Những bước tiến dài của du lịch Việt Nam trong năm 2021 bất chấp Covid-19

Hải Nam/VOV.VN
Chia sẻ

VOV.VN - Năm 2021, dù khó khăn tiếp tục "bủa vây" nhưng ngành du lịch đã tiến những bước dài và chắc chắn trên chặng đường phục hồi. Những tín hiệu khởi sắc cùng lộ trình cụ thể mang đến nhiều hi vọng cho du lịch Việt Nam trong thời gian tới.

Đón khách quốc tế trở lại

Tháng 11/2021, Việt Nam chính thức đón khách du lịch quốc tế trở lại theo chương trình thí điểm. Với sự kiện này, Việt Nam đã bắt kịp các điểm đến trong khu vực trong việc mở cửa đón khách quốc tế (chỉ sau Thái Lan và Singapore) và thu hút sự quan tâm lớn của thế giới. 

Ước tính cả năm 2021, Việt Nam đón từ 3.000 – 3.500 du khách theo chương trình thí điểm. Dự kiến tháng 1/2022, hàng chục chuyến bay chở khách quốc tế sẽ tới các điểm đến ở Việt Nam như Phú Quốc, Khánh Hòa, Quảng Ninh. Ngoài ra, nhiều đoàn khách bị hoãn vào cuối năm 2021 sẽ lên lịch trở lại Việt Nam vào quý I/2022. 

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng việc Việt Nam bắt đầu mở cửa đón khách quốc tế đã "mở ra bước ngoặt mới" cho ngành du lịch. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ đón khách từ khá nhiều thị trường, như Hàn Quốc, Dubai (UAE), Singapore, Malaysia, Uzbekistan, Nga… 

Mới đây khi trả lời báo chí Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết năm 2021 - một năm đầy khó khăn của ngành du lịch do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Việt Nam vẫn vươn lên trở thành Điểm đến hàng đầu châu Á 2021 và đạt được danh hiệu Điểm đến bền vững hàng đầu châu Á của World Travel Awards. 

"Tôi cho rằng, việc giành giải thưởng World Travel Awards - giải thưởng được coi là Oscar trong ngành du lịch năm nay sẽ là cú hích và động lực rất lớn đối với ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh khi du lịch toàn cầu mở cửa trở lại, du khách quốc tế, đặc biệt là khách du lịch Hàn Quốc sẽ lựa chọn những điểm đến tại Việt Nam" - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói. 

Du lịch nội địa linh hoạt hơn

Sau khi Nghị quyết số 128/NQ-CP về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được ban hành và Bộ VHTT&DL, Tổng cục Du lịch có các văn bản hướng dẫn; hoạt động du lịch nội địa tại nhiều địa phương được kích hoạt trở lại. Nhiều doanh nghiệp tung ra những sản phẩm du lịch an toàn, hấp dẫn và du khách dần quen với các chuyến du lịch trong bối cảnh mới.

Cụ thể, lượng khách nội địa tháng 12/2021 ước đạt hơn 5 triệu lượt, gấp đôi tháng 11 (2,5 triệu lượt) và gấp hơn 6 lần con số của tháng 10 (750.000 lượt). Khách du lịch nội địa gia tăng nhanh chóng tại nhiều điểm du lịch khắp cả nước, đặc biệt là dịp cuối tuần như Khánh Hòa, Đà Lạt, Phú Quốc, Lào Cai… Cả năm 2021, lượng khách du lịch nội địa ước đạt 40 triệu lượt, giảm 29% so với năm 2020.

Năm 2021, việc hàng loạt địa phương - trong đó có 2 trung tâm lớn nhất là Hà Nội, TP.HCM thiết lập các hành lang du lịch an toàn song phương, đa phương, liên vùng đã tạo cơ sở vững chắc để du lịch nội địa phục hồi. Tiêu biểu là liên kết giữa Thủ đô Hà Nội với 11 tỉnh, thành phố miền Bắc và Bắc Trung Bộ; giữa TP.HCM với các khu vực Tây Bắc, miền Trung, Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long… Đây là những tín hiệu rất tích cực cho ngành du lịch trước khi bước vào năm 2022. 

Doanh nghiệp khôi phục hoạt động

Năm 2021, ông Nguyễn Trùng Khánh – Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết một trong những kết quả tích cực nhất của Tổng cục Du lịch là đã tham mưu, thực hiện các cơ chế, chính sách giúp doanh nghiệp, người lao động du lịch vượt qua khó khăn trước mắt và tìm cơ hội phục hồi.

Trong đó, nổi bật là hỗ trợ 15.792 hồ sơ hướng dẫn viên đủ điều kiện, với tổng số tiền hỗ trợ trên 58 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 12/2021 số doanh nghiệp lữ hành nội địa và quốc tế được giảm phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành là 562 doanh nghiệp, với số tiền được giảm là 758 triệu đồng… Ngoài ra, nhiều địa phương đã chủ động có chính sách riêng để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn.

Ông Đỗ Văn Thức – Phó Giám đốc Công ty Đất Việt Tour cho biết lúc này đa phần các tuyến du lịch nội địa trên cả nước đã thông suốt. Doanh nghiệp này cũng khôi phục hầu hết tuyến du lịch như trước thời kỳ dịch bệnh lan rộng, trong đó có khoảng 30 hành trình khắp 3 miền phục vụ du khách dịp Tết 2022. Nếu địa phương nào có ca nhiễm tăng cao thì các đơn vị tổ chức tour sẽ cập nhật, điều chỉnh tùy theo quy định cấp độ dịch tại điểm đến đó.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã phục hồi hoạt động, trong đó có những "cánh chim đầu đàn" có vai trò quan trọng để phục hồi và phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.

"Để thực hiện được nhiệm vụ phục hồi, phát triển du lịch, lực lượng chủ công vẫn là doanh nghiệp và người dân. Theo thống kê sơ bộ, 35% doanh nghiệp làm nhiệm vụ phát triển du lịch đã đứng vững, 15% đang trên đà phục hồi. Hi vọng đây là những cánh chim đầu đàn sẽ vươn ra biển lớn, tiếp tục đào tạo đội ngũ nhân lực nòng cốt, đưa ra các gói du lịch phù hợp với điều kiện, nhu cầu và thị hiếu để thu hút du khách" - ông Nguyễn Văn Hùng cho biết.

Chuẩn bị an toàn, chắc chắn cho 2022

Ông Nguyễn Trùng Khánh cho biết năm 2022, hoạt động du lịch được dự báo tiếp tục gặp khó khăn vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh đó, du lịch nội địa sẽ là hướng khai thác chủ đạo của Việt Nam trong năm tới. Toàn ngành ưu tiên đảm bảo an toàn cho du khách và người dân, song song với triển khai có hiệu quả các chương trình phục hồi du lịch nội địa và quốc tế. 

Phát biểu tại hội thảo “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển” vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Việt Nam sẽ mở cửa du lịch an toàn, chắc chắn, vì biến thể Omicron rất nguy hiểm và lây lan nhanh: “Mở ra rồi đóng lại thì còn nguy hiểm hơn, vì vậy ngành du lịch nên chuẩn bị tốt, mở cửa chắc chắn, không nên quá nóng vội. Nếu Việt Nam không an toàn thì khách du lịch cũng không tới. Thậm chí các địa phương trong nước không an toàn thì không có khách nội địa”.

Ngoài công tác an toàn phòng chống dịch bệnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị ngành du lịch chuẩn bị tốt về chuyển đổi số, triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động cũng như xây dựng các sản phẩm chất lượng để đón khách quốc tế. “Phải làm du lịch cộng đồng, đưa du khách vào tận vùng sâu, vùng xa, để họ trải nghiệm những điều hoang sơ, nguyên vẹn. Đấy mới là những trải nghiệm giá trị nhất, mà đôi khi thời gian qua chúng ta vô tình thay thế bằng những cái hiện đại hơn, tưởng như là tốt mà lâu dài thì không tốt” – Phó Thủ tướng nói.

Bước sang năm 2022, những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 và xuất hiện các biến chủng là thách thức lớn cho ngành du lịch Việt Nam. Nhiều nước đã lo ngại và “thu hẹp” chương trình đón khách quốc tế, ví dụ như Thái Lan và Singapore. "Trong bối cảnh mới, du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng chớp thời cơ, tận dụng mọi cơ hội để phục hồi, thích ứng an toàn, trở thành điểm đến uy tín và có vị thế cạnh tranh trên trường quốc tế" – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo “Du lịch Việt Nam – phục hồi và phát triển”./.

Tin cùng chuyên mục