Làng trống Đọi Tam hơn ngàn năm tuổi: Cái khó ló cái khôn
VOV.VN - Nghệ nhân Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam đã gắn bó cả đời với nghề làm trống truyền thống của quê hương không chỉ để mưu sinh mà còn để “giữ hồn”, “truyền lửa” cho thế hệ sau.
Gắn bỏ cả đời với nghề làm trống không chỉ để mưu sinh
Với lịch sử phát triển hơn 1000 năm, làng trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) được coi là một trong những địa điểm nổi tiếng về sản phẩm trống truyền thống. Bên cạnh đó, làng trống cũng bắt kịp hướng đi mới của thị trường để ngày càng đa dạng mặt hàng thủ công mỹ nghệ, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
Làng trống Đọi Tam có tục lệ cha truyền con nối. Con trai trong làng thường sẽ biết làm trống từ lúc còn 12, 13 tuổi và khi lên 14,15 tuổi thì sẽ được theo cha đi khắp các tỉnh thành trong cả nước để làm trống. “Nghe tiếng trống Đọi Tam như nghe thấy tiếng đập của trái tim mình. Nghề làm trống đã thấm vào từng mạch máu, thớ thịt của tôi rồi”, nghệ nhân Phạm Chí Khang, Chủ tịch Hiệp hội sản xuất và kinh doanh trống Đọi Tam chia sẻ.
Nghệ nhân Phạm Chí Khang cho biết ông theo chân cha đi làm nghề truyền thống khi ông mới 13 tuổi. “Khi đó gia đình tôi cũng không khá giả. Tôi cùng cha đi khắp nơi để làm trống. Lúc mới làm nghề vô cùng khó khăn, chỉ đủ mưu sinh, tôi không nghĩ rằng cho đến bây giờ vẫn theo nghề và còn yêu nghề hơn bao giờ hết”, ông Khang tâm sự.
Để làm ra một chiếc trống hoàn chỉnh, các nghệ nhân trong làng trống Đọi Tam rất dày công, tỉ mỉ chau chuốt cả 3 khâu quan trọng: làm da, làm tang và bưng trống.
Da trống được làm bằng da trâu. Da trâu được cạo lớp phôi cho mỏng rồi đem phơi khô. Tang trống được làm bằng gỗ mít khô và được xẻ cong. Mỗi cây gỗ khác nhau được chia làm nhiều dăm khác nhau. Sau đó, thợ làm trống sẽ làm cho các dăm được gắn kết lại với nhau, tạo thành một chiếc trống kín, khít và tròn. Ngoài ra, dăm trống sẽ không được phép nối vì sẽ ảnh hưởng tới âm thanh của trống.
Bưng trống là công đoạn khó khăn nhất, không chỉ đơn giản là căng tròn da trâu lên bề mặt trống rồi dùng đinh bằng tre đóng cố định vào thân trống. Việc bưng trống còn đòi hỏi người làm trống phải có tai thính để thẩm định được tiếng trống được gắn vào nốt nhạc nào trong dàn trống.
Nghệ nhân Khang cho biết: “Để có một sản phẩm tốt, việc chọn nguyên liệu cũng rất công phu, tỉ mỉ. Da trâu phải già và dai, được đem đi nạo sạch mặt, sau đó căng ra, đem phơi rồi sấy và cắt thành mặt trống. Còn về phần gỗ thì gỗ mít phải khô và được xẻ cong, đem chia làm nhiều dăm, rồi gắn kết lại với nhau thật khít”.
Trống Đọi Tam có nhiều loại và giá thành khác nhau, dao động từ vài trăm nghìn tới vài triệu đồng. Tùy theo yêu cầu của khách mà các nghệ nhân trong làng làm trống với các kích cỡ khác nhau, người mua có thể đặt hàng với các loại đặc biệt với giá lên tới hàng chục triệu đồng.
Nghệ nhân Phạm Chí Khang không dấu nổi niềm tự hào trong ánh mắt khi ông chia sẻ về những kỉ niệm sâu sắc trong quá trình làm nghề của mình, đặc biệt là cảm xúc vinh dự trào dâng khi ông cùng các nghệ nhân trong làng trống Đọi Tam được lựa chọn làm những chiếc trống phục vụ đại lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
“Tình yêu của tôi dành cho nghề làm trống truyền thống của quê hương cứ tăng dần theo năm tháng. Tôi yêu những chiếc trống từ khi còn là một cậu bé, theo cha rong ruổi khắp Bắc, Trung, Nam để làm nghề, tới tuổi trưởng thành lại truyền nghề cho các con, các cháu và hậu duệ trong làng. Tình yêu nghề của tôi lan tỏa sang các con nên các con của tôi cũng đều theo nghề của cha dù nghề làm trống rất khó làm giàu, chỉ đủ nuôi gia đình và giữ nghề truyền thống”, nghệ nhân Phạm Chí Khang chia sẻ.
Trong cái khó lại ló cái khôn
Thời gian gần đây, nhiều người làm trống ở làng Đọi Tam gặp khó khăn khi thị trường ảm đạm vì dịch Covid-19. “Trống hội, trống trường, trống Trung thu đều vắng bóng khách mua vì dịch bệnh. Nhưng trong cái khó lại ló cái khôn, khi chúng tôi đã kịp thời nắm bắt được nhu cầu thị trường về các sản phẩm mới mà chỉ những người có nghề làm trống mới phát huy được khả năng và thế mạnh của mình”, ông Lê Ngọc Hùng – một nghệ nhân nổi tiếng của làng trống Đọi Tam cho hay.
Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng cho biết, kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo nhu cầu đa dạng của mẫu mã sản phẩm càng nhiều nên đã mạnh dạn chuyển đổi mặt hàng vừa để đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa để giữ chân công nhân.
Một trong những sản phẩm không kém cầu kì là thùng đựng rượu gỗ sồi. Đây là sản phẩm được rất nhiều người ưa chuộng hiện nay. Thùng rượu gỗ sồi không chỉ để đựng, ngâm rượu mà nó còn là vật dụng để trang trí trong nhà.
Nghệ nhân Lê Ngọc Hùng chia sẻ: “Gỗ nhà tôi nhập hoàn toàn từ nước ngoài, đặc biệt là những nước xứ lạnh như Mỹ, Nga, Pháp, Đức…Việc lựa chọn gỗ ảnh hưởng rất nhiều tới việc làm ra những bình rượu sồi chất lượng và thu hút khách hàng. Trống được ghép bằng gỗ mít; chậu ngâm chân, bồn tắm ghép bằng gỗ thông; còn bình rượu thì ghép bằng gỗ sồi. Các khâu làm để tạo ra một sản phẩm cũng vô cùng tỉ mỉ”.
Đã là người làng trống Đọi Tam thì gia đình nào cũng đều biết nghề. Những năm gần đây, nghề làm trống đã đem đến cho làng một sự thay đổi lớn. Cùng với việc lưu giữ nghề truyền thống, việc nắm bắt kịp thời nhu cầu xã hội và áp dụng vào từng sản phẩm đã giúp đời sống nhân dân ngày càng phát triển. Nghề làm trống vừa giúp mang lại hiệu quả kinh tế vừa giúp lưu giữ nét văn hoá dân tộc.
Nghề làm trống Đọi Tam đã trải qua không ít biến cố, thằng trầm. Nhưng với nỗ lực giữ gìn và bảo tồn, trống Đọi Tam ngày càng có nhiều bước tiến mạnh mẽ đóng góp để giữ gìn bản sắc dân tộc và nâng tầm thương hiệu.
Nghề làm trống là nguồn thu nhập chính của đa số gia đình trong làng, nhiều thanh niên thất nghiệp giờ đã kiếm được việc làm và có thu nhập ổn định. Việc đa dạng hóa sản phẩm, tận dụng kỹ năng làm nghề trống để chuyển đổi sang làm các sản phẩm liên quan đến trống như làm bom rượu, làm bồn tắm sinh học, thùng đựng gạo phong thủy,… đã giúp người dân làng trống Đọi Tam phát huy nghề truyền thống và “giữ lửa” truyền tiếp cho các thế hệ sau./.