cho đến tận bây giờ - là cách nói lóng ưa dùng khi mô tả một vật thể khổng lồ. Đình tọa lạc ở phía Bắc xóm Chợ Mõ, mặt tiền hướng Đông; mang tên đình Mõ bởi trước cửa sổ mé hữu có treo một chiếc mõ gỗ hình con cá rỗng ruột dài cỡ mét rưỡi, khắc trổ tinh tế, tiếng mõ rất to và ấm. 

Lễ Đại Điển trước Tết Âm một tháng rưỡi, đêm trước, sau lễ Tế Yết, có nhiều trò vui; thường là hát dặm, hát đối; biểu diễn tuồng chèo tại sân khấu được dựng mé trái sân đất đình làng, tựa lưng vào tường đền cánh hữu; đèn măng-xông sáng rực, ở xa vài cây số vẫn nom thấy quầng sáng hắt lên trời. Ở sân đình, tôi còn nhớ mãi một lần được xem đốt pháo hoa - là điều mà thủa ấy ở trong mơ cũng không thể thấy. Một người dân xóm Chợ gốc Diễn Châu làm nghề thợ mộc tài hoa là ông phó Thanh đã chế tạo ra cây pháo bông kỳ diệu này. Dàn pháo được đặt mé trái sân đình, sau phát hoả là muôn hoa, muôn màu tưng bừng nở rộ; bông xoáy tít phun ra hàng loạt quầng đuôi sao chổi, lung linh, loá mắt, ngỡ ngàng; loạt bông xoè nở tại chỗ - rỡ ràng, loạt bông vụt lên cao vượt qua mái đình, tíu tít chớp nổ tỏa sáng, khoe màu; lớp này bùng tỏa trong lòng lớp khác, phô bày kiểu cách, phun sắc khoe màu.

Ngày lễ Đại Điển, trời se se lạnh, gió nhẹ nhàng lay vẫy dàn cờ lễ và kim tuyến võng lọng. Từ sáng tinh mơ, mâm cỗ được bày la liệt từ trong ra ngoài, có khi còn lan ra cả thềm và sân đình; dân làng Đức cho rằng, nhà nào có mâm cỗ sớm và chu tất thì sẽ được Thánh Thần phù hộ. Chợ ngừng họp, dân cả xã ăn vận nghiêm chỉnh đẹp đẽ, tụ tập về đông nghịt, đứng đầy đặc quanh sân gạch, trên sân đất trước đình, trật tự, mọi gương mặt đều thành kính hướng về sân đình - nơi đang biểu diễn múa lân, múa long, đấu võ. Tiếp đến, nghi thức tế lễ được thực hiện một cách long trọng ở gian giữa tiền đình. Dàn tế lễ trong lễ phục từ đầu đến chân, khăn xếp, mũ áo, hia hài rặt màu đen, tím hoặc đỏ sẫm có hoa văn vàng kim tuyến. Các cụ phụ lão thực hiện nghi thức hầu hết có hình thức đẹp đẽ: mặt mày phương phi, phúc hậu, để râu dài. Họ bái lạy, khấn cầu bằng âm Hán Việt. Vị chủ tế đứng trên một chiếc đôn phủ gấm điều cao chừng nửa mét; giọng chủ tế êm ấm âm vang trong đình như vọng từ cõi tâm linh xa xôi về. Khói hương trầm thơm ngát nhẹ nhàng lan tỏa khắp trong ngoài đình làng. Dân chúng tụ tập đông nghịt trước sân đình, sân chợ; trật tự, trang nghiêm, thành kính trong suốt buổi lễ. Không khí linh thiêng, cầu khẩn, tưởng nhớ, đội ơn bao trùm.

Tiếp đến là lễ rước kiệu. Kiệu rước làm từ gỗ quý, thành kiệu hình song long và bài vị trên kiệu đều sơn son thếp vàng; ô lọng trên kiệu bằng gấm điều thêu tứ quý màu vàng, xanh, hồng, tía. Mười tám trai làng tuấn tú trong y phục đỏ, cân đai vàng làm phu kiệu. Dẫn đầu đám rước là đội múa long, lân. Cờ xí rợp trời chuyển động theo đoàn người kéo dài cả cây số. Đám rước qua Bàu Cầu, diễu qua Nhà Thánh, qua đình ngoài, đình trung, đền cả ở chân rú Tháp, qua đền thượng rồi qua Cầu Đất trở về đình Mõ. Phục vị. Các cụ giải thích rằng, đấy là lệ viếng thăm của Chính Tự với các Chi Tự.

Sau lễ Đại Điển, sân khấu được giữ nguyên đến sát ba mươi Tết cho các đêm biểu diễn tuồng, chèo, hát ví dặm. Dân xóm chợ có hẳn một đội tuồng với trang phục, đạo cụ đầy đủ, dàn đào kép thiện nghệ; đến mức, câu “Tuồng xóm Chợ” trở thành thành ngữ. Chợ Mõ nằm cạnh đình, sân Chợ không dựng lều chợ ở trước sân đình. Là chợ lớn, người tứ xứ đổ về chợ. Xa nhất là người từ chợ Nồi Quỳnh Lưu, cách đến 30 cây số. Trong số này có bà cụ Bời, bán vải vóc tơ lụa, đến từ Quỳnh Đôi; thường xuyên nghỉ trọ tại nhà tôi. Hình ảnh bà cụ trên 60, mảnh dẻ, tóc muối tiêu bối lại, hiền hậu, lặng lẽ với gánh vải nặng, đường trường đến chợ cứ ám ảnh tôi cho đến giờ.

Ấn tượng đọng mãi trong tôi ngoài các đồ chơi tò he là dãy hàng văn hóa trước sân đình. Người ta bày la liệt tranh Tết dân gian, hoành  phi, câu đối Tết… trên dãy sạp hàng cao độ nửa thước, trên giá treo, trên các bức tường cạnh sân đình - rực rỡ cả một khoảng chợ. Nhiều ông đồ râu ba chòm trắng dài, áo tứ thân khăn xếp đen, nghiên mực Tàu sẵn sàng trên thư án, ngồi nghiêm trang vẩy bút lông cho chữ, dân xin chữ xúm xít chờ.

Chiều 30 Tết, không khí như lắng đọng; ba chục cây nêu đứng trang nghiêm trước cổng mỗi nhà dân xóm Chợ khe khẽ lay đọt lá.

Lễ cúng rước ông bà tổ tiên về thờ phụng trong dịp Tết diễn ra từ giờ Thân đến giờ Dậu. Bữa cơm tất niên ấm cúng hội tụ thành viên gia đình trước bàn thờ gia tiên ngan ngát khói hương trầm, người ta chỉ ôn lại những niềm vui, những thành tựu trong năm. Ánh sáng khiêm tốn từ những ngọn nến, từ đèn Hoa Kỳ đốt bằng dầu hỏa; phản quang từ bàn thờ sơn son thếp vàng cùng đôi câu đối đỏ thắm hòa quyện với sắc hồng trên những khuôn mặt mãn nguyện nghênh xuân.

Giờ Tuất, cả gia đình tụ họp quanh bếp lửa đun nồi bánh chưng bánh tét ở góc sân nhà. Mọi người trông bánh chưng, tâm sự, chờ Giao Thừa.          

Giữa giờ Tý, pháo nổ ran khắp thôn làng, tạch - tạch - tạch, đùng, đoàng; víu - víu, tiếng pháo thăng thiên, pháo hoa vọt lên trời, lóa sáng. Màn đêm tĩnh mịch bỗng bung ra, ốc đảo xóm Chợ biến thành một hoa đăng trên biển lúa.

Sang mồng Một, quãng giờ Thìn, dân làng mới qua nhà nhau thăm hỏi chúc mừng năm mới, là phong tục tránh xui phòng xa cho xóm giềng. Cuộc vui chơi du Xuân thăm hỏi vượt biên giới xóm thôn diễn ra ấm cúng, vui vẻ cho đến hết mồng sáu Tết.

Mồng Bảy là hội Vật Cù Lộ sôi động nhất của làng và của cả tứ xứ lân bang. “Cù” tức là “cầu” - tiếng quê tôi dùng gọi quả cầu. Hội diễn ra tại sân vận động Đồng Đu, rộng cỡ vài hecta, ở giữa làng. Hai cây tre thẳng tắp cao to cỡ mười lăm thước được trồng ở quãng giữa sân vân động, cách nhau cỡ một trăm thước. Trên đỉnh cột có gắn phễu tre giống như cái bu nhốt gà; miệng phễu rộng cỡ ba gang tay, chổng ngược lên trời - đó là khung thành của mỗi phe. Nhiều khi người ta chỉ dựng duy nhất một phễu, không phân phe đội, cầu thủ tranh nhau quả cù, cầu thủ nào ném lọt cù vào phễu là người chiến thắng. Lĩnh thưởng lụa tơ khăn áo, lĩnh thưởng sự tán thưởng kính nể cả năm của khán giả.

Đến nay, sau gần nửa thế kỷ, dân làng tôi còn nhớ một siêu cù thủ. Ông có tên là Thân Dưỡng, nhà ở ngay mé sân vận động; lúc đó ông chừng 50 tuổi, người chắc lẳn, sắc da nâu đen, rất nhanh nhẹn, khỏe mạnh. Đặc biệt, ông có một bửu bối là “mồ hôi dầu”. Mồ hôi của ông rất nhiều và trơn như dầu mỡ. Khi ông ôm được cù, đối thủ lao vào ôm lấy ông để giằng lại cầu thì chẳng khác nào vồ chụp vào một con lươn. Thanh niên trai tráng cũng đành chịu. Ông là người nhiều năm quán quân.

Rồi cuộc sống đói khổ, rồi chiến tranh phá hoại miền Bắc của Mỹ. “Cơm còn chưa đủ”, mạng còn khó giữ, “chơi hoa nỗi gì”!

Sân vận động Đồng Đu vắng teo. Có người sáng kiến dựng Trường cấp I lên đó.

Rồi phong trào cách mệnh phản phong. Tất cả đình, chùa, miếu mạo quê tôi bị san phẳng. Đình Mõ linh thiêng chỉ còn tồn lại phần tiền đình, nhờ độ lớn vượt tầm phá dỡ của hồng vệ binh thời đó; nhưng hậu đình và nhà tả hữu vu chứa hai cặp voi ngựa tuyệt mỹ - nối liền hai đình - đã bị san phẳng.

Rồi trào lưu “mạ vào sân, dân vào rú…”. Xóm Chợ bị rơi vào tầm ngắm, thế là một thôn làng êm đềm đẹp đẽ, nơi hội tụ văn hoá, tâm linh xã nhà bị xoá sổ; “Làng tôi có một lần như thế/ Cây đa già ngã xuống sau lưng”(1). Đình Mõ phải ngậm ngùi đứng lại một mình cô quạnh bao nhiêu năm trời giữa làng hoang đồng vắng.

Năm bảy mươi, tám mươi của thế kỷ trước, kênh Vách Bắc được tạo lập sau hàng chục năm dân công, người ta nói là để chặn lụt cho vùng dưới ở phía bắc huyện lúa. Đó là một kênh tiêu phụ nằm dọc sông Cái nối từ bara Đô Lương xuống Diễn Yên Quỳnh. Và thế là vùng trên bị ngập lụt. Đình Mõ ngâm mình đến ngực trong nước. Hai cặp voi ngựa bằng gỗ, nổi trên mặt nước, trôi mất! Thời kỳ này, có một đôi câu đối xót xa cho Vách Bắc Yên Thành và Hiệp Hòa Đô Lương, nhiều người biết.

Xã tôi có tên là Hậu Thành, tên gốc là làng Đức. Nhân hậu, có trước có sau, lấy đức làm trọng - là tính cách người dân quê tôi. Người dân không thể cam tâm đứng nhìn đình Mõ - biểu tượng thiêng liêng, thân thương của quê hương, bàn thờ của xứ sở - trong tình cảnh đau lòng ấy. Bằng tâm sức của dân, đình Mõ đã được chuyển dời nguyên vẹn lên chân Rú Tháp, một đồi rừng nguyên sinh hiếm hoi giữa lòng quê nhà. Không hàng rào, cái đức của dân làng tôi đã bảo vệ cho khu rừng thiêng này. Dân làng cũng đã cố gắng lùng tìm di tích hậu đình, nhưng cuối cùng, chỉ tìm được bộ khung của một chi tự, nhỏ hơn, may mắn còn sót lại, đem dựng thành hậu đình. Còn hai cặp voi ngựa độc đáo thì… đành chịu!

Lễ Đại Điển hàng năm được phục hồi. Bàn thờ xứ sở lại lên hương khói. Lòng dân được an ủi. Con cháu xa quê về đón Tết có chỗ cúi đầu.

Sau nhiều chục năm, kể từ khi đình Mõ được cứu, bằng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia về tới cổng đình.

“Hỏi một con người rằng anh ta là ai, anh ta chỉ cần chìa chứng minh thư ra là đủ. Hỏi một Quốc gia, Người là ai? Quốc gia đó phải chìa ra những danh lam thắng cảnh, những đặc sản, những vĩ nhân của mình”(2). Hỏi đến làng Đức Hậu Thành quê tôi, đã có Rú Tháp và đình Mõ để “chìa ra”.

Ngoài đình Mõ được cứu, tất cả đã đi vào quá vãng. Mỗi dịp Tết đến xuân về, giai điệu Làng tôi của Chung Quân lại vọng lên khúc kết day dứt trong tôi: “Nhưng than ôi, có một chiều Thu lá Thu rơi… Quê tôi, chìm chân trời mờ sương. Quê tôi là bao miềm thân thương. Là bao nhớ thương se buồn. Là bao vấn vương trong lòng - Tình Cố hương”. 

Và chắc chắn rằng, trong lòng mỗi người dân làng Đức quê tôi lại dâng trào nỗi nhớ thương luyến tiếc Tết Xưa Làng Cũ. Làm sao về được ngày xưa!./.

(1)Rú Gám, Sông Dinh - Biểu tượng của huyện lúa Yên Thành (“Nghệ Yên Thành, Thanh Nông Cống”). Tâm tưởng người quê xa xứ  về Rú Gám là bóng hình người mẹ đứng chờ trông.” Ngày ấy trên đường ra xứ Bắc/ Mắt nhòa Rú Gám phía sau lưng…” (Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ).

(2)Nguyễn Trọng Tạo.

 

Tin cùng chuyên mục