Vốn FDI sẽ chảy mạnh vào Việt Nam trong năm 2023?
VOV.VN - Được đánh giá là thị trường hấp dẫn đầu tư nhờ nền tảng chính trị ổn định, tiềm năng tăng trưởng kinh tế khá cao, quy mô thị trường nội địa khá lớn, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư mới trong năm nay.
Việt Nam vừa kết thúc năm 2022 - chặng cuối cùng trong hành trình 35 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - bằng những tín hiệu vui. Tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2022 đạt gần 27,72 tỷ USD, mức giải ngân đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), đây là lần đầu tiên, khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân lại tiệm cận nhau như vậy. Bình thường, vốn giải ngân chỉ bằng khoảng 60 - 70% vốn đăng ký.
Cơ hội đón sóng đầu tư lớn
Việt Nam được đánh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, và đang đứng trước cơ hội vàng để thu hút lượng vốn đầu tư lớn, nhất là vào các khu kinh tế, khu công nghiệp.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, giai đoạn sau đại dịch Covid-19, thu hút FDI vào Việt Nam đang có nhiều cơ hội để có thể đón được một làn sóng đầu tư mới.
Với việc kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, duy trì ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Việt Nam được xem là điểm đến đầu tư an toàn, tiềm năng và hấp dẫn trong chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu của các nhà đầu tư.
Vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao cùng với các hoạt động kinh tế đối ngoại tích cực của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước. Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Với sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư-kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư.
Cùng với đó, lợi thế về nhân lực và thị trường nội địa với gần 100 triệu dân có tầng lớp trung lưu tăng nhanh, tạo nên một thị trường có sức mua khá lớn, đang thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài.
Doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội đón đầu xu hướng chuyển dịch chuỗi sản xuất toàn cầu để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài phát triển một số lĩnh vực mới tại Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích.
Chọn lọc vốn FDI chất lượng
Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục rót vốn mạnh vào Việt Nam cho thấy Việt Nam tiếp tục được xem là cứ điểm sản xuất quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Điều này thể hiện rất rõ ở dòng vốn chảy vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo trong năm 2022 với hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn như dự án của Samsung ở Thái Nguyên, các dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện ở Bắc Ninh, Nghệ An, Hải Phòng...
Ông Đỗ Nhất Hoàng cho rằng, Việt Nam cần thực thi nhiều giải pháp hiệu quả để thu hút dòng vốn FDI có chất lượng trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, cần chủ động, theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam để có những điều chỉnh chính sách phù hợp trong việc thu hút dòng vốn FDI có chất lượng.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần phải xây dựng bộ công cụ sàng lọc dự án FDI. Việc phân cấp toàn diện cho chính quyền địa phương được cấp phép và quản lý các dự án FDI trên địa bàn đã phát huy tính sáng tạo của nhiều địa phương trong thu hút FDI.
Tuy nhiên, do phân cấp đại trà, dàn trải, chưa tính đến đầy đủ các đặc thù của địa phương, nên đã dẫn đến tình trạng địa phương cạnh tranh thu hút FDI bằng mọi giá, mời gọi đầu tư bằng việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư không đúng thẩm quyền, vượt quy định, nhiều dự án làm phá vỡ quy hoạch, thậm chí cấp phép rồi không triển khai được và phải thu hồi giấy phép…
Do đó, việc xây dựng bộ công cụ sàng lọc sẽ từng bước khắc phục những hạn chế của hoạt động thẩm định dự án FDI hiện tại, đồng thời đón dòng vốn phù hợp với định hướng thu hút FDI trong giai đoạn mới của Việt Nam, chú trọng vào chất, thay vì chạy theo số lượng./.