Triển khai các giải pháp để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 8% năm 2022

Nguyên Long/VOV1
Chia sẻ

VOV.VN - Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch Covid-19, song hoạt động công nghiệp - thương mại vẫn là điểm sáng của nền kinh tế.

Trong đó, sản xuất công nghiệp - với rất nhiều ngành hàng đã vững vàng trước sóng gió Covid-19, góp phần thúc đẩy xuất khẩu năm 2021 vượt đích ngoạn mục, tăng trưởng 2 con số, với tổng kim ngạch đạt gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Phóng viên VOV phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 về dự cảm tăng trưởng xuất khẩu và kế hoạch của ngành công thương trong hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước năm 2022.

PV: Thưa Bộ trưởng, mặc dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi đại dịch Covid-19, song hoạt động xuất nhập khẩu năm qua đã tăng trưởng hết sức ấn tượng, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 335 tỷ USD và tiếp tục có xuất siêu. Bộ trưởng nhận định như thế nào về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Đó là, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới; Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của Covid-19 chưa bộc lộ hết.

Chúng ta vừa phải nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh để duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa bắt kịp với đà phục hồi và các xu hướng phát triển mới của quốc tế, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro như: Chiến tranh thương mại và xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn; Diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán; Nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng...

Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhìn nhận trong khó khăn vẫn luôn xuất hiện cơ hội, đó là: thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.

Ở trong nước, Chính phủ và các Bộ, ngành đã và đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, duy trì hoạt động sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua cũng sẽ góp phần quan trọng, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tạo nguồn hàng cho xuất khẩu.

Kế thừa các kết quả quan trọng và toàn diện đã đạt được trong những năm qua, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, ngành Công Thương phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 8% so với năm 2021 và cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP theo kế hoạch đề ra.

PV: Cụ thể đâu là những thế mạnh trong hoạt động của Việt Nam trong năm 2022, thưa Bộ trưởng ?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Theo tôi, thế mạnh của Việt Nam là chúng ta đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng của một số sản phẩm, như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản, gạo, cà-phê, hồ tiêu... Đây cũng là nhóm những mặt hàng trong thời gian vừa qua có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khá cao.

Một thế mạnh khác là chúng ta đang sở hữu 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA) với hầu hết các thị trường trọng điểm trên thế giới, nhờ vậy tạo ra một xung lực lớn cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu, cùng với đó giúp chúng ta tiếp nhận được nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại và đào tạo được lực lượng lao động chuyên nghiệp hơn.

Ngoài ra, Việt Nam còn có thế mạnh là chính trị ổn định, có vị trí địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh. Vì vậy, có thể nói: Xuất khẩu của Việt Nam đang hội tụ các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

PV: Để tạo bước đột phá trong năm 2022 - năm bản lề của giai đoạn 2021-2025, Bộ Công Thương sẽ có kế hoạch cụ thể gì trong hoạch định chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế đất nước, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề, tạo nền tảng thực hiện thắng lợi, toàn diện các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để tiếp tục hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế đất nước trong năm mới, Bộ Công Thương sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đó là: Tiếp tục thực hiện quyết liệt, thống nhất, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tạo thuận lợi tối đa cho việc phục hồi các chuỗi cung ứng về hàng hóa và lao động phục vụ cho việc phục hồi các hoạt động sản xuất sau dịch bệnh.

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng tham mưu cho cấp có thẩm quyền nhằm thể chế kịp thời các quan điểm, chủ trương, chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng; tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách còn bất cập, các quy định đang cản trở quá trình thực hiện; đồng thời, xây dựng, ban hành các quy định, chính sách phù hợp, bảo đảm đồng bộ, khả thi và đề xuất cấp có thẩm quyền cho thực hiện thí điểm những nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới, sáng tạo để khơi thông và giải phóng các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa trong đầu tư nhằm phát triển mạnh mẽ công nghiệp và thương mại.

Đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành công thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tích cực, chủ động tham mưu tổng kết việc thực hiện các mục tiêu CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế sau hơn 35 năm đổi mới, nhất là đánh giá, làm rõ những ưu điểm, hạn chế trong thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp và thương mại; từ đó có chủ trương, chính sách phù hợp nhằm kết nối chặt chẽ giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước. Thúc đẩy phát triển kỹ năng quản trị, chuyển giao công nghệ, hình thành các chuỗi cung ứng vật tư, nguyên liệu và cụm liên kết ngành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt và năng lực tự chủ của nền kinh tế quốc gia.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ và huy động các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các tập đoàn, doanh nghiệp lớn (cả Nhà nước và tư nhân) của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài (nhất là ở các nước có trình độ KHCN tiên tiến), giúp các DN này có thể đi tắt, đón đầu, tiếp nhận chuyển giao công nghệ hiện đại; trực tiếp tham gia, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam từng bước tham gia vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng đầy đủ nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đối với các dự án công nghiệp quan trọng; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tối đa để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư công lớn, đặc biệt là các dự án về năng lượng, hạ tầng phát triển ngành nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, giao thương của nền kinh tế cũng như phát triển thị trường cho một số ngành sản xuất chủ lực như luyện kim, cơ khí, vật liệu xây dựng, ô tô…

Tăng cường công tác phổ biến thông tin, dự báo tình hình thị trường hàng hóa trong nước và thế giới, giúp cộng đồng doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận thị trường, kết nối giao thương, nhất là ở các thị trường mới, nhiều tiềm năng. Tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà nước ta đã tham gia, nhất là các FTA thế hệ mới. Mở rộng và đa dạng hoá thị trường, mặt hàng, thúc đẩy xuất khẩu phát triển bền vững; đồng thời, chú trọng đổi mới công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường nội địa (100 triệu dân), chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam. Tập trung hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa tiêu dùng trong nước, ưu tiên phát triển các chuỗi cung ứng hàng nông sản thực phẩm thiết yếu.

Tiếp tục đổi mới lề lối, phương thức làm việc, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động công vụ. Chú trọng rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, bảo đảm các quy định thủ tục hành chính được thực thi thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

PV: Về phía doanh nghiệp, theo Bộ trưởng cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta cần làm gì để gia tăng kim ngạch xuất khẩu ngay trong năm 2022?

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới với giá cả ngày càng cạnh tranh. Nếu như nỗ lực từ phía Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương trong việc kết nối, đàm phán mở cửa thành công được coi là điều kiện cần thì nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học kĩ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác là điều kiện đủ để sản phẩm của ta tiếp cận được các thị trường này.

Doanh nghiệp cũng phải tìm hiểu, nắm rõ thông tin về thị trường, từ thị hiếu tập quán người tiêu dùng cho đến những quy định, tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm... để từ đó gia tăng chất lượng hàng hóa, chinh phục thành công các thị trường xuất khẩu.

Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cần nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, dự báo tình hình, thông tin cập nhật đến các doanh nghiệp để chủ động có biện pháp phù hợp, bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường quốc tế.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!./.

Tin cùng chuyên mục