Phòng vệ thương mại vững vàng trong hội nhập
VOV.VN - Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa thị trường, việc chủ động sử dụng công cụ phòng vệ thương mại nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước.
Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng gia tăng, tính đến nay đã có 208 vụ việc PVTM của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Mặc dù PVTM là nội dung tương đối mới đối với Việt Nam, song những năm gần đây, Việt Nam đã bắt đầu chủ động sử dụng công cụ PVTM, thiết lập môi trường cạnh tranh công bằng, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhiều ngành sản xuất trong nước.
Nhận thấy các vụ kiện PVTM với thép xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhiều loại hàng hoá khác không chỉ xảy ra ở các thị trường lớn như Mỹ, Canada, Australia, châu Âu… mà còn xảy ra ngày càng nhiều ở các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… Ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt cho rằng, xu hướng rất rõ là trong thời gian tới, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam có thể bị kiện PVTM ở bất cứ quốc gia nào, thị trường lớn hay nhỏ, lĩnh vực hay loại hàng hóa nào.
Lĩnh vực thủy sản thời gian qua cũng đã phải ứng phó với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá tại một số thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Mỹ. Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ, từ vụ kiện đầu tiên với ngành cá tra vào năm 2002, các doanh nghiệp (DN) rất bỡ ngỡ và có những ý hiểu chưa đúng về chống bán phá giá. Tuy nhiên, sự nỗ lực của cộng đồng DN và các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã giúp đem về kết quả bước đầu tích cực, có DN lớn theo đuổi các vụ kiện am hiểu trí tuệ, tránh bị thua thiệt.
“Tính đến thời điểm hiện tại, thông qua 3 vụ việc phòng vệ thương mại các DN bị đơn đều phản hồi tích cực và nhận được kết quả điều tra khá tốt. Đó là cơ hội khẳng định với DN Mỹ rằng, Việt Nam hoàn toàn là nền kinh tế thị trường, cạnh tranh sòng phẳng bằng chất lượng”, ông Nam nói.
Nhận định năng lực sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng có thể là lý do chính khiến các biện pháp PVTM đối với hàng xuất khẩu gia tăng, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, gần đây xuất hiện xu thế lớn, đó là cùng với quá trình hội nhập sâu rộng, tính cạnh tranh, bảo hộ ngành sản xuất trong nước cũng gia tăng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
“Đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19, các nước tập trung tăng cường hỗ trợ một số ngành sản xuất trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng trong các mặt hàng chiến lược. Nhiều nước hiện nay đã gia tăng các biện pháp PVTM đối với các mặt hàng chiến lược như sắt thép, phân bón”, ông Dũng cho biết.
Đa dạng thị trường, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá
Thực tế trong những năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt từ phía DN về nhận thức đối với công cụ PVTM. Phần lớn DN sản xuất trong nước đã coi PVTM là công cụ tất yếu của tiến trình hội nhập nói chung cũng như tiến trình của từng ngành, từng DN khi ra thị trường nước ngoài hay mở cửa cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu. Các ngành sản xuất trong nước khi đối mặt với PVTM dần dần sẽ nhận thức rõ, muốn hội nhập hiệu quả và phát triển lâu dài phải “sống chung” với các biện pháp PVTM, từ đó đề ra các chiến lược tạo sự phát triển bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), sau những va vấp ban đầu, đến nay một số Hiệp hội, DN đã thành thục trong công tác ứng phó với các vụ việc PVTM.
“Nhu cầu tìm hiểu cũng như nắm bắt về PVTM và năng lực, cách ứng phó của DN đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn đặt ra đối với DN, ngành hàng trong quá trình tham gia, tiếp nhận các vụ việc PVTM. Do đó, cần nhiều hơn sự hỗ trợ truyền thông, thông tin về các biện pháp ứng phó từ Bộ Công Thương cũng như các cơ quan liên quan”, bà Trang đề xuất.
Về phía DN, ông Nguyễn Hoài Nam cho rằng ngoài đoàn kết, chủ động nâng cấp hệ thống truy xuất, quản lý, kế toán..., đa dạng thị trường xuất khẩu cũng là một trong những biện pháp hóa giải, hạn chế những biện pháp phòng vệ thương mại. Để làm tốt đa dạng hóa thị trường, DN cần nâng cao chất lượng sản phẩm, số lượng hàng hóa. Khi hội nhập, đa dạng hóa thị trường cần đầu tư về nguồn lực, đặc biệt là các hệ thống quản lý chất lượng khác nhau.
Đồng quan điểm này, ông Nghiêm Xuân Đa cho rằng, một trong những giải pháp mà các DN cần lưu ý đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường. Cùng với đó cần phát triển các chuỗi giá trị, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu và phát triển thương hiệu.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực của các biện pháp PVTM, ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị, các DN cần xây dựng chiến lược xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, tránh phát triển quá nóng vào một thị trường. Tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá, trong đó cân nhắc các rủi ro về PVTM khi xây dựng chiến lược sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là xuất khẩu.
“DN cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp luật PVTM, chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện PVTM; theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương trong quá trình xuất khẩu sang các nước; tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM…”, ông Dũng nêu rõ./.
TIN LIÊN QUAN:
Đương đầu với phòng vệ thương mại - kinh nghiệm từ ngành thép